Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Xuất khẩu da giày: Tăng cả lượng và giá!

2011-07-25 16:28:00.0

Ngành da giày đã đạt được nhiều thuận lợi liên tiếp khi cả lượng và giá đơn hàng xuất khẩu từ đầu năm đến nay đều tăng trưởng hơn so với năm ngoái, trong đó lượng đơn đặt hàng tăng trưởng khoảng 20%, giá đơn hàng tăng từ 7 đến 10%.

 

Ngành da giày đã đạt được nhiều thuận lợi liên tiếp khi cả lượng và giá đơn hàng xuất khẩu từ đầu năm đến nay đều tăng trưởng hơn so với năm ngoái, trong đó lượng đơn đặt hàng tăng trưởng khoảng 20%, giá đơn hàng tăng từ 7 đến 10%.

Tính đến hết tháng 6/2011, kim ngạch xuất khẩu da giày cả nước đạt 3 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ. EU vẫn là thị trường chủ lực, chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, tiếp đến thị trường Mỹ và các thị trường tại Đông Âu… Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) đã có đơn hàng đến hết quý III, thậm chí quý IV, nên nửa cuối năm 2011,  xuất khẩu da giày sẽ tiếp tục thuận lợi. Các chuyên gia dự báo, với tình hình như hiện nay, cả năm 2011, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sẽ đạt 6 tỷ USD và mặt hàng cặp, túi xách năm nay cũng sẽ lọt vào “Câu lạc bộ 1 tỷ USD”.

Ngành da giày hiện có 450 doanh nghiệp (70-80% nằm ở phía Nam) với khoảng 750 dây chuyền đồng bộ, công suất 650 triệu đôi giày/năm. Đặc biệt, các doanh nghiệp đều tập trung cải tiến công nghệ, từ thiết kế mẫu mã đến sản xuất. Ngày càng có nhiều công ty đầu tư mạnh vào cải tiến công nghệ như Công ty CP da giày Thái Bình, Công ty Đông Hưng, Công ty Giày Việt… Các công ty này đã từng bước chuyển từ hình thức gia công sang sản xuất và xuất khẩu trực tiếp, chủ động đầu vào, đầu ra cho sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Tòng, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), cho biết, các doanh nghiệp da giày đang có lượng đơn hàng khá dồi dào do có sự chuyển dịch mạnh mẽ các đơn hàng từ Trung Quốc, nhiều khách hàng cũ đã quay lại sau khi EU chấm dứt áp thuế chống bán phá giá lên giày mũ da Việt Nam. Đồng thời, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành cũng đã được nâng lên để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng do e ngại các yếu tố đầu vào và chi phí nhân công ngày càng tăng.

Bà Trần Ngọc Liên - Giám đốc Công ty giày Liên Phát - lạc quan, đơn hàng từ nay đến cuối năm của công ty khá nhiều, đặc biệt trong tháng 6, 7 và 8/2011 là thời điểm doanh nghiệp xuất hàng vụ đông qua EU nên giá trị đơn hàng cao hơn nhiều so với thời điểm đầu năm. Để đáp ứng kịp thời các đơn hàng đã ký với đối tác, công ty đã mở thêm nhiều chi nhánh tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa để tận dụng nguồn lao động của các địa phương và gần đây nhất, công ty đã mở thêm một chi nhánh mới tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy chi nhánh mới chỉ dừng lại ở mức độ thuê mặt bằng và trang bị một số thiết bị cần thiết cho sản xuất, song việc mở thêm chi nhánh mới trong bối cảnh hiện nay là nỗ lực rất lớn đối với doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội da giày TP.Hồ Chí Minh, hiện các doanh nghiệp da giày có vốn đầu tư trong nước đang phải đối mặt với 4 vấn đề lớn là: lãi suất ngân hàng cao, thiếu hụt nguồn lao động, thiếu nguyên liệu được cung cấp trong nước, giá cả đầu vào tăng nhanh hơn đầu ra. Đóng góp của các doanh nghiệp trong nước vào kim ngạch xuất khẩu của ngành chỉ ở mức 30% -35%, trong đó có tới 70% doanh nghiệp làm gia công là chính. Do vậy, tuy đạt mức tăng trưởng cao nhưng trên thực tế, phần lớn miếng bánh của ngành da giày đang thuộc về các doanh nghiệp FDI.

Để tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước, Hiệp hội da giày Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp nên vừa tập trung vào sản xuất hàng gia công xuất khẩu vừa phải khai thác tối đa thị trường nội địa, đồng thời đầu tư nhiều hơn cho khâu thiết kế. Bên cạnh đó, hiệp hội cũng khuyến khích các doanh nghiệp  mở thêm chi nhánh sản xuất tại các tỉnh nhằm giải quyết vấn đề thâm hụt lao động đang diễn ra trầm trọng hiện nay.


Lượt xem: 347

Thống kê truy cập

Đang truy cập:545

Tổng truy cập: 18562100