Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Xuất khẩu nông sản kỳ vọng lập kỷ lục mới

2018-09-26 14:42:00.0

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2011 - 2017 của Việt Nam đạt 8,6%.

Vị thế hàng nông sản xuất khẩu

8 tháng đầu năm 2018, Việt Nam có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tỷ USD gồm: Thủy sản, rau quả, cà phê, hạt điều, gạo, cao su, gỗ. Về thị trường xuất khẩu, có 26 thị trường đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 thị trường chủ lực gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hiện đã có 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD/ năm trở lên, 5 mặt hàng: tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ đạt kim ngạch 3 tỷ USD/năm. Trước đó, năm 2008 chỉ 2 mặt hàng đạt kim  ngạch 3 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu đạt 1 tỷ USD.

Xuất khẩu nông sản Việt hiện đứng thứ 2 ở Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới. Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hạt điều

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 9 Việt Nam xuất khẩu được hơn 14 nghìn tấn hạt điều, trị giá 119,4 triệu USD. Bình quân mỗi tấn điều xuất khẩu trong nửa đầu tháng 9 có giá khoảng 8.498 USD, giảm khoảng 26 USD/tấn so với bình quân tháng 8.

Ngược lại trong nửa đầu tháng 9, Việt Nam nhập khẩu khoảng 37,8 nghìn tấn điều trị giá 68,77 triệu USD. Tính sơ bộ, giá điều nhập khẩu vào Việt Nam là 1.819 USD/tấn.

Tính từ đầu năm đến 15/9, tổng lượng xuất khẩu hạt điều đạt 256,65 nghìn tấn, trị giá 2,4 tỷ USD, tương đương 9.353 USD/tấn, giảm 49 USD so với bình quân 8 tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, giá trị nhập khẩu điều khoảng 926,77 nghìn tấn, trị giá 1,87 tỷ USD. Như vậy, tính đến 15/9, Việt Nam xuất siêu hạt điều khoảng 530 triệu USD.

Nhu cầu tiêu thụ điều tăng mạnh tại các thị trường chính là yếu tố bù đắp cho việc giá điều giảm. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cần tập trung vào khâu chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm để nâng cao giá trị xuất khẩu và giữ vững thị trường trước tình hình thị trường điều còn nhiều khó khăn do giá giảm. Doanh nghiệp cần nắm bắt kịp thời cơ chế chính sách của các nước nhập khẩu lớn, đặc biệt quan tâm đến những tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao giá trị sản phẩm thông qua tạo vùng nguyên liệu chất lượng cao, tập trung chế biến sâu sản phẩm để tăng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Cà phê

Nửa đầu tháng 9, Việt Nam xuất khẩu gần 559,3 nghìn tấn cà phê, trị giá 102,5 triệu USD. Tính sơ bộ giá xuất khẩu đạt 1.820 USD/tấn, giảm 1,6% so với mức giá xuất khẩu bình quân trong tháng 8 là 1.841 USD/tấn.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 9 Việt Nam xuất khẩu gần 559,3 nghìn tấn cà phê, trị giá 102,5 triệu USD.

Tính sơ bộ mỗi kg cà phê xuất khẩu có giá trên 41.300 đồng, tương đương gần 1.820 USD/tấn, giảm 1,6% so với mức giá xuất khẩu bình quân trong tháng 8 là 1.841 USD/tấn.

Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 9, lượng xuất khẩu cà phê đạt 1.385,67 nghìn tấn, trị giá 2,64 tỷ USD.

Giá cà phê trong nước tiếp tục giảm và đứng ở mức thấp trong 10 ngày đầu tháng 9/2018. Các doanh nghiệp và người nông dân cần theo dõi sát tình hình biến động và giá cà phê toàn cầu để cân nhắc trong việc dự trữ cà phê, nhất là khi Việt Nam sắp bước vào vụ thu hoạch mới.

So với ngày 31/8, giá cà phê robusta giảm từ 5,4 - 7,2%, so với ngày 10/8, giá cà phê giảm ở hầu hết huyện, trừ huyện Đắk Hà thuộc tỉnh Kon Tum tăng 0,3%.

