Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng khả quan trong nửa đầu năm 2018

2018-07-12 10:30:00.0

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 6/2018 ước đạt 750 triệu USD, nâng kim ngạch xuất khẩu chung trong 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 4,13 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2,86 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Trước những biến động của thị trường như các rào cản phòng vệ thương mại liên tiếp được dựng lên, các chính sách khắt khe nhằm thắt chặt kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng gỗ tại các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm  gỗ chính của  Việt Nam. Nhưng hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ vẫn tăng trưởng khả quan. Năng lực chế biến gỗ của Việt Nam đã không ngừng tăng lên về số lượng mà còn đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất  lượng  sản phẩm, trình độ quản lý,  tay nghề nhân công. Ngoài việc đầu tư công nghệ, doanh nghiệp ngành gỗ của Việt Nam còn đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có tính ứng dụng cao, đồ nội thất thông minh, đầu tư nhiều trong thiết kế mẫu mã phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện tại. Đây chính là những yếu tố chính góp phần đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu của  ngành gỗ tăng cao.
Ngoài những yếu tố về nội lực, yếu tố ngoại lực cũng góp phần lớn trong việc phát triển ngành gỗ của Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể như:
Sản phẩm chế biến ngày càng đa dạng về chủ ng loaị , mẫu mã, đáp ứng yêu cầu mở rộng, thâm nhập vào các thị trường nước ngoài. Đến nay, đồ gỗ Việt Nam đã xuất sang trên 100 nước và vùng lãnh thổ; trong đó, các thị trường chủ yếu là Mỹ, Nhật  Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và EU...,nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường này ngày càng tăng. Cụ thể:
+ Tại Mỹ: Nhu cầu tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ tại Mỹ rất lớn, trong đó đáng chú ý là mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, đây cũng là mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2018 đạt 6 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ hai tại Mỹ, tuy nhiên trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm có 19,8% trong tổng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này tới Mỹ trong thời gian tới.
Đáng chú ý, việc Mỹ và Trung Quốc đáp trả nhau quyết liệt bằng những biện pháp thuế quan không chỉ gây tổn hại cho chính các quốc gia này, mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kéo dài và ngày càng căng thẳng, sẽ làm thay đổi cán cân thương mại của nước thứ ba. Khó khăn thách thức xen lẫn cơ hội cho nước thứ ba khi hai nước này tạo rào cản về thuế quan lẫn nhau. Cụ thể, khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ khó khăn, sẽ là cơ hội cho hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ để bù đắp khoảng trống thị phần của hàng Trung Quốc. Ngược lại, khi Trung Quốc giảm xuất khẩu hàng sang Mỹ, sẽ tìm cách đẩy mạnh xuất sang các nước xung quanh và Việt Nam sẽ bị cạnh tranh rất lớn, nhất là ở các nước Đông Nam Á. Theo đó, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan sang thị trường Mỹ trong thời gian tới vì sản phẩm này không nằm trong danh mục xung đột thương mại Mỹ - Trung.
+ Thị trường Pháp: Xuất khẩu tăng mạnh sang thị trường Pháp, góp phần thúc đẩy ngành gỗ phát triển mạnh sang toàn khu vực EU. Theo số liệu thống kê từ Trademap, Pháp nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ chủ yếu từ các thị trường nội khối như: Đức, Italia, Ba Lan...Đối với thị trường ngoại khối, Pháp nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ...Trong 3 tháng đầu năm 2018, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Pháp đạt 979,1 triệu USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, đáng chú ý Pháp tăng mạnh nhập khẩu từ thị trường Việt Nam với trị giá đạt 48,1 triệu USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2017. So với nhu cầu nhập khẩu của Pháp thì thị phần nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn quá thấp so với nhu cầu nhập khẩu tại thị trường này. Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam đẩy mạnh mặt hàng này sang thị trường Pháp trong thời gian tới.
+ Thị trường Australia: Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Australia vẫn ở mức thấp so với nhu cầu tiêu thụ của thị trường này. Đối với mặt hàng đồ nội thất gỗ, theo thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, trong giai đoạn năm 2013 - 2017, mỗi năm Australia nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ với trị giá lên tới gần 1,5 tỷ USD. Trong khi, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam sang thị trường Australia mỗi năm chỉ đạt 150 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ sang Australia trong 4 tháng đầu năm 2018 chiếm tới 84,8% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường này. Theo nghiên cứu từ IBISWorld, ngành công nghiệp sản xuất đồ nội thất của Australia đã tăng trưởng chậm lại trong vòng năm năm qua (giai đoạn năm 2013-2018). Mặc dù, ngành công nghiệp nội thất nước này cũng nỗ lực để giữ thị phần tại thị trường nội địa, tuy nhiên vẫn không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu với chị phí thấp hơn. Nhu cầu đối với đồ nội thất bằng gỗ dự báo sẽ tăng trong vòng năm năm tới, tuy nhiên theo nghiên cứu thì tỷ lệ ngày càng tăng đối với hàng nhập khẩu. Vì người tiêu dùng Autralia đang có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm nội thất với chi phí thấp, và các nhà sản xuất trong nước không thể cạnh tranh được do nhân công lao động cao và chi phí đầu vào cao.
Thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiềm năng: Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ để các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Đông. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới. Đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ buôn bán qua lại trong những năm qua, trong đó Việt Nam luôn ở thế xuất siêu. Mặt hàng đồ nội thất tiêu thụ ngày càng nhiều do mức sống của người dân nước này được nâng cao, cảm nhận mỹ quan của người tiêu dùng cũng đa dạng và phong phú lên. Trong khi thẩm mỹ hướng tới sự hoàn thiện trong sử dụng cho các cá nhân, cho các không gian riêng biệt trong sự thay đổi liên tục, người sử dụng ngày càng ít chú ý hơn những hàng hóa quá lâu bền. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, trị giá nhập khẩu đồ nội thất của Thổ Nhĩ Kỳ trong 3 tháng đầu năm 2018 đạt 38,8 triệu USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp lớn thứ 5 mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ tới Thổ Nhĩ Kỳ, trị giá nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao, tuy nhiên thị phần chỉ chiếm 6,5% trong tổng nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cho thấy, tiềm năng xuất khẩu đồ nội thất gỗ của Việt Nam vào Thổ Nhĩ Kỳ còn lớn.
Theo Technavio, quy mô thị trường đồ nội thất phòng ngủ trên thị trường toàn cầu được dự báo đạt hơn 135 tỷ USD vào năm 2022.
Trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ đa chức năng trong thời gian tới. Đây là phân khúc chính tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, những yếu tố chính thúc đẩy thị trường đồ nội thất phòng ngủ như:
+ Sự gia tăng nhanh chóng dân số tại các nền kinh tế phát triển và mới nổi, khả năng chi tiêu của người tiêu dùng đối với hàng hóa cao cấp đã tăng đáng kể trong những năm gần đây.
+ Theo Nhóm Ngân hàng Thế giới, tổng số phụ nữ trên 15 tuổi chiếm hơn 56% phụ nữ làm việc trong năm 2016. Tương tự, số lượng phụ nữ làm việc cũng tăng lên đáng kể ở các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Brazil. Cùng với sự gia tăng trong các hộ gia đình có thu nhập kép đã dẫn đến một sự bùng nổ nhà ở đơn thân. Do thị trường bất động sản bất động sản tăng giá liên tục, không gian dân cư đã giảm đáng kể đã dẫn tới giá thuê nhà cao. Điều này, đã thúc đẩy các nhà sản xuất đồ nội thất phòng ngủ tập trung tạo ra các sản phẩm đồ nội thất phòng ngủ đa chức năng. Sự nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với đồ nội thất đa chức năng, tích hợp nhiều công năng sử dụng và di động sẽ là một trong những xu hướng chính có sức hút mạnh mẽ trong vài năm tới.
Thuận lợi từ các Hiệp định thương mại song phương và đa phương.
Với việc tham gia CPTPP, ngành gỗ sẽ thâm nhập thêm một số thị trường tiềm năng khác như Autralia, Canada, Mexico… Các doanh nghiệp trong ngành gỗ đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm sản phẩm có giá trị cao thay vì xuất khẩu thô như trước đây. Việt Nam là nước xuất khẩu gỗ hàng đầu tại ASEAN và đứng thứ 5 trên thế giới về doanh thu xuất khẩu từ các sản phẩm lâm nghiệp.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, hầu hết các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nội thất xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ được hưởng mức thuế 0%.
Ngoài những thuận lợi có được, ngành gỗ còn đối mặt với nhiều khó khăn như:
+ Những căng thẳng thương mại leo thang mới đây giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có tác động tới hoạt động thương mại Việt Nam, do hàng hóa bị đánh thuế đa phần là hàng công nghệ cao, có tính chất tương đối đặc thù. Nhưng nếu việc áp thuế xảy ra với ngành gỗ của Trung Quốc, rất có thể có làn sóng các doanh nghiệp Trung Quốc tràn sang Việt Nam để tránh thuế của Mỹ khiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến. Hiện tại, thặng dư thương mại ngành  gỗ của Việt Nam với Mỹ hiện đạt trên 2 tỷ USD, nghiêng về Việt Nam, cộng luồng đầu tư từ Trung Quốc vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam sẽ càng làm cho Mỹ quan tâm đặc biệt tới Việt Nam.
+ Tổng thống Mỹ Donald Trump rất quan tâm các vấn đề về bản quyền, bảo hộ trí tuệ...những cái đó Việt Nam còn yếu nên bất cứ lúc nào cũng có khả năng chính quyền Mỹ sẽ xem xét.
+ Các thị trường xuất khẩu gỗ lớn khác của Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang có những động thái nhằm thắt chặt kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng gỗ. Điều này sẽ tác động đến các hoạt động xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường trên trong thời gian tới.
Thị phần và tiềm năng phát triển ngành gỗ thế giới là rất lớn, tuy nhiên để mở rộng thị phần và nâng cao giá trị xuất khẩu các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam cần:
+ Kịp thời nắm bắt xu hướng và tận dụng tốt các cơ hội mà thị trường mang lại. Tập trung sản xuất các sản phẩm gỗ từ đang thiên về gỗ công nghiệp, gỗ kỹ thuật. Ngành gỗ cần nâng cao khả năng sáng tạo, đưa ra các sản phẩm có thiết kế, tính  năng mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
+ Tăng cường đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
+ Nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gỗ Việt Nam...
+ Tập trung trồng rừng theo phương thức thâm canh để tự túc nguồn nguyên liệu gỗ, đồng thời đẩy mạnh công nghệ chế biến ván nhân tạo từ gỗ rừng trồng.
Về phía nhà nước: Chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài và hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện được nước ngoài khởi động, giải thích và đấu tranh từ giai đoạn điều tra để giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp cuối cùng. Tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống gian lận thương mại, gian lận quy tắc xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Cần xây dựng tiếp các kịch bản để ứng phó với biến động kinh tế thế giới, trong đó có động thái chính sách thương mại và tỷ giá của Trung Quốc, Mỹ.
Rà soát lại những quy định chính sách của mình, đảm bảo có công cụ và dư địa chính sách phù hợp để định hướng hàng hoá nhập khẩu và ứng phó với những biến động bất lợi trên thị trường thế giới.
 


Lượt xem: 890

Thống kê truy cập

Đang truy cập:354

Tổng truy cập: 18651733