KẾ HOẠCH Triển khai chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025
Căn cứ Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
Căn cứ Quyết định số 1157/QĐ-TTg ngày 12/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Quyết định số 2306/QĐ-BCT ngày 13/10/2021 của Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương triển khai Quyết định số 1157/QĐ-TTg ngày 12/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025,
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích.
- Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo cơ sở để tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
- Xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, liên tục và lâu dài; đưa việc đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thành trách nhiệm, động lực và lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp;
- Kiến tạo môi trường tiêu dùng an toàn, bền vững, củng cố niềm tin của người tiêu dùng, góp phần tạo nền tảng cho một xã hội tiêu dùng hạnh phúc và thịnh vượng.
2. Yêu cầu
- Các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật được thực hiện thường xuyên, chuyên sâu, nhân rộng bằng nhiều hình thức;
- Việc tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải đảm bảo tính thiết thực, tiết kiệm hiệu quả.
- Ðẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Tổ chức Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam
Hàng năm, căn cứ quy định tại Quyết Định số 1035/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cộng đồng doanh nhgiệp và các tổ chức cá nhân có liên quan khác xây dựng kế hoạch, thống nhất triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam theo các chủ đề do Bộ Công Thương phát động;
- Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại phát động "Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam 15/3, nhằm nâng cao nhận thức về quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp;
- Tổ chức khen thưởng tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
2. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua các hoạt động hội thảo, hội nghị, toạ đàm, truyền thông trên các phương tiện truyền hình, truyền thanh, báo điện tử, phóng sự, tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức các hội thi, các tiểu phẩm, in các sổ tay người tiêu dùng;
Tăng cường thông tin, hướng dẫn, trang bị kiến thức nhằm nâng cao khả năng tự bảo vệ của người tiêu dùng, để mỗi người tiêu dùng, nhất là những người yếu thế để có thể tự ý thức bảo vệ quyền lợi của mình trước các thủ đoạn lừa đảo, gian lận từ phía những nhà sản xuất, kinh doanh hàng hóa và cung cấp dịch vụ;
Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan truyền thông với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xem xét, xác minh tính trung thực và chính xác về công năng, tác dụng của sản phẩm quảng cáo trước khi đăng tải, đưa tin; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cảnh báo những vi phạm về quảng cáo không trung thực, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại;
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các chủ thể sản xuất, kinh doanh; nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với người tiêu dùng; về những hậu quả pháp lý phải gánh chịu nếu xảy ra vi phạm.
Tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào chương trình giảng dạy cho đối tượng học sinh, sinh viên với hình thức tuyên truyền vận động cho học sinh, sinh viên nhận thức về quyền lợi của người tiêu dùng;
3. Đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Các cơ quan, tổ chức chủ động trang bị tài liệu, cập nhật kiến thức pháp luật về quyền lợi người tiêu dùng cho các nhóm đối tượng khác nhau, trong đó có các nội dung hướng tới đối tượng người tiêu dùng yếu thế; cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, lớp tập huấn ngắn ngày do địa phương, trung ương tổ chức nhằm nâng cao năng lực, trình độ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
Nâng cao kiến thức pháp luật, đạo đức phẩm chất, kinh nghiệm xử lý, khả năng nắm bắt tâm lý cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác hoà giải về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
4. Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa, dịch vụ
Xây dựng kế hoạch phối hợp và hỗ trợ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội có chức năng, quyền hạn để tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực hiện việc kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, đặc biệt là trong các lĩnh vực an toàn thực phẩm, y tế, chất lượng, đo lường sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng;
Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa dịch vụ cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các doanh nghiệp chủ động đầu tư hệ thống kiểm soát chất lượng hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường;
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố theo dõi diễn biến thị trường cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động phương án hoặc kịp thời đề xuất biện pháp ứng phó nhằm ổn định thị trường khi cần thiết, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng;
Hỗ trợ tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng độc lập khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ để thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng theo quy định.
5. Kết nối các hệ thống tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng
Sở Công Thương và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh phối hợp Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ, tư vấn người tiêu dùng tại các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua hệ thống tư vấn, hỗ trợ tiêu dùng tổng đài 6838.
6. Triển khai các chương trình khuyến khích doanh nghiệp thực hiện quy tắc đạo đức ứng xử với người tiêu dùng, tiêu chí, chuẩn mực trong kinh doanh nhằm tối ưu hóa lợi ích của người tiêu dùng
Phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xây dựng và hoàn thiện bộ quy tắc đạo đức ứng xử đối với người tiêu dùng trong một số ngành, lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ đặc thù; khuyến khích doanh nghiệp áp dụng bộ quy tắc đạo đức đó hướng đến vì lợi ích của người tiêu dùng.
