Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

TPP với Thương mại hàng hóa: Đảm bảo lợi ích lớn nhất

2014-07-21 20:41:00.0

TPP dự kiến sẽ ký kết vào cuối năm nay, theo đó các cam kết thương mại hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ví ở mức WTO+ và đi xa hơn các Hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Tham gia đàm phán TPP, Việt Nam hướng tới lợi ích tối đa cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

TPP dự kiến sẽ ký kết vào cuối năm nay, theo đó các cam kết thương mại hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ví ở mức WTO+ và đi xa hơn các Hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Tham gia đàm phán TPP, Việt Nam hướng tới lợi ích tối đa cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Mở cửa sâu hơn

Theo cam kết về thương mại hàng hóa trong TPP, các nước thành viên sẽ phải xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu trong đó khoảng 90% là xóa bỏ ngay lập tức khi hiệp định có hiệu lực. So sánh với TPP, các FTA mà Việt Nam đã tham gia không có tỷ lệ xóa bỏ thuế quan cao đến mức 100%, nghĩa là vẫn còn một số mặt hàng loại trừ không bao giờ xóa bỏ. Đặc biệt, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan ngay lập tức trong các FTA mà Việt Nam đã ký có tỷ lệ rất thấp khoảng 57-60% và thông thường, Việt Nam giảm thuế theo lộ trình rất dài đôi khi đến hơn 20 năm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, trong một buổi đối thoại với các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) gần đây cho biết, các nước tham gia TPP đều thống nhất gỡ bỏ hoàn toàn thuế xuất khẩu để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng.

Về thuế nhập khẩu với hàng đã qua sử dụng, TPP yêu cầu xóa bỏ thuế với tất cả các sản phẩm đã qua sử dụng, bao gồm cả ô tô cũ, mặt hàng rất nhạy cảm với Việt Nam. Bên cạnh đó, các nước cũng đề xuất mở cửa cho hàng tân trang và đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về cấp phép xuất khẩu, cấp phép nhập khẩu, doanh nghiệp đặc quyền, độc quyền trong xuất nhập khẩu.

Đảm bảo lợi ích cao nhất

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, trong đàm phán TPP, Việt Nam khẳng định thuế nhập khẩu bình quân của Việt Nam hiện nay là 13% và để mức thuế về 0% cần có lộ trình thời gian. Thuế nhập khẩu bình quân của Hoa Kỳ là trên 4%, Nhật là trên 3% và Australia là hơn 2%. Rõ ràng thời gian đi từ 1-4% ngắn hơn 13%. Do đó, Việt Nam sẽ đồng ý xóa bỏ thuế 100% nhưng nhất định phải có lộ trình với một số mặt hàng nhạy cảm.

Đối với thuế nhập khẩu hàng đã qua sử dụng, Việt Nam khẳng định với các quốc gia đàm phán TPP, nếu Việt Nam xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu với ô tô cũ thì sẽ không có cách nào ngăn cản ô tô cũ nhâp khẩu vào thị trường nội địa. Điều này dẫn tới những thách thức và khó khăn không nhỏ với Việt Nam, bởi vì bên cạnh câu chuyện kiểm soát chất lượng thì còn câu chuyện về sự cân đối giữa số lượng phương tiện và cơ sở hạ tầng.

Liên quan tới hàng tân trang, một số mặt hàng như thiết bị y tế, máy tính hay thậm chí điện thoại thì Việt Nam có thể chấp nhận cho mở cửa nhờ lợi ích cộng đồng cao. Trong khi đó, với sản phẩm máy điều hòa, tủ lạnh, máy hút bụi, sản phẩm gia dụng khác… nếu không được kiểm soát tốt, sẽ rất phức tạp do chỉ cần tân trang lại các sản phẩm này rất dễ dàng tràn vào Việt Nam và ảnh hưởng tới tình hình sản xuất, tiêu thụ trong nước.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: “Việc xóa bỏ thuế quan nhập khẩu có thể sẽ không có lộ trình dài cho tất cả các mặt hàng nhưng với đa số các mặt hàng nhạy cảm, lộ trình chắc chắn ở mức chấp nhận được. Do đó, các doanh nghiệp sẽ có tối thiểu từ 3-5 năm để chuẩn bị và đối phó với sức ép cạnh tranh có thể có sau khi đàm phán TPP có hiệu lực”./.

“Đoàn đàm phán Việt Nam đang và sẽ tích cực tham vấn với các Bộ, ban, ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp,… để tìm kiếm những lợi ích cốt lõi cho nền kinh tế Việt Nam. Tham gia đàm phán TPP, Việt Nam kỳ vọng sẽ tạo dòng chảy thương mại thuận lợi cho các doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chia sẻ.


Lượt xem: 158

Thống kê truy cập

Đang truy cập:1105

Tổng truy cập: 18466134