Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Trao đổi thương mại Việt Nam - châu Phi quý I/2013

2013-05-13 16:07:00.0

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực thị trường châu Phi đạt 554,63 triệu USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2012 trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 200,77 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực thị trường châu Phi đạt 554,63 triệu USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2012 trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 200,77 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ.
Những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất là Nam Phi, Ai Cập, An-giê-ri, Angola, Ghana, Nigeria, Cameroon, Ma-rốc, Mozambique, Bờ Biển Ngà và những thị trường nhập khẩu chính gồm Tanzania, Nam Phi, Cameroon, Bờ Biển Ngà, Zambia.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn là gạo, cà phê, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc thiết bị, sản phẩm dệt may và giày dép. Những mặt hàng nhập khẩu chính gồm bông, gỗ, điều, sắt thép phế liệu, kim loại, nguyên liệu thức ăn gia súc, v.v…

Trong quý 1 năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi nhìn chung gặp khó khăn so với cùng kỳ năm 2012, đặc biệt là đối với mặt hàng gạo do sự cạnh tranh gay gắt của gạo giá rẻ Ấn Độ tại các thị trường Bờ Biển Ngà, Senegal, Ghana và do việc đẩy mạnh chương trình tự túc lương thực trong đó có phát triển lúa nước của nhiều quốc gia châu Phi. Xuất khẩu mặt hàng thủy sản, nhất là sang Ai Cập cũng giảm do tình hình chính trị, kinh tế nước này xấu đi. Chính phủ Ai Cập mới đây đã đưa ra một dự thảo về tăng thuế nhập khẩu đối với khoảng 100 mặt hàng trong đó có thủy hải sản đông lạnh cao cấp nhằm giảm áp lực về ngoại tệ và tạo điều kiện phát triển ngành sản xuất nội địa.

Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã gửi thư đến Bộ Thương mại các nước châu Phi có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn như Cộng hòa Ghi-nê, Bờ Biển Ngà, Cameroon, v.v… để đề xuất ký Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo. Tháng 3/2013, Bộ trưởng Bộ Thương mại Ghi-nê đã sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Nhân dịp này, hai bên đã ký Bản ghi nhớ theo đó Việt Nam cung cấp cho Ghi-nê gần 1 triệu tấn gạo, giai đoạn 2013 - 2015.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Thương mại Ghi-nê ký MOU về thương mại gạo, ngày 29/3/2013 tại Hà Nội

Những thị trường xuất khẩu chính

Nam Phi tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 143,79 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó điện thoại và linh kiện đạt 79,59 triệu USD, giày dép các loại 16,25 triệu USD, sản phẩm hóa chất 6,8 triệu USD, máy vi tính, sản phẩm và linh kiện 5,1 triệu USD, gạo 4,8 triệu USD, hàng dệt may 4,3 triệu USD, hạt tiêu 4 triệu USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 2,8 triệu USD, cà phê 1,8 triệu USD, v.v…

Kim ngạch xuất khẩu sang Ai Cập đạt 57,99 triệu USD, giảm 43%, trong đó hàng thủy sản đạt 14,84 triệu USD, hạt tiêu 11,85 triệu USD, xơ, sợi dệt các loại 7,92 triệu USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3,86 triệu USD, phương tiện vận tải và phụ tùng 3 triệu USD, cà phê 2,4 triệu USD, hàng dệt may 1,9 triệu USD, v.v... Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm song Ai Cập vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Phi và lớn nhất tại khu vực Bắc Phi.

Quý 1 năm nay, An-giê-ri đã thay thế Bờ Biển Ngà trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Phi. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 51,46 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ 2012, trong đó cà phê chiếm 15,77 triệu USD, gạo 13,19 triệu USD, điện thoại di động và linh kiện 7,9 triệu USD, hạt tiêu 4,6 triệu USD, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 4,5 triệu USD, hàng hải sản 2,5 triệu USD, v.v…

Kim ngạch xuất khẩu sang Angola tăng mạnh, đạt 39,32 triệu USD, tăng 134%, trong đó gạo chiếm 27,25 triệu USD, hàng dệt may 2,5 triệu USD, phân NPK 2,2 triệu USD, clanhke 1,2 triệu USD.

Xuất khẩu sang thị trường Ghana đạt 27,34 triệu USD, giảm 1%, trong đó gạo chiếm 17,2 triệu USD, sắt thép các loại 2,6 triệu USD, kem đánh răng 2,3 triệu USD, v.v...

Xuất khẩu sang Nigeria có sự phục hồi, đạt 27 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 16,96 triệu USD, phương tiện vận tải và phụ tùng 2 triệu USD, tân dược 1,6 triệu USD, hàng dệt may 1,3 triệu USD, hàng hải sản 1,2 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu sang Cameroon đạt 25 triệu USD, tăng 98%, trong đó gạo chiếm 15,9 triệu USD, dây cáp điện 2,4 triệu USD, sản phẩm sắt thép 2,4 triệu USD, hàng hải sản 1,5 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu sang Ma-rốc đạt 24,9 triệu USD, tăng 19% trong đó điện thoại di động và linh kiện đạt 15,7 triệu USD, cà phê 3,2 triệu USD, hàng hải sản 1,1 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu sang Mozambique đạt 23,2 triệu USD, tăng 51% trong đó gạo chiếm 9,3 triệu USD, clanhke 5,3 triệu USD, xi măng 3,5 triệu USD, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 2 triệu USD, dây cáp điện 1,2 triệu USD, phân NPK 1 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà giảm 28%, chỉ đạt 17,12 triệu USD, so với ba tháng đầu năm 2012, trong đó gạo chiếm 12,66 triệu USD, sắt thép các loại 1,3 triệu USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 1,1 triệu USD, hàng hải sản 0,9 triệu USD.

Những thị trường nhập khẩu chính

Thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam trong 3 tháng đầu năm là Tanzania, với kim ngạch nhập khẩu đạt 25 triệu USD, tăng ba lần so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, mặt hàng hạt điều chiếm 8,3 triệu USD, thức ăn gia súc và nguyên liệu 7,7 triệu USD, bông các loại 5,3 triệu USD, quặng và khoáng sản 3,3 triệu USD.

Đứng thứ hai là Nam Phi, đạt kim ngạch 23,69 triệu USD, tăng 7% với các mặt hàng nhập khẩu chính gồm kim loại thường 5,7 triệu USD, sắt thép phế liệu 3,5 triệu USD, sản phẩm hóa chất 2,9 triệu USD, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng 2,4 triệu USD, hàng rau quả 2,2 triệu USD, nguyên phụ liệu dệt may, da giày 1,9 triệu USD, v.v…

Xếp vị trí thứ ba là Cameroon, với kim ngạch nhập khẩu đạt 20,6 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 19,4 triệu USD, bông các loại 0,9 triệu USD.

Đứng thứ tư là thị trường Zambia với kim ngạch nhập khẩu đạt 18,63 triệu USD, tăng 52% trong đó đồng chiếm 17 triệu USD, bông các loại 1,6 triệu USD.

Bờ Biển Ngà đứng vị trí thứ năm với kim ngạch nhập khẩu đạt 17 triệu USD, tăng 130% trong đó hạt điều chiếm 9,5 triệu USD, bông các loại 5,8 triệu USD.


Lượt xem: 406

Thống kê truy cập

Đang truy cập:568

Tổng truy cập: 18466134