Khuyến khích doanh nghiệp tự chuẩn hóa và áp dụng quy trình, thủ tục tuân thủ nội bộ nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả các trách nhiệm đối với người tiêu dùng trong quá trình sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ khoa học, kỹ thuật tiên tiến, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, dịch vụ hướng đến sản xuất, kinh doanh sản phẩm tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững, vì sức khỏe của người tiêu dùng và lợi ích của cộng đồng.
7. Các hoạt động khác.
Các hoạt động phát triển công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khác phù hợp với thực tế trên địa bàn tỉnh và phù hợp với pháp luật hiện hành.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Nguồn kinh phí
Kinh phí thực hiện Kế hoạch gồm các nguồn vốn sau:
- Ngân sách nhà nước theo phân cấp quản lý ngân sách;
- Nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân;
- Nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;
- Các doanh nghiệp tự đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện.
2. Nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí
Việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu hiệu quả tiết kiệm.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Công Thương
- Sở Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hàng năm chỉ đạo Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh tham mưu cho Sở nội dung công tác để trình UNBD tỉnh ban hành Kế hoạch bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán kinh phí hàng năm về “Ngày người tiêu dùng” trình UBND tỉnh xem xét và phê duyệt (trên cơ sở dự toán kinh phí của Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh);
- Huy động nguồn vốn tài trợ hợp pháp từ các chương trình, đề án của Trung ương và các doanh nghiệp địa phương (nếu có), góp phần kinh phí cho thực hiện kế hoạch;
- Tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung kế hoạch cho phù hợp với tình hình và theo hướng dẫn của Trung ương;
- Thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực ngành, đặc biệt là các vấn đề như an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền Công Thương quản lý;
- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch chương trình này. Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện hàng năm và cả giai đoạn báo cáo Bộ Công Thương, UBND tỉnh kết quả thực hiện định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Tổng hợp cân đối, lồng ghép các nguồn lực, các chương trình kinh tế - xã hội trong tỉnh với kế hoạch chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh hàng năm.
3. Sở Tài chính
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí hàng năm cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện các nội dung hoạt động của Kế hoạch này theo quy định hiện hành.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì phối hợp với Sở Công Thương trong các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hàng hóa và xây dựng cơ chế phối hợp, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc kiểm tra đánh giá và công bố chất lượng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng.
5. Sở Y tế
Chủ trì phối hợp với Sở Công Thương trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là các vấn đề như an toàn thực phẩm thuộc phân cấp quản lý của ngành Y tế.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì phối hợp với Sở Công Thương trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản, trong đó tập trung về vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nhóm mặt hàng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo
Bố trí thời gian hợp lý để tổ chức tuyên truyền cho giáo viên, sinh viên các trường học về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp các cơ quan báo, đài và các cơ quan chức năng khác đưa thông tin, tuyên truyền về các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
9. Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể nhân dân
Đề nghị tích cực phối hợp và tham gia vào công tác tuyên truyền các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đặc biệt là lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, giám sát thực hiện pháp luật về quyền lợi người tiêu dùng.
10. Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan liên quan, hàng năm tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam; triển khai Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng theo hướng dẫn của Bộ Công Thương;
- Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tổ chức các hoạt động tuyên tuyền, phổ biến, tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng tìm hiểu các chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua các hoạt động hội nghị, hội thảo, tọa đàm;
- Tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh của các tổ chức, cá nhân các hoạt động về tiêu dùng. Định kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo với Bộ Công Thương và UBND tỉnh.
11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố.
- Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và Kế hoạch này, UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng Kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện các chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương; lồng ghép với các hoạt động khác nhằm thực hiện tiết kiệm và phát huy hiệu quả;
- Hỗ trợ tạo điều kiện để phòng Kinh tế, các Chi hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt chương trình này;
- Định kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất Chi hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về UBND huyện, thị xã, thành phố và Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh để tổng hợp báo cáo Sở Công Thương.
12. Báo, Đài phát thanh truyền hình tỉnh.
- Phối hợp với các sở, ban ngành và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, cần tăng thời lượng, tin bài, phóng sự về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh;
- Phát huy vai trò giám sát, phóng sự điều tra để công khai các địa chỉ, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
13. Các Hiệp hội doanh nghiệp.
- Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hội viên phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan liên quan triển khai các chương trình bảo vệ quyền lợi tiêu dùng tại Kế hoạch này;
- Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đẩy mạnh Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng.
14. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Chủ động triển khai thực hiện Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng; Xây dựng bộ phận chuyên trách tư vấn, hỗ trợ tiếp nhận và giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng;
- Nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Căn cứ nội dung Kế hoạch này, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố; Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí của đơn vị mình tổ chức thực hiện. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương, UBND tỉnh theo quy định./.
Thống kê truy cập
Đang truy cập:312
Tổng truy cập: 22018619