Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

TỔNG QUÁT CHUNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG HÓA CHẤT

2024-02-29 08:16:00.0

TỔNG QUÁT CHUNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG HÓA CHẤT

Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh của cả nước, với tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm đến 66,17% trong cơ cấu kinh tế. Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp, nhu cầu sử dụng hóa chất phục vụ các hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng nhanh cả về số lượng, chủng loại. Có thể thấy, hầu hết các hoạt động sản xuất công nghiệp đều có sử dụng hóa chất doanh nghiệp sản xuất, gia công sử dụng lượng lớn hóa chất để làm nguyên vật liệu. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 1.098 doanh nghiệp hoạt động hóa chất (gồm có: 24 doanh nghiệp sản xuất hóa chất, 45 doanh nghiệp kinh doanh hóa chất và 1.029 doanh nghiệp sử dụng hóa chất).

Như vậy có thể thấy hóa chất có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp. Tuy nhiên, hóa chất cùng với những đặc tính của nó thường là độc hại cho sức khỏe và tác động xấu đến môi trường. Trong quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển và sử dụng hóa chất nếu không thực hiện nghiêm các quy trình an toàn sẽ dễ xảy ra các sự cố hóa chất. Chính vì vậy, vai trò quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất cần được phát huy để phòng, chống nguy cơ xảy ra cháy, nổ và rò rỉ gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân và doanh nghiệp. Tại Chương 9, Luật Hóa chất đã được Quốc hội thông qua năm 2007 quy định rõ “Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất, các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất theo sự phân công của Chính phủ. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất trong phạm vi địa phương mình theo phân cấp của Chính phủ”.

Theo đó, nội dung quản lý nhà nước của Bộ Công Thương về hoạt động hóa chất là thực hiện những nội dung gì?

Thứ Nhất. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp hóa chất; quy chuẩn kỹ thuật về an toàn hóa chất.

Thứ Hai. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ ban hành Danh mục hóa chất quốc gia; Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện; Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh; Danh mục hóa chất cấm; Danh mục hóa chất phải khai báo; Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất;

Thứ Ba. Quản lý hóa chất sử dụng trong công nghiệp, hóa chất là tiền chất sử dụng trong công nghiệp và hóa chất thuộc Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học; quản lý hóa chất sử dụng trong các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng; ban hành Danh mục các hóa chất không được sử dụng trong các sản phẩm gia dụng, sản phẩm tiêu dùng, trừ các sản phẩm do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý;

 

Thứ Tư. Xây dựng Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia;

Thứ Năm. Thống nhất quản lý hoạt động phân loại, ghi nhãn hóa chất nguy hiểm; đăng ký, khai báo hóa chất; thông tin an toàn hóa chất;

Thứ Sáu. Tổng hợp, thống kê tình hình thực hiện an toàn hóa chất trong phạm vi cả nước;

Thứ Bảy. Hướng dẫn xây dựng, tổ chức việc thẩm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố hóa chất;

Thứ Tám. Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động hóa chất và an toàn hóa chất;

Thứ Chín. Quy định cụ thể về điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật, chuyên môn nghề nghiệp của các cơ sở hoạt động hóa chất thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương;

Thứ Mười. Tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hóa chất;

Thứ Mười Một. Thanh tra về hoạt động hóa chất; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động hóa chất;

Thứ Mười Hai. Các nhiệm vụ khác liên quan đến hoạt động hóa chất được Chính phủ phân công.

Tại địa phương, Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động hóa chất tại địa phương theo phân cấp của Chính phủ theo quy định của Luật Hóa chất và các quy định khác của pháp luật có liên quan./.


Kim Bình – Thanh tra Sở

Lượt xem: 2272

Thống kê truy cập

Đang truy cập:561

Tổng truy cập: 18396225