Ngày 10/9, cà phê robusta có mức giá thấp nhất là 32.000 đồng/kg tại huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng), mức cao nhất là 32.700 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gia Lai. Tại các kho quanh khu vực TP HCM, cà phê robusta loại R1 có mức giá 33.900 đồng/kg, giảm 2,3% so với ngày 31/8 và giảm 6,9% so với ngày 10/8.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê trực tuyến trên hai sàn New York và London duy trì xu hướng biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày hôm qua (19/9). Tuy nhiên, thay vì tăng giá như hôm qua, giá cà phê robusta giao tháng 11 giảm 0,34% xuống 1.487 USD/tấn.

Trong khi đó, giá cà phê arabica giao tháng 12 bật tăng 0,8% lên 96,7 US cent/pound, vẫn dưới ngưỡng 1 USD.

Giá cà phê xuống thấp trong nhiều năm, buộc nhiều người nông dân phải bỏ nghề, chịu đói khổ, di cư trái phép; và nhiều nông trại bị bỏ hoang, đã thúc đẩy Cơ quan Cà phê Quốc tế (ICO) tổ chức hội thảo nhằm thảo luận vấn đề khủng hoảng giá trong tuần này.

Năm nay, thị trường chịu áp lực do sản lượng cà phê của Brazil đạt kỷ lục, và nhà đầu tư lo ngại giá cà phê arabica giao sau tại sàn New York sẽ tiếp tục giảm.

Hạt tiêu

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu nửa đầu tháng 9 đạt 8.569 tấn, giảm gần 10% so với cùng kỳ tháng 8. Số tiền thu về từ hoạt động xuất khẩu hạt tiêu trong cùng giai đoạn đạt 2,46 triệu USD, giảm 1,4% so với nửa đầu tháng 8.

Giá tiêu xuất khẩu trung bình trong 15 ngày đầu tháng 9 đạt 2.872 USD/tấn, giảm 0,2% so với cuối tháng 8.

Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hạt tiêu tháng 8 ước đạt mức 2.955 USD/tấn, giảm 4,9% so với tháng 7 và giảm 35,6% so với tháng 8. Trong 8 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hạt tiêu đạt khoảng 3.331 USD/tấn, giảm 38,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ước tính, xuất khẩu hạt tiêu tháng 8 đạt 22.000 tấn, trị giá 65 triệu USD, tăng 3,1% về lượng, nhưng giảm 1,9% về trị giá so với tháng 7, so với cùng kỳ tăng 9,8% về lượng, nhưng giảm 29,2% về trị giá. Trong 8 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hạt tiêu đạt 175.000 tấn, trị giá 583 triệu USD, tăng 4,7% về lượng, nhưng giảm 35,2% về trị giá so với cùng kỳ.

Nguồn cung hạt tiêu dồi dào, nhu cầu không tăng đã gây sức ép giảm giá hạt tiêu. Tháng 8, giá hạt tiêu trong nước tiếp tục giảm so với tháng 7, và duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, người trồng tiêu vẫn phải bán hàng ra để chuẩn bị tái đầu tư cho vụ mới. Trong khi đó, giá hạt tiêu của Brazil cạnh tranh hơn so với Việt Nam nên giá xuất khẩu hạt tiêu khá ổn định.

Trong ngắn hạn, nên có các chính sách hỗ trợ trực tiếp về vốn cho các nông dân sản xuất hồ tiêu để các hộ có thể chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp với điều đất đai, khí hậu…của từng vùng, hạn chế tối đa việc bỏ hoang đất. Thêm vào đó, cần có cán bộ hướng dẫn và đào tạo nông dân sản xuất hồ tiêu theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng, tránh tình trạng chỉ chạy theo sản lượng như hiện nay. Về lâu dài, ngành hồ tiêu Việt Nam cần có chiến lược và định hướng cụ thể trong việc phát triển theo hướng bền vững, thông qua việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị hồ tiêu.

Gạo

Theo Tổng cục Hải quan, khối lượng gạo xuất khẩu trong nửa đầu tháng 9 đạt 192.761 tấn, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái, với giá trị xuất khẩu giảm 12,3% xuống gần 92 triệu USD.

Lũy kế đến ngày 15/9, tổng lượng gạo xuất khẩu tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2017 lên 4,7 triệu tấn, với giá trị xuất khẩu tăng 24,4% lên 2,4 tỷ USD.

