Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Tổng hợp trả lời kiên nghị của các hiệp hội ngành hàng 6 tháng đầu năm 2017

2017-07-07 14:10:00.0

Thực hiện Kế hoạch 524/KH-SCT ngày 18/4/2017 của Sở Công Thương Bình Dương về làm việc với các hiệp hội ngành hàng năm 2017.

Thực hiện Kế hoạch 524/KH-SCT ngày 18/4/2017 của Sở Công Thương Bình Dương về làm việc với các hiệp hội ngành hàng năm 2017.

Từ ngày 09/5/2017 đến ngày 16/5/2017, đoàn công tác Sở Công Thương Bình Dương gồm ông Nguyễn Văn Dành – Giám đốc Sở, bà Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Sở, các trưởng, phó phòng Kế hoạch Tài Chính – Tổng Hợp, Quản lý Công nghiệp, Quản lý Hợp tác và Đầu tư Quốc tế cùng Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại đã tiến hành làm việc với các hiệp hội: Hiệp hội Chế biến gỗ, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Gốm sứ, Hiệp hội Cơ Điện, Hiệp hội Da giày và Hiệp hội Sơn mài & Điêu khắc.

Qua các buổi làm việc, các hiệp hội có một số kiến nghị liên quan đến các Sở ngành liên quan. Sau khi, gửi các Sở ngành liên quan trả lời, Sở Công Thương Bình Dương đã tổng hợp trả lời tất cả các kiến nghị gửi các hiệp hội ngành hàng và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Nội dung tổng hợp cụ thể như sau:

I. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

1. Kiến nghị của Hiệp hội Gốm sứ: Hiện tại có một số doanh nghiệp do trước đây khi thành lập doanh nghiệp, căn cứ theo luật Đầu tư chỉ xin được giấy phép hoạt động trong 20 năm, đến nay có một số doanh nghiệp gần hết hạn muốn tiếp tục sản xuất, xin gia hạn hoặc xin điều chỉnh giấy phép lên 50 năm thì làm như thế nào. Cụ thể: Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Việt, địa chỉ: Khu phố Bình Giao Quốc lộ 13, Phường Thuận Giao, Thị xã Thuận An, Tỉnh Bình Dương xin gia hạn giấy phép lên 50 năm thì Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời là không được sản xuất nữa mà chỉ được làm dịch vụ và kho bãi, vì vậy doanh nghiệp không thế tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh được nữa.

Hiệp hội Gốm sứ kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản hướng dẫn cụ thể và thông báo cho các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ biết trường hợp nào cho phép được tiếp tục gia hạn để sản xuất tại vị trí cũ, trường hợp nào không được tiếp tục sản xuất.

Trả lời:

- Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, trong nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không quy định thời gian hoạt động của doanh nghiệp. Đối với dự án đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở thời gian sử dụng đất ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho doanh nghiệp. Trong trường hợp hết thời gian sử dụng đất, để tiếp tục hoạt động thực hiện dự án đầu tư tại địa điểm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, doanh nghiệp phải xin gia hạn thời gian sử dụng đất.

- Về việc xin gia hạn thời gian thuê đất thực hiện dự án đề nghị doanh nghiệp liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn thủ tục gia hạn thời gian thuê đất.

- Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình số 34-CTr/TU của Tỉnh ủy về đổi mới thu hút đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, một trong nhiệm vụ trọng tâm của các sở ngành là tiếp tục vận động chuyển đổi công năng khu vực sản xuất công nghiệp phía Nam của tỉnh theo hướng chuyển sang phát triển thương mại, dịch vụ, đô thị, công nghiệp công nghệ cao, do đó các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ đề nghị cho phép được tiếp tục gia hạn để sản xuất tại vị trí thuộc địa bàn phía Nam của tỉnh (Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một) là không phù hợp.

- Tuy nhiên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ có nhu cầu gia hạn thời gian hoạt động sản xuất tại vị trí cũ nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các ngành liên quan rà soát, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét có ý kiến trả lời cụ thể từng trường hợp cụ thể.

Đoàn công tác Sở Công Thương Bình Dương làm việc với HH Gốm sứ

2. Kiến nghị của Hiệp hội Cơ điện: Theo Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 04/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước; Do đó, Hiệp hội đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư khi thẩm định các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh nên khuyến cáo đơn vị tư vấn thực hiện đúng những nội dung mà Chỉ thị số 13/CT-TTg đã nêu.

Trả lời:

Về việc thẩm định các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh nên khuyến cáo đơn vị tư vấn thực hiện đúng những nội dung mà Chỉ thị số 13/CT-TTg: Ngay khi Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 04/04/2017 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, UBND tỉnh đã có văn bản số 1386/UBND-KTTH ngày 14/4/2017 về việc giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, triển khai đến các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 04/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp nhận phản ánh khó khăn vướng mắc của các đơn vị trong quá trình thực hiện để hướng dẫn hoặc tham mưu UBND tỉnh xem xét có ý kiến chỉ đạo đối với các nội dung vượt thẩm quyền.

Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh, khi thực hiện thẩm định dự án có nội dung mua sắm vật tư, hàng hóa. Sở Kế hoạch và Đầu tư đều lưu ý chủ đầu tư và đơn vị tư vấn phải tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu.

Bên cạnh đó, ngày 19/4/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản số 468/SKHĐT-TH tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về việc đẩy nhanh tiến độ kế hoạch đầu tư công năm 2017 và triển khai một số nội dung trong công tác đầu tư công. Tại khoản 9 Chỉ thị, UBND tỉnh chỉ đạo “Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 04/4/2017”.

II. Sở Giao thông Vận tải:

Kiến nghị của Hiệp hội Gốm sứ:

Hiện nay hạ tầng giao thông ở một số khu vực trong tỉnh đang bị xuống cấp, cụ thể:

+ Khu vực ngã tư Miễu Ông Cù về cầu Khánh Vân.

+ Khu vực từ  ngã tư Bình Chuẩn đi về khu công nghiệp Nam Tân Uyên.

+ Khu vực đoạn đường Thuận Giao 17, Ấp Hòa Lân, Thuận Giao, Thuận An.

Điều này đã gây ảnh hưởng xấu trong việc đi lại của người dân cũng như việc vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp, đặc biệt là việc vận chuyển hàng gốm sứ bằng container, hàng hóa ra cảng thường bị trễ do tắt đường, một số doanh nghiệp đã phải bồi thường cho khách hàng vì hàng hóa bị bể vỡ.

Do đó, Hiệp hội Gốm sứ kiến nghị Sở Giao thông và Vận tải chỉ đạo các đơn vị thi công đường bộ có phương án sửa chữa, khắc phục sớm tình trạng hư hỏng trên các đoạn đường này để giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc vận chuyển hàng hóa.

Trả lời:

1. Về kiến nghị sớm sửa chữa, khắc phục hư hỏng đường giao thông từ khu vực ngã tư Miễu Ông Cù đến cầu Khánh Vân đang bị xuống cấp: Tuyến đường nằm trong dự án nâng cấp, mở rộng ĐT.747B được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, giao cho Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp TNHH MTV Becamex IDC đầu tư theo hình thức nhà nước giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư thực hiện xây lắp. Qua báo cáo của chủ đầu tư dự án tuyến ĐT.747B hiện còn vướng 1,2km chưa triển khai thi công, do 44 hộ (31 hộ ở phường Bình Chuẩn, 12 hộ ở phường Khánh Bình, 01 hộ phường Uyên Hưng) chưa bàn giao mặt bằng, nên công tác thi công không đồng bộ, dẫn đến mặt đường bị hư hỏng và thu hẹp, lưu thông gặp khó khăn. Sở Giao thông vận tải xin ghi nhận ý kiến của đơn vị, sẽ tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị hữu quan sớm bàn giao mặt bằng để triển khai thi công.

2. Về kiến nghị sớm sửa chữa, khắc phục hư hỏng đường giao thông từ khu vực ngã tư Bình Chuẩn đến Khu công nghiệp Nam Tân Uyên bị xuống cấp: Đoạn tuyến từ ngã tư Bình Chuẩn đến Khu công nghiệp Nam Tân Uyên gồm dự án đường Bình Chuẩn - Tân Phước Khánh và đường ĐT.746:

Dự án nâng cấp, mở rộng đường từ ngã tư Bình Chuẩn đến ngã ba giao với tuyến đường Đài Liệt sĩ Tân Phước Khánh được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3042/QĐ-UBND ngày 14/10/2011; tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách tỉnh chưa cân đối được; mặt khác, quy mô dự án cần phải xem xét kỹ hơn nữa trong đấu nối chung với các tuyến đường khu vực để đảm bảo tính đồng bộ. Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cho tạm ngưng triển khai thi công các gói thầu của dự án đường Bình Chuẩn – Tân Phước Khánh tại Công văn 4176/UBND-KTTH ngày 04/11/2016. Sở Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện dự án vào thời gian thích hợp. Trước mắt, Sở Giao thông vận tải sẽ làm việc với Ủy ban nhân dân thị xã Thuận An, Ủy ban nhân dân thị xã Tân Uyên khảo sát, sửa chữa các hư hỏng trên để đảm bảo giao thông được an toàn và thông suốt.

Dự án nâng cấp, mở rộng ĐT.746 được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, giao cho Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp TNHH MTV Becamex IDC đầu tư theo hình thức nhà nước giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư thực hiện xây lắp. Qua báo cáo của chủ đầu tư dự án tuyến ĐT.746 hiện còn vướng 0,7km chưa triển khai thi công, do 12 hộ (05 hộ ở phường Tân Vĩnh Hiệp, 06 hộ ở phường Tân Hiệp, 01 hộ ở phường Uyên Hưng) chưa bàn giao mặt bằng, nên công tác thi công không đồng bộ, dẫn đến mặt đường bị hư hỏng và thu hẹp, lưu thông gặp khó khăn. Sở Giao thông vận tải xin ghi nhận ý kiến của đơn vị, sẽ tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị hữu quan sớm bàn giao mặt mặt bằng để triển khai thi công.

3. Về kiến nghị sớm sửa chữa, khắc phục hư hỏng đường giao thông đoạn đường Thuận Giao 17, ấp Hòa Lân, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An bị xuống cấp: Tuyến đường Thuận Giao 17 thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân thị xã Thuận An. Sở Giao thông vận tải sẽ làm việc với Ủy ban nhân dân thị xã Thuận An chỉ đạo các phòng, ban chức năng khảo sát, sửa chữa các hư hỏng trên để đảm bảo giao thông được an toàn và thông suốt.

III. Sở lao động – Thương binh và Xã hội:

Kiến nghị của Hiệp hội Chế biến Gỗ:

 Hiện nay, tay nghề của hầu hết lực lượng lao động trong ngành gỗ vẫn tự học là chủ yếu, chưa có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao được tay nghề, kỹ năng và năng lực của người lao động.

Do đó, Hiệp hội Chế biến gỗ kiến nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có chủ trương thành lập một trường đào tạo nghề chuyên ngành chế biến gỗ hoặc một khoa chuyên ngành chế biến gỗ tại một trường đào tạo nghề trong tỉnh, để tạo nguồn lao động chuyên ngành chế biến gỗ và giúp các doanh nghiệp gỗ khi cần đưa người lao động đi đào tạo tại các trường này.

Trả lời:

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 07 trường cao đẳng/cao đẳng nghề, 15 trường trung cấp/trung cấp nghề, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 35 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh và đào tạo gần 40.000 học sinh – sinh viên với nhiều ngành nghề ở các cấp trình độ từ sơ cấp đến cao đẳng, có trên 30.000 lượt tốt nghiệp ra trường đáp ứng cho nhu cầu lao động sản xuất của các doanh nghiệp trong tỉnh và khu vực.

Đặc biệt riêng ngành nghề liên quan đến lĩnh vực chế biến gỗ thì ở Bình Dương có 02 trường, đó là Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm nam bộ (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Trường trung cấp Mỹ thuật Văn hóa Bình Dương hiện đang đào tạo các nghề gồm: gia công và thiết kế sản phẩm mộc, kỹ thuật điêu khắc gỗ, công nghệ sản xuất ván nhân tạo, sản xuất đồ mộc từ ván nhân tạo, ván ghép thanh, thiết kế đồ gỗ.

Đoàn công tác Sở Công Thương Bình Dương làm việc với HH Chế biến gỗ

IV. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Kiến nghị của Hiệp hội Sơn mài và Điêu khắc:

 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai và bố trí kinh phí thực hiện Đề án bảo tồn làng nghề sơn mài cần đảm bảo các mục tiêu của đề án:

+ Xây dựng Cổng làng nghề;

+ Quy hoạch và xây dựng khu sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp sơn mài để đảm bảo về vấn đề môi trường;

+ Xây dựng nơi trưng bày sản phẩm chung cho làng nghề;

+ Xây dựng các tour du lịch kết hợp tham quan, giới thiệu sản phẩm của làng nghề sơn mài tỉnh Bình Dương.

Trả lời:

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã cho chủ trương xây dựng dự án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài truyền thống” tại Công văn số 2799/UBND-KTN ngày 28/9/2012, trong đó giao cho Chi cục Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư (đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT) và đã phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí xây dựng dự án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài truyền thống” tại Quyết định số 2497/QĐ-UBND ngày 29/9/2015. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo cho Chi cục Phát triển nông thôn xây dựng hoàn chỉnh nội dung của dự án và được các Sở: Văn hóa Thể thao Du lịch, Khoa học Công nghệ, Tài nguyên Môi trường, Tài chính, Công thương và Phòng Kinh tế thành phố Thủ Dầu Một về góp ý dự án. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt dự án: “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài truyền thống”. Nội dung của dự án gồm:

Hỗ trợ xây dựng các công trình phục vụ sản xuất cho 9 cơ sở trong làng nghề.

- Hỗ trợ thiết bị và cơ sở vật chất cho 5 cơ sở sản xuất hoàn thiện việc tổ chức sản xuất và có điều kiện cho khách làm thử một số công đoạn để lựa chọn là điểm đến trong làng nghề.

- Đào tạo, truyền nghề và tập huấn kỹ năng phục vụ du lịch cho các hộ sản xuất trong làng nghề.

- Hỗ trợ làng nghề quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các hoạt động: biên tập phóng sự về làng nghề, nhân rộng mô hình sản xuất, tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, tuyên truyền nâng cao nhận thức về sơn mài Bình Dương thông qua các hoạt động truyền thông, hỗ trợ kinh phí tham dự các hội thi sản phẩm làng nghề.

Tuy nhiên, theo kiến nghị của UBND thành phố Thủ Dầu Một tại Tờ trình số 58/TTr-UBND ngày 26/4/2017 về việc xin chủ trương xây dựng Đề án phát triển làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp. Ngày 09/5/2017 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 1778/UBND-KTN về chủ trương xây dựng đề án phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp: trong đó chỉ đạo giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan; tổ chức rà soát, thống nhất tham mưu UBND tỉnh xem xét quyết định kiến nghị của UBND thành phố Thủ Dầu Một. Qua rà soát Dự án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài truyền thống” của ngành Nông nghiệp có nội dung tương đồng với Đề án phát triển làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp của Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, nên hiện tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nghiên cứu tham mưu trình UBND tỉnh xem xét, chấp thuận cho chủ trương giao dự án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài truyền thống” về cho UBND thành phố Thủ Dầu Một tiếp tục thực hiện lồng ghép với Đề án phát triển làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp để việc phát triển làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp một cách đồng bộ, hiệu quả. Trong đề án có các nội dung: Xây dựng Cổng làng nghề; Quy hoạch và xây dựng khu sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp sơn mài để đảm bảo về vấn đề môi trường; Xây dựng nơi trưng bày sản phẩm chung cho làng nghề; Xây dựng các tour du lịch kết hợp tham quan, giới thiệu sản phẩm của làng nghề sơn mài tỉnh Bình Dương, vv…

V. Cục Thuế tỉnh Bình Dương:

Kiến nghị của Hiệp hội Gốm sứ :

Theo Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2016 hướng dẫn Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016, một số doanh nghiệp vẫn được áp dụng khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong kỳ tính thuế trước thời điểm 01 tháng 7 năm 2016.

Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp bị vướng mắc thủ tục vẫn chưa được hoàn thuế cho kỳ tính thuế phát sinh trước ngày 01/07/2016. Trường hợp cụ thể: DNTN Gốm Sứ Đại Hồng Phát có nộp bộ hồ sơ hoàn thuế GTGT số: 01/2016/HT/DHP kỳ hoàn thuế từ tháng 04/