Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Trên 28.000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng chữ ký số

2013-12-20 17:27:00.0

Tổng cục Hải quan cho biết, sau gần 2 tháng (bắt đầu từ 1/11/2013) chính thức áp dụng chữ ký số (CKS) trong thủ tục hải quan điện tử theo quy định của Bộ Tài chính, đến nay đã có khoảng 28.259 doanh nghiệp (DN) hoạt động xuất nhập khẩu đăng ký sử dụng CKS.

Tổng cục Hải quan cho biết, sau gần 2 tháng (bắt đầu từ 1/11/2013) chính thức áp dụng chữ ký số (CKS) trong thủ tục hải quan điện tử theo quy định của Bộ Tài chính, đến nay đã có khoảng 28.259 doanh nghiệp (DN) hoạt động xuất nhập khẩu đăng ký sử dụng CKS.

Lợi ích thiết thực

CKS (digital signature) là một trong những hình thức chữ ký điện tử phổ dụng nhất. CKS bao gồm một cặp mã khoá, gồm khoá bí mật (Private-key) và khoá công khai (public-key). Trong đó, khoá bí mật được người gửi sử dụng để ký (hay mã hoá) một dữ liệu điện tử, còn khoá công khai được người nhận sử dụng để mở dữ liệu điện tử đó và xác thực danh tính người gửi. CKS được hiểu như con dấu điện tử của cá nhân, DN, tổ chức và có giá trị pháp lý tương đương như chữ ký tay trong các giao dịch phi điện tử.

Việc ứng dụng chữ ký số sẽ đem lại cho DN, tổ chức nhiều lợi ích như: tiết kiệm chi phí giấy tờ, thời gian luân chuyển trong hoạt động quản lý công văn, giấy tờ, thư điện tử.... Còn về phía hải quan, việc sử dụng CKS trong thủ tục hải quan điện tử đảm bảo tính xác thực của các đối tượng tham gia giao dịch trên internet, dữ liệu chính xác và bảo mật cao, tránh được tình trạng giả mạo thông tin tờ khai vì các CKS đã được chứng thực bởi tổ chức cung ứng dịch vụ chứng thực CKS công cộng. Đồng thời, là bằng chứng chống chối bỏ trách nhiệm trên nội dung đã ký, giúp DN yên tâm với giao dịch của mình.

Thực tế, thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho thấy, mỗi năm tại Việt Nam, các DN mất hơn 300 triệu USD cho chi phí công văn giấy tờ truyền thống. Do đó, việc áp dụng CKS sẽ giảm thiểu chi phí này, tạo sự thông thoáng trong giao dịch của các DN.

Doanh nghiệp hưởng ứng

Sau gần 2 tháng thực hiện chính thức CKS trong thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT), theo Tổng cục Hải quan, hiện nay CKS đã được sử dụng tại tất cả 34 cục hải quan địa phương. Ước tính, đã có khoảng 28.259 DN đăng ký sử dụng chữ ký số với cơ quan hải quan, trên tổng số 48.514 DN tham gia thực hiện TTHQĐT (chiếm khoảng 58%).

Trong đó, có một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố có số DN sử dụng chữ ký số trong thủ tục hải quan điện tử đạt tỷ lệ cao như Cục Hải quan Bình Dương (chiếm 94%), Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu (100%), Cục Hải quan Quảng Ngãi (95,24%), Cục Hải quan TP. Đà Nẵng (88,43%), Cục Hải quan Long An (78,98%)...

Ông Phạm Duy Nhất, Trưởng Trung tâm dữ liệu và công nghệ thông tin, Cục Hải quan Đà Nẵng cho biết, việc sử dụng CKS thời gian đầu cũng gặp một số sự cố phát sinh xảy ra đối với băng thông đường truyền, thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm khai báo phía DN, phần mềm tiếp nhận phía hải quan... Tuy nhiên, cộng đồng DN vẫn hưởng ứng và sẵn sàng đồng hành cùng hải quan trên con đường hiện đại hóa nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, hạn chế được tiêu cực, giảm được chi phí, thời gian, tiết kiệm nhân lực, tăng khả năng cạnh tranh của DN, tăng uy tín thương hiệu cho DN và nâng cao hiệu quả quản lý.

Ông Lê Thanh Quang, Phó phòng Kế hoạch kinh doanh phụ trách xuất nhập khẩu, Công ty cổ phần Vinatex Đà Nẵng cho biết, ưu điểm lớn nhất của việc áp dụng CKS đó là bảo mật. Toàn bộ thông tin, dữ liệu được nén, mã hóa và ký trước khi gửi đi. CKS cũng góp phần thông quan hàng hóa nhanh, đặc biệt trong trường hợp DN cần khai bổ sung hay có bất kỳ thay đổi nào trong bộ hồ sơ điện tử.

“Trước đây khi cần đăng ký, làm thủ tục xuất nhập khẩu, DN phải trực tiếp đến các chi cục hải quan, có khi mất cả ngày, vì số lượng người đến làm thủ tục đông nên phải chờ đến lượt. Giờ đây, chỉ cần ngồi tại DN đăng ký và làm các thủ tục, các thao tác hoàn toàn được thực hiện qua mạng Internet với quy trình thủ tục được thực hiện nhanh chóng”, ông Lê Thanh Quang chia sẻ. /.

Theo Trung tâm Chứng thực CKS quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), kể từ khi Luật Giao dịch điện tử ra đời năm 2005 đến tháng 8/2013, Việt Nam mới cấp phép sử dụng cho 300.000 CKS. Hiện CKS được ứng dụng trong hoạt động kê khai thuế qua mạng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Do đó, việc áp dụng CKS trong thủ tục hải quan điện tử đã tạo thêm cú hích cho thị trường CKS ở nước ta phát triển mạnh mẽ.


Lượt xem: 163

Thống kê truy cập

Đang truy cập:1587

Tổng truy cập: 18466134