Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Việc chấp hành pháp luật về an toàn hóa chất trên địa bàn tỉnh Bình Dương

2017-07-11 10:59:00.0

Nhằm đảm bảo các hoạt động có liên quan tới sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm đi vào nề nếp, đúng quy định của Nhà nước về quản lý an toàn hóa chất trên địa bàn tỉnh. Phát hiện kịp thời những thiếu sót, sai phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, sử dụng và bảo quản hóa chất; góp phần nâng cao trách nhiệm trong quản lý và thực hiện tốt an toàn trong lĩnh vực hoạt động hóa chất.

Nhằm đảm bảo các hoạt động có liên quan tới sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm đi vào nề nếp, đúng quy định của Nhà nước về quản lý an toàn hóa chất trên địa bàn tỉnh. Phát hiện kịp thời những thiếu sót, sai phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, sử dụng và bảo quản hóa chất; góp phần nâng cao trách nhiệm trong quản lý và thực hiện tốt an toàn trong lĩnh vực hoạt động hóa chất.

Ngày 18/4/2017, Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương đã ban hành Quyết định số 56/QĐ-SCT về việc thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn hóa chất tại các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh Bình Dương  do Thanh tra Sở chủ trì và phối hợp với phòng Kỹ thuật an toàn - Môi trường kiểm tra các tổ chức cá nhân hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Qua công tác kiểm tra tại 20 đơn vị trong việc chấp hành các quy định có tính chất ảnh hưởng đến nguy cơ mất an toàn trong việc sản xuất, kinh doanh, bảo quản và sử dụng hóa chất như: Kế hoạch, Biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất; phân loại, ghi nhãn hóa chất; phiếu an toàn hóa chất (MSDS); điều kiện sản xuất kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp; phiếu kiểm soát mua bán hóa chất độc; điều kiện an toàn trong bảo quản, sử dụng hóa chất; trang thiết bị bảo hộ lao động; trang thiết bị ứng phó sự cố hóa chất…và kết hợp việc phổ biến, hướng dẫn cho các đơn vị những quy định có liên quan tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; qua đó góp phần ý thức, trách nhiệm trong quản lý và thực hiện tốt an toàn trong lĩnh vực hoạt động hóa chất tại đơn vị mình theo đúng quy định của pháp luật. Nhìn chung phần lớn các đơn vị được kiểm tra chấp hành tốt các quy định về quản lý hóa chất trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng và bảo quản, lưu giữ hóa chất như: thực hiện phân loại và ghi nhãn hóa chất; có phiếu an toàn hóa chất của các loại hóa chất khi sử dụng và lưu thông trên thị trường; lập và lưu giữ phiếu kiểm soát mua bán hóa chất độc khi có giao dịch, mua bán hóa chất;  xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận; bố trí người phụ trách quản lý hóa chất tại đơn vị có trình độ chuyên môn phù hợp với quy mô và loại hình sản xuất, kinh doanh hóa chất, nắm vững công nghệ, phương án và các biện pháp bảo đảm an toàn hóa chất; người lao động liên quan trực tiếp đến hoạt động hóa chất được huấn luyện, đào tạo về kỹ thuật an toàn hóa chất; kho bảo quản hóa chất thực hiện theo các tiêu chuẩn quy định tại TCVN 5507:2002, có trang thiết bị, phương tiện ứng cứu sự cố phù hợp với các đặc tính nguy hiểm của hóa chất.

Đoàn kiểm tra tại Công ty TNHH Sing Industrial Gas Việt Nam

Thực tế qua kiểm tra trong năm 2017 cho thấy đa số các doanh nghiệp hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh có ý thức chấp hành tốt và khắc phục những tồn tại, kiến nghị của năm 2016. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chấp hành pháp luật về hoạt động hóa chất chưa chú trọng, quan tâm công tác an toàn hóa chất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng và bảo quản do thiếu hiểu biết các quy định pháp luật về hóa chất; việc chưa thực hiện Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất do các đơn vị này có cách hiểu chưa đúng về Quyết định số 4648/QĐ-BCT ngày 09/12/2016 của Bộ Công Thương Phê duyệt Phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2017, cụ thể tại Quyết định này có nội dung bãi bỏ thủ tục hành chính là Xác nhận Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; thay đổi nhân sự trong công tác quản lý hóa chất tại đơn vị nên hoạt động quản lý không có tính liên tục dẫn đến hiệu quả quản lý chưa cao; một số đơn vị còn nhầm lẫn giữa các tiêu lệnh, bảng cảnh báo trong công tác Phòng cháy và chữa cháy với hình đồ cảnh báo về tình chất, đặc tính của hóa chất nguy hiểm; người lao động chưa có ý thức trong việc mang trang bị bảo hộ lao động do chưa có sự hiểu biết đầy đủ về tính chất nguy hiểm của hóa chất, nguy cơ tiềm ẩn gây tác hại lâu dài về sức khỏe; việc ghi nhãn phụ cho hóa chất nhập khẩu, một số đơn vị còn hạn chế trong vấn đề này là do các lô hàng hóa chất nhập khẩu số lượng lớn (khoảng vài trăm phuy hoặc thùng) có cùng chủng loại nên việc dán nhãn phụ cho từng bao bì chứa gây tốn kém. Do đó các đơn vị này có kiến nghị được chấp thuận việc làm một nhãn phụ chung cho mỗi lô hóa chất có cùng chủng loại. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương đã hướng dẫn, nhắc nhở, khắc phục những thiếu sót, hạn chế là chủ yếu. Cụ thể như:

- Có 05 đơn vị đã xây dựng Kế hoạch/Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhưng chưa được Bộ Công Thương phê duyệt và Sở Công Thương xác nhận theo quy định tại Thông tư số 20/2013/TT-BCT ngày 05/8/2013 của Bộ Công Thương;

- Chưa bố trí hình đồ cảnh báo phù hợp với tính chất nguy hiểm của hóa chất (02 doanh nghiệp);

- Chưa xây dựng nội quy, quy trình thao tác an toàn trong bảo quản và sử dụng hóa chất (01 doanh nghiệp);

- Trang bị bảo hộ lao động chưa phù hợp với mức độ nguy hiểm của môi trường lao động hoặc người lao động chưa có ý thức trong việc mang trang bị bảo hộ lao động khi làm việc (02 doanh nghiệp);

- Bố trí chưa đầy đủ trang thiết bị ứng phó sự cố hóa chất theo nội dung Kế hoạch/Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt/xác nhận (03 doanh nghiệp).

- Thực hiện chưa đầy đủ công tác quản lý sử dụng tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp theo quy định tại Điều 8 của Thông tư số 42/2013/TT-BCT ngày 31/12/2013 của Bộ Công Thương quy định quản lý, kiểm soát tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp (03 doanh nghiệp).

- Có 01 đơn vị nhập khẩu hóa chất chưa tiến hành phân loại và ghi nhãn hóa chất theo quy định, điển hình là chưa thực hiện ghi nhãn phụ hóa chất theo đúng quy định trước khi đưa vào sử dụng và lưu thông trên thị trường.

- Riêng 03 đơn vị đã được nhắc nhở nhưng vẫn cố tình vi phạm với các hành vi vi phạm như không có trang thiết bị, phương tiện ứng cứu sự cố tại khu vực sản xuất, kinh doanh và cất giữ hóa chất nguy hiểm; mua, bán hóa chất độc nhưng không có Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc theo quy định của pháp luật về hóa chất; không thực hiện đúng các yêu cầu đã đề ra tại Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được xác nhận. Qua đó, đã lập Biên bản vi phạm hành chính và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh hóa chất với tổng số tiền phạt là 16.000.000đ (mười sáu triệu đồng). Trên cơ sở đó, Sở Công Thương yêu cầu 03 đơn vị trên nhanh chóng khắc phục tồn tại nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về hoạt động hóa chất.

Đoàn kiểm tra tại kho bảo quản của Công ty TNHH Nanpao Resins Việt Nam

Qua công tác kiểm tra hàng năm, Sở Công Thương có một số đề xuất, kiến nghị như sau:

1. Doanh nghiệp hoạt động hóa chất tập trung chủ yếu trong các Khu Công nghiệp, do đó đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ban quản lý các Khu Công nghiệp và Ban Quản lý Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore trong quá trình quản lý theo chức năng, cần phối kết hợp công tác tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật về hóa chất cho các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp trong việc quản lý và thực hiện tốt an toàn trong lĩnh vực hoạt động hoá chất.

2. Kiến nghị Bộ Công Thương:

- Sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2017 ban hành theo Quyết định số 4846 /QĐ-BCT ngày 09/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Trong đó có các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý hóa chất, cụ thể:

+ Thủ tục Cấp giấy xác nhận khai báo hóa chất sản xuất quy định tại Thông tư số 40/2011/TT-BCT và Thông tư số 06/2015/TT-BCT;

+ Thủ tục Cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-BCT;

+ Thủ tục Xác nhận biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp quy định tại Thông tư số 20/2013/TT-BCT.

- Quy định cụ thể đối tượng kinh doanh hóa chất. Thuật ngữ “kinh doanh hóa chất” được giải thích tại Thông tư số 28/2010/TT-BCT, thuật ngữ này phù hợp với thuật ngữ kinh doanh tại Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động hóa chất nói chung, Thông tư số 28/2010/TT-BCT nói riêng chưa có quy định rõ đối với các cơ sở có hoạt động pha loãng nồng độ hóa chất, chiết rót sang chai đóng gói, chiết nạp khí công nghiệp, sản xuất các sản phẩm hóa chất như sơn, keo, mực in…

- Quy định cụ thể mô hình kinh doanh hóa chất theo hình thức mua bán trung gian, không lưu kho hóa chất;

- Quy định về tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn phù hợp đối với cán bộ phụ trách quản lý hóa chất đối với doanh nghiệp sử dụng hóa chất;

- Quy định cụ thể về khoảng cách an toàn từ cơ sở hoạt động hóa chất nguy hiểm đến khu dân cư và công trình công cộng khác do tại khoản 10 Điều 1 Nghị định 26/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ Sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ quy định là các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh, cất giữ, bảo quản và sử dụng hóa chất phải thiết lập khoảng cách an toàn trước ngày 30/12/2012. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại Bộ Công Thương chưa ban hành quy định nào về khoảng cách an toàn.  

Trên đây là kết quả kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2017 và một số đề xuất, kiến nghị của Sở Công Thương./.


Lượt xem: 644

Thống kê truy cập

Đang truy cập:424

Tổng truy cập: 18660050