Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Xuất khẩu Bình Dương năm 2023: Dần phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng

2023-11-20 13:45:00.0

Xuất khẩu Bình Dương năm 2023: Dần phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng

Bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới trong năm 2023:

Năm 2023, tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế thế giới như: Xung đột Nga – Ukraine, Israel - Hamas ở dãi Gaza; nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt; áp lực nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp, rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản vẫn còn cao tại một số quốc gia; xuất hiện một số rủi ro, thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu; nguồn cung dầu thô tiếp tục bị thu hẹp, đẩy giá dầu tăng cao; thương mại toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng còn yếu…

Trong bối cảnh đó, tình hình sản xuất, xuất nhập nhập khẩu của tỉnh năm 2023 cũng chịu tác động trực tiếp từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất - tỷ giá. Theo đó, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thiếu đơn hàng, giá xăng dầu, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải còn ở mức cao, áp lực cạnh tranh và sự gia tăng các rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu…, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động trên địa bàn tỉnh, nhất là trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu luôn giảm so với cùng kỳ.

Xuất nhập khẩu của tỉnh Bình Dương

Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm 2023, ngành Công Thương đã phối hợp cùng các Bộ, ngành có liên quan việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ sản xuất trong nước, tăng cường xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại nội địa và nước ngoài, nhằm mở rộng thị trường, thu hút thêm các đơn hàng xuất khẩu. Do đó, Cán cân thương mại xuất nhập khẩu 6 tháng cuối năm đã được cải thiện, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu cả năm 2023 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ nhưng tình hình ký kết đơn hàng xuất khẩu đã có nhiều chuyển biến tích cực, khả quan. Ước cả năm 2023, cán cân thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa hàng hóa của Bình Dương ước xuất siêu 9,2 tỷ USD; Xuất khẩu ước đạt 32,9 tỷ USD (giảm 5% so với cùng kỳ), nhập khẩu ước đạt 23,7 tỷ USD (giảm 7,1% so với cùng kỳ).

Theo Báo cáo Thống kê 10 tháng năm 2023:

- Thị trường xuất khẩu chính: Mỹ là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất của tỉnh với tổng kim ngạch xuất khẩu; trong 10 tháng năm 2023 xuất khẩu sang thị trường Mỹ ước đạt 11.845,9 triệu USD, chiếm 46,8% kim ngạch xuất khẩu và giảm 12,6% so với cùng kỳ; thị trường EU ước đạt 3.314,1 triệu USD, tương ứng chiếm 13,1% và giảm 20,5%; Nhật Bản ước đạt 1.905,7 triệu USD, chiếm 7,5% và giảm 7,6%; Trung Quốc ước đạt 1.207,3 triệu USD, chiếm 4,8% và giảm 14%; Hàn Quốc ước đạt 982,4 triệu USD, chiếm 3,9% và giảm 9,8%; Thái Lan ước đạt 567,5 triệu USD, chiếm 2,2% và giảm 3,7%.

          - Các mặt hàng xuất khẩu chính: lũy kế 10 tháng 2023 Sản phẩm gỗ xuất khẩu ước đạt 4.444,1 triệu USD, giảm 18,1% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 17,6% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Hàng dệt may: đạt 2.377,8 triệu USD, giảm 14,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 9,4% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Hàng giày da: xuất khẩu ước đạt 1.296,1 triệu USD, giảm 32,1% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 5,1% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: xuất khẩu ước đạt 1.336,5 triệu USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 5,3% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh.

          - Triển khai các hoạt động hỗ trợ thực thi các FTAs: Tính đến nay Việt Nam đã ký kết 16 FTA đa phương, song phương khác nhau. Trong đó, có 4 FTA thế hệ mới là CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP được tỉnh ưu tiên tăng cường triển khai thực hiện. Trong tâm là các giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận thông tin về cung cầu thị trường hàng hóa của các nước ký kết FTA như: điều chỉnh chính sách thương mại, đầu tư, tiền tệ; Các rào cản, tiêu chuẩn kỹ thuật, thói quen tiêu dùng đối với hàng xuất khẩu; hướng dẫn mở C/O để được hưởng ưu đãi thuế quan; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương với các doanh nghiệp, tập đoàn phân phối lớn của nước ngoài. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó đối với các vụ kiện về phòng vệ thương mại (gần đây nhất tháng 11/2023, Hoa Kỳ tiến hành rà soát hành chính thuế chống trợ cấp lần 2 với lốp xe oto nhập khẩu: DN bị rà soát là Cty Kumho VN). Đến nay, thông qua công tác tuyên truyền, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp đã nắm rõ các vấn đề cốt lõi cũng như lộ trình thực hiện FTAs. Qua đó, đã chủ động xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chủ động nguyên liệu nội khối để được hưởng ưu đãi thuế quan; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc phối hợp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Sở Công Thương phối hợp cùng Cục Phòng vệ Thương mại Bộ Công Thương tổ chức Tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh về Phòng vệ Thương mại và Hướng dẫn thực hiện cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu

Một số kết quả đạt được trong năm 2023

  Bình Dương luôn luôn tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tham gia góp ý, hoàn thiện sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đảm bảo phù hợp với các cam kết của các Hiệp định; kịp thời triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành cho các đối tượng có liên quan được biết và tận dụng tốt các cơ hội do Hiệp định mang lại. Hiện nay, các Hiệp định tự do hoá thương mại, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa nước ta với các nước ký kết đã tạo nhiều thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và thúc đẩy thương mại xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành hàng năm đều tổ chức các hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để lắng nghe ý kiến của các tổ chức kinh tế, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ bằng các cơ chế, chính sách để hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phát huy hiệu quả.

Công tác xúc tiến thương mại, hội chợ triễn lãm trong nước và nước ngoài được Sở Công Thương phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị triển khai đồng bộ và hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Tính đến hết cả năm 2023, tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu đã bắt đầu dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng trở lại (Quý I giảm 18,7% ; quý II giảm14,7%; Quý III giảm 12,5%, cả năm giảm 5% so với cùng kỳ).

  Khó khăn, vướng mắc và thách thức

  - Tình hình chính trị, kinh tế thế giới năm 2023 vẫn tiềm ẩn nhiều rũi ro, thách thức, đặc biệt là nguy cơ suy thoái kinh tế do tình hình lạm phát, lãi suất và giá năng lượng, lương thực tăng cao. Nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu truyền thống Mỹ, EU phục hồi chậm, ảnh hưởng đến tình hình ký kết đơn hàng xuất khẩu mới năm 2023 của các doanh nghiệp trên đia bàn tỉnh.

- Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu và rộng như hiện nay, hàng hóa xuất khẩu phải đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tranh chấp thương mại quốc tế từ các thị trường xuất khẩu, chủng loại hàng hóa bị kiện ngày càng nhiều như: sắt thép, nông sản, dép giày. Trong khi đó, sự phối hợp kháng kiện giữa cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng chưa được đồng bộ, thiếu tính chuyên nghiệp.

- Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa bền vững. Tăng trưởng xuất khẩu nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP nhưng chưa vững chắc. Độ mở của nền kinh tế qua kênh xuất khẩu khá lớn nhưng quy mô xuất khẩu còn hạn chế. Bên cạnh đó, xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hình thức sản xuất chủ yếu vẫn là gia công, giá trị gia tăng thấp. Ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, dẫn đến còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Một số doanh nghiệp chưa có định hướng phù hợp nhằm thực hiện mục tiêu Net Zero, Carbon Neutral theo lộ trình.

          Một số giải pháp trọng tâm thực hiện trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 nhằm lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu

Căn cứ nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Kế hoạch số 5094/KH-UBND ngày 04/10/2023 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa và thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2030; trong năm 2024, ngành Công Thương sẽ tổ chức thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm phục hồi và tăng trưởng xuất khẩu bền vững, khai thác tối đa các cam kết trong các FTAs nhằm đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, từng bước đưa hàng hóa xuất khẩu của tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, sẽ thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:

- Thứ nhất, cũng cố và phát triển thị trường trong nước: Tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá trong nước thông qua Chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam; Chú trọng những chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến, sản phẩm nông sản; Xử lý nghiêm đối với các hành vi buôn lậu, hàng giả, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển trên thị trường nội địa.

- Thứ hai, thực hiện có hiệu quả các Chương trình XTTM nước ngoài nhằm mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… Thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa hướng đến xuất khẩu xuyên biên giới. Thực hiện các giải pháp xây dựng thương hiệu hàng Việt, từng bước đưa các sản phẩm xuất khẩu vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.

Thứ ba, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường: Tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường.

Thứ tư, Đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Thực hiện hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA; Phối hợp với Bộ Công Thương triển khai đánh giá Bộ chỉ số FTA Index, qua đó từng bước đổi mới hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thực thi hiệu quả các FTAs. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại từ nhằm bảo vệ, cũng cố thị trường xuất khẩu.

Thứ năm, Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu.

Hội Nghị giới thiệu về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa qua Ga liên vận Quốc tế Sóng Thần do Sở Công Thương tổ chức

Cuối cùng, ngành Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, thường xuyên tổ chức rà soát, nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Kịp thời tham mưu các cấp có thẩm quyền hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh.


Tuấn Hoàng – P.QLTM

Lượt xem: 4442

Thống kê truy cập

Đang truy cập:440

Tổng truy cập: 18627988