Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Xuất khẩu cao su Việt Nam tăng ngoạn mục

2017-10-10 10:18:00.0

Theo Tổng cục Hải quan tính tới hết tháng 8, khối lượng cao su xuất khẩu ước đạt 805,9 nghìn tấn với giá trị đạt 1,38 tỷ USD, lần lượt tăng 12,8% về khối lượng và tăng tới 54,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Đáng chú ý, giá xuất khẩu cao su bình quân 8 tháng đầu năm cũng ghi nhận sự gia tăng khá mạnh tới hơn 36,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 1.716 USD/tấn. Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, chiếm thị phần lần lượt 63,3%, 6% và 4,1%.

Nhu cầu tiêu thụ trên thị trường cao su thế giới những năm qua vẫn luôn tăng trưởng đi lên. Trước đây, khi ngành cao su ở thời kỳ hoàng kim, giá cao su tăng cao, thậm chí cao su còn được coi là mặt hàng đem lại lợi nhuận lớn khiến cho việc trồng cao su phát triển rầm rộ. Không chỉ ở Việt Nam, tình trạng này diễn ra tại nhiều quốc gia vốn là nguồn cung cao su chủ lực cho thị trường thế giới như Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Philippines… Hậu quả là, nguồn cung tăng đột biến, vượt cầu khá nhiều, dẫn tới việc kéo giá xuống. Doanh nghiệp, người dân trồng cao su đều lao đao.

Giai đoạn 2012-2016, ngành cao su liên tục rơi vào cảnh ảm đạm. Đáng chú ý, có những diện tích cao su bị phá bỏ hoàn toàn để thay thế bằng cây trồng khác. Kết quả là cung-cầu trên thị trường cao su dần cân đối, giá nhích lên với những tín hiệu khả quan.

Từ nay đến hết năm 2017 và ở tương lai xa hơn, dự báo thị trường cao su thế giới vẫn giữ gam màu tươi sáng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trong ngành cao su nhận định, không có chuyện giá cao su liên tục tăng lên mà sẽ có lúc tăng, lúc giảm. Sự khởi sắc của ngành cao su thiếu ổn định, có thể có những biến động trong ngắn hạn mà doanh nghiệp  cần chủ động, linh hoạt ứng phó.

Kiểm soát chặt nguồn cung

Với đà xuất khẩu  hiện tại, dự báo cả năm nay xuất khẩu cao su sẽ đạt trên 1,3 triệu tấn với giá trị trên 2,3 tỷ USD. Giá cao su trong tương lai sẽ khó xảy ra tình trạng ảm đạm trước đó.

Yếu tố mấu chốt quan trọng nhất chính là làm sao để kiểm soát nguồn cung hiệu quả. Đây cũng chính là vấn đề mà các nước trồng, xuất khẩu  cao su hàng đầu thế giới cùng nhau bàn tính.

Việt Nam đang nằm trong top 3 khi chiếm trên 10% thị phần, Thái Lan và Indonesia mỗi nước chiếm giữ 25 - 40% thị phần và Malaysia khoảng 10%, còn lại là các quốc gia khác. Hiện, hầu như toàn bộ các nguồn cung cao su lớn kể trên đều đã tuyên bố không hoặc hạn chế trồng mới thêm diện tích cao su nhằm tránh nguồn cung tăng hơn nhu cầu, đẩy cả thị trường chung vào khó khăn.

Không chỉ vậy, Thái Lan, Indonesia và Malaysia thành lập Hội đồng cao su quốc tế ba bên để theo dõi, kiểm soát thị trường tốt hơn. Việt Nam cũng được mời tham dự Hội đồng này. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, việc tham dự hội đồng này sẽ đem lại những hiệu quả tích cực cho ngành cao su trong nước. Đó là bởi các quốc gia trồng, xuất khẩu cao su lớn có thể cùng chia sẻ, trao đổi thông tin, nhìn nhận thực tế xem nhu cầu của thị trường ra sao, từ đó kiềm chế sản lượng cũng như linh hoạt đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp với những biến động thị trường. Tuy nhiên, hiện nay khúc mắc lớn khiến cho ngành cao su Việt Nam vẫn đứng ngoài Hội đồng này là kinh phí tham dự quá lớn.

Khi nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp cao su kiến nghị, tương tự nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu  khác như tiêu, điều, cà phê, ngành cao su mong muốn được áp dụng quy định trích lại một phần tiền từ lệ phí xuất khẩu  cao su để gây dựng nguồn tiền phục vụ việc tham gia Hội đồng cao su quốc tế ba bên và các hoạt động khác giúp phát triển ngành cao su bền vững.


Lượt xem: 336

Thống kê truy cập

Đang truy cập:715

Tổng truy cập: 18729957