Giá gạo xuất khẩu trong nửa đầu tháng 9 đạt khoảng 477,1 USD/tấn, giảm 2,5% so với tháng 8, nhưng đã tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 8, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 600.000 tấn, với giá trị hơn 290 triệu USD. Phippines là thị rường nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất trong tháng 8, đạt 151.290 tấn, chiếm 78,5% khối lượng gạo xuất khẩu. Theo sau là các thị trường Trung Quốc, Ghana, Malaysia.

Mặc dù xuất khẩu gạo trong các tháng tiếp theo được dự báo sẽ có nhiều cơ hội do nhu cầu nhập khẩu các nước tăng. Tuy nhiên, ngành gạo cũng sẽ phải cạnh tranh về giá từ các đối thủ Thái Lan, Ấn Độ khi giá xuất khẩu của các nước này liên tục giảm do đồng baht và đồng Rupee suy yếu so với đồng USD. Ngoài ra, gạo Việt Nam còn gặp phải cạnh tranh với Ấn Độ và Thái Lan về chất lượng và phương thức phân phối vào thị trường lớn như Trung Quốc khi đã có 19 doanh nghiệp Ấn Độ chính thức được chấp thuận xuất khẩu gạo không phải là gạo basmati sang nước này và Thái Lan đã ký thỏa thuận cung cấp 10.000 tấn gạo cao cấp sang thị trường này thông qua kênh thương mại điện tử. Với điều kiện xuất khẩu đã được nới lỏng thông qua Nghị định mới, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần nắm bắt cơ hội để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Hồi đâu tháng 9, Hội đồng Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) cho biết sẽ nhập khẩu thêm 250.000 tấn gạo lần thứ ba trong năm nay để bình ổn giá và tăng lượng hàng tồn kho quốc gia. 250.000 tấn gạo này không gồm 132.000 tấn đã được phê duyệt vào tuần trước đó, vì đây là một phần của khối lượng nhập khẩu tối thiểu dành cho khu vực tư nhân.

Nhu cầu bổ sung từ Philippines có thể thúc đẩy giá xuất khẩu của các nhà cung cấp chính là Việt Nam và Thái Lan.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, các nước Indonesia, châu Phi cũng có nhu cầu nhập khẩu ở các tháng cuối năm để đối phó với sản xuất suy giảm do bão lũ. Ngoài ra, sản lượng lúa của Campuchia sụt giảm đáng kể do ảnh hưởng của lũ lụt liên tiếp từ cuối tháng 7 vừa qua có thể khiến xuất khẩu gạo của Campuchia trong các tháng tới giảm sút.

Thách thức với nông sản xuất khẩu

Theo lộ trình cam kết tại các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), thuế nhập khẩu của các thị trường sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng nông sản của Việt Nam.

Tại thị trường Hoa Kỳ: đang đặt ra quy định, yêu cầu về phân tích nguy cơ dịch hại, thực hiện kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật và yêu cầu xử lý kiểm dịch thực vật đối với trái cây tươi Việt Nam.

Các doanh nghiệp muốn vào thị trường Mỹ hay đứng vững ở các thị trường nhập khẩu cần phải làm tốt việc minh bạch thông tin. Đồng thời, phải nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của thị trường vì khó khăn lớn nhất chính là sự đón nhận của người tiêu dùng cũng như đầu tư công nghệ sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm để có thể xuất khẩu lâu dài.

Cần xác định chính xác bang, tiểu bang muốn tiếp cận. Doanh nghiệp cũng cần tạo mối quan hệ tốt với các đối tác để được cảnh báo, nhận biết sớm các nguy cơ về thương mại.

Nhật Bản: Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nhật Bản là thủy sản và nông sản. Đối với thủy sản là tôm, mực, bạch tuộc, cá ngừ, cua, ghẹ…; trong khi đó, nông sản gồm các mặt hàng rau quả, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, cao su, sắn…

Hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Nhật Bản (AJCEP) có hiệu lực từ 1/12/2008 và Hiệp định Thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ 1/10/2009 là khuôn khổ pháp lý cho sự hợp tác Việt Nam - Nhật Bản.

Đối với AJCEP, Việt Nam cam kết loại bỏ thuế quan đối với 82% giá trị nhập khẩu từ Nhật Bản trong 16 năm và 69% giá trị nhập khẩu trong vòng 10 năm. Ngược lại, Nhật Bản cam kết loại bỏ thuế quan đối với gần 94% giá trị nhập khẩu từ Việt Nam trong vòng 10 năm.

Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, Nhật Bản lập tức loại bỏ thuế quan đối với 7.287 dòng thuế, tương đương 80% biểu thuế. Riêng đối với hàng thủy sản, Nhật Bản giảm thuế từ mức bình quân 5,4% năm 2008 xuống 1,31% năm 2019. Đặc biệt, tôm, cua, ghẹ và một số sản phẩm cá đã được hưởng thuế suất 0% ngay từ năm 2009.

Trong khi đó, VJEPA thì cam kết cao hơn AJCEP. Trong vòng 10 năm, khoảng 92% hàng hóa sẽ được miễn thuế khi vào thị trường của mỗi bên; Việt Nam cam kết tự do hóa đối với 87,66% kim ngạch thương mại trong vòng 10 năm; Nhật Bản cam kết tự do hóa đối với 94,53% kim ngạch thương mại trong vòng 10 năm.

Nhóm hàng da giày Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất 0% trong vòng từ 5 - 10 năm; nhóm hàng rau quả tươi cũng được hưởng thuế suất 0% sau 5 - 7 năm kể từ năm 2009; các sản phẩm nông sản sẽ giảm thuế bình quân từ 8,1% năm 2008 xuống 4,74% vào năm 2019.

Mặc dù kim ngạch thương mại giữa hai bên liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây, nhưng trong lĩnh vực xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy hải sản của Việt Nam sang Nhật Bản vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, trái cây Việt Nam muốn sang được thị trường Nhật cần được xử lý hơi nước nóng, tránh côn trùng xâm nhập nên hiện vẫn mới có thanh long (ruột đỏ và ruột trắng), xoài và chuối có mặt tại thị trường cao cấp này. Trong khi đó, hàng thủy sản cũng phải đối mặt với quy định kiểm soát tồn dư tối đa cho phép đối với hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm.

Úc: Tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Úc, đặc biệt là hàng nông lâm thủy sản phải đáp ứng được các yêu cầu về sinh học và an toàn thực phẩm. Luật kiểm soát thực phẩm cho phép Bộ Nông nghiệp Úc thực hiện Chương trình kiểm tra thực phẩm nhập khẩu. Nếu thực phẩm có nguy cơ ở mức độ trung bình đến mức độ cao thì sẽ được phân loại là “thực phẩm hiểm họa”. 100% lô hàng của doanh nghiệp nhập khẩu loại thực phẩm này sẽ bị kiểm tra và xét nghiệm đối với vi khuẩn và chất ô nhiễm. Đối với “thực phẩm hiểm họa”, doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo hàng cần xét nghiệm và bị giữ cho đến khi biết được kết quả xét nghiệm. Thực phẩm khác được xem là có nguy cơ thấp được phân loại “thực phẩm diện giám sát”. Các lô hàng này sẽ có xác suất 5% bị kiểm tra việc có đạt yêu cầu về các tiêu chuẩn thực phẩm của Úc hay không. Đây chính là rào cản lớn nhất đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Úc.

Những yêu cầu khắt khe trên đang đặt ra thách thức không nhỏ khi nhiều mặt hàng nông sản Việt hiện đang sản xuất manh mún, tự phát dẫn đến chất lượng không đồng đều, khó kiểm soát an toàn thực phẩm và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc…

Thực tế cho thấy mỗi thị trường có những quy định nhập khẩu riêng, song có thể ẩn chứa yếu tố cạnh tranh, nhất là các nước có nhiều nông sản muốn bảo hộ nông sản trong nước thì họ có thể đưa ra các chính sách, rào cản kỹ thuật, thông tin bất lợi… để hạn chế xuất nhập khẩu.

Theo các chuyên gia, nông sản Việt rất phong phú nhưng thiếu đi những sản phẩm giá trị gia tăng. Đa số sản phẩm xuất thô, thiếu hệ thống tiêu chuẩn chất lượng. Muốn giải quyết được các vấn đề này cần tăng cường kết nối, sản xuất theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có một chiến lược xây dựng thương hiệu gắn liền với chất lượng. Trong đó, tập trung cải thiện về đóng gói, mẫu mã, bao bì. Đồng thời, cần có một quy trình sản xuất chuẩn có thể truy xuất thông tin.


Lượt xem: 329

Thống kê truy cập

Đang truy cập:2043

Tổng truy cập: 18466134