Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Vi phạm trong hoạt động hóa chất có thể bị xử lý vi phạm hành chính lên tới 100 triệu đồng

2019-09-20 15:14:00.0

Đó là nội dung được quy định tại Nghị định số 71/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp được Chính phủ đã ban hành ngày 30/8/2019.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực hóa chất là 50 triệu đồng, các mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Đoàn Thanh tra Sở Công thương đang tiến hành thanh tra an toàn hóa chất tại doanh nghiệp               

Cụ thể, tại Nghị định số 71/2019/NĐ-CP cũng quy định nhiều hành vi vi phạm mới so với nội dung tại Nghị định 163/2013/NĐ-CP và Nghị định 115/2-16/NĐ-CP, một số hành vi vi phạm mới như:

- Không có rãnh thu gom và thoát nước cho sàn nhà xưởng, kho chứa hóa chất;

- Sử dụng bồn chứa ngoài trời không có đê bao hoặc không có các biện pháp kỹ thuật khác để ngăn chặn hóa chất thoát ra môi trường;

- Không bảo quản riêng bao bì hóa chất đã qua sử dụng mà còn tiếp tục được sử dụng để bảo quản hóa chất;

- Không thực hiện phân khu, sắp xếp theo tính chất của từng loại hóa chất nguy hiểm;

- Sử dụng người tham gia vận chuyển không có Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm;

- Không tổ chức hoặc không cử người tham gia các khóa huấn luyện an toàn hóa chất định kỳ đối với 03 nhóm đối tượng; 

- Không lưu giữ đầy đủ hồ sơ huấn luyện an toàn hóa chất theo quy định;

- Tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất không đủ thời gian tối thiểu theo quy định cho các đối tượng thuộc nhóm 1 hoặc nhóm 2 hoặc nhóm 3;

- Huấn luyện các nội dung về an toàn hóa chất không đúng quy định với từng nhóm đối tượng;

- Sử dụng người huấn luyện an toàn hóa chất không có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành hóa chất;

- Sử dụng người huấn luyện an toàn hóa chất không có đủ 05 năm kinh nghiệm làm việc về an toàn hóa chất;

- Không lưu trữ đầy đủ các nội dung thông tin về sử dụng hóa chất, gồm: Tên khoa học, tên thương mại của hóa chất; khối lượng sản xuất, nhập khẩu, sử dụng, thải bỏ; mục đích sử dụng, phân nhóm nguy hiểm theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất; thông tin liên quan đến sự cố hóa chất, an toàn hóa chất tại cơ sở;

 - Không có người chuyên trách về an toàn hóa chất tại cơ sở sử dụng hóa chất để sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác;

 - Tồn trữ các loại hóa chất nguy hiểm là nguyên liệu, hóa chất trung gian và hóa chất thành phẩm chưa kê khai hoặc lưu trữ với khối lượng tồn trữ lớn hơn khối lượng đã kê khai trong biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được ban hành;

- Vi phạm quy định về nội dung báo cáo và chế độ báo cáo.

Nghị định mới này cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/10/2019, thay thế Nghị định số 163/2013 ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp; Nghị định số 115/2016/NĐ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2013/NĐ-CP.

Chi tiết Nghị định 71/2019/NĐ-CP tại đây ./.                                                                       

 


Lượt xem: 766

Thống kê truy cập

Đang truy cập:1743

Tổng truy cập: 18704847