Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Xuất khẩu cả năm vượt mục tiêu, đạt 133,5 tỷ USD

2013-12-04 10:40:00.0

Xuất khẩu tiếp tục trở thành điểm sáng trong bức tranh của ngành công thương thời gian qua. Dự kiến, năm 2013, xuất khẩu cả nước sẽ đạt 133,5 tỷ USD, tăng khoảng 16,5%, cao hơn so với mục tiêu đề ra từ đầu năm (126,1 tỷ USD).

Xuất khẩu tiếp tục trở thành điểm sáng trong bức tranh của ngành công thương thời gian qua. Dự kiến, năm 2013, xuất khẩu cả nước sẽ đạt 133,5 tỷ USD, tăng khoảng 16,5%, cao hơn so với mục tiêu đề ra từ đầu năm (126,1 tỷ USD).


Việt Nam vừa trúng thầu hợp đồng xuất khẩu 500.000 tấn gạo sang Philippines

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tăng cao

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 12,3 tỷ USD, tăng 17,9% so với tháng 11 năm 2012. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 121,023 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu của DN có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt hơn 74,56 tỷ USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là “động lực” chính cho xuất khẩu cả nước với kim ngạch ước đạt 85,5 tỷ USD, tăng 27,3% và chiếm tỷ trọng khoảng 70,6%, trong đó bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 11,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 41,6%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 78,4%...
Tuy nhiên, so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt 18,12 tỷ USD, giảm 5,8% và chiếm tỷ trọng 14,97% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu, khoáng sản cũng chỉ ước đạt 8,7 tỷ USD, giảm 18,7% và chiếm tỷ trọng gần 7,2%. Song trong nhóm nông, lâm, thủy sản có một số mặt hàng kim ngạch xuất khẩu tăng cao như thủy sản tăng 9,6%; rau quả tăng 24,2%; nhân điều tăng 10,9%; hạt tiêu tăng 16,1%... Điểm nổi bật trong bức tranh xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản trong 11 tháng qua là Việt Nam vừa vượt qua Campuchia và Thái Lan để trúng thầu xuất khẩu 500.000 tấn gạo 25% tấm sang thị trường Philippines, thời gian giao hàng kéo dài từ tháng 12/2013 - tháng 3/2014. Theo ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gói thầu xuất khẩu vào thị trường Philippines này rất được giá, thời gian giao hàng thuận lợi. Đây là đơn hàng rất quan trọng, đặc biệt trong hoàn cảnh xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Cùng với đơn hàng này, dự kiến, xuất khẩu gạo cả năm có thể đạt 6,7 triệu tấn.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa khác ước đạt 8,75 tỷ USD, tăng 22,9% và chiếm tỷ trọng 7,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước…

Xét về giá, so với cùng kỳ, giá bình quân của một số mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng như chè các loại tăng 6,22%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 10,11%; xơ, sợi dệt các loại tăng 1,63%... Xét về lượng, các mặt hàng có lượng xuất khẩu tăng gồm nhân điều tăng 17,81%; hạt tiêu tăng 17,97%; than đá tăng 17,23%; sắt thép các loại tăng 17,14%...
Về thị trường, xuất khẩu vào thị trường châu Á tăng 12,9%, chiếm tỷ trọng gần 51,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; châu Âu tăng 21,6% và chiếm tỷ trọng trên 20,4%; châu Mỹ tăng 28,2%, chiếm tỷ trọng 22,1%; châu Phi tăng 12,9%, chiếm tỷ trọng 1,6%; châu Đại Dương tăng 19,8%, chiếm tỷ trong gần 3%; thị trường chưa phân tổ chiếm tỷ trọng gần 1,8%.

Ngoài các thị trường truyền thống, thời gian qua, các địa phương đã và đang tích cực tìm kiếm các thị trường mới nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Theo ông Phạm Đức Tiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, vừa qua, Hà Nội đã tổ chức một đoàn xúc tiến thương mại sang thị trường Brazil. Kết quả cho thấy, các DN Brazil rất quan tâm đến các sản phẩm của Hà Nội, đặc biệt là dệt may. Sau chuyến xúc tiến thương mại đó, Brazil đã cử một đoàn DN sang Việt Nam khảo sát và đầu năm 2014, sẽ tiếp tục có một đoàn DN Brazil nữa sang khảo sát thị trường Việt Nam. “Brazil tuy là một thị trường ở xa nhưng rất rộng lớn và đầy tiềm năng cho các sản phẩm Việt. Chính vì vậy, đây sẽ là một trong những thị trường được chúng tôi chú trọng các giải pháp xúc tiến thương mại để tìm kiếm bạn hàng, đẩy mạnh xuất khẩu, gỡ khó cho các DN Hà Nội trong thời gian tới” - ông Tiến cho hay.

Nhập khẩu được kiểm soát tốt

Xét về kim ngạch nhập khẩu, tháng 11, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 12,25 tỷ USD, tăng 22,3% so với tháng 11 năm 2012. Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 121,12 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch nhập khẩu của các DN 100% vốn trong nước đạt 52,18 tỷ USD, tăng 6%, chiếm tỷ trọng 43,1%; kim ngạch nhập khẩu của nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 68,94 tỷ USD, tăng 26%, chiếm tỷ trọng 56,9% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Tăng trưởng nhập khẩu vẫn tập trung chủ yếu vào nhóm hàng cần nhập khẩu với khoảng 106,4 tỷ USD, tăng 16,5% và chiếm tỷ trọng 87,8%.

Như vậy, riêng trong tháng 11, Việt Nam đã xuất siêu 50 triệu USD, còn tính chung 11 tháng, ta đã nhập siêu 96 triệu USD, bằng 0,08% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó khu vực DN trong nước nhập siêu 12,3 tỷ USD.

Với tốc độ xuất nhập khẩu như vậy, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, dự kiến, năm 2013, xuất khẩu cả nước sẽ đạt 133,5 tỷ USD, tăng khoảng 16,5%, cao hơn so với con số dự kiến đề ra từ đầu năm (126,1 tỷ USD). Con số nhập siêu sẽ vào khoảng 300 triệu USD. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các vấn đề như xây dựng kế hoạch xuất khẩu cho năm 2014, đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, kho bãi… để phục vụ tốt nhất cho xuất khẩu thời gian tới.

“Mặc dù kim ngạch xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trong thời gian qua nhưng các DN, ngành hàng cần chú trọng công tác tìm kiếm thêm các thị trường mới để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh kết nối từ phía Bộ Công Thương với các sở công thương và các ngành hàng nhằm duy trì tốt nhất những kết quả đã đạt được”, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh./.


Lượt xem: 194

Thống kê truy cập

Đang truy cập:353

Tổng truy cập: 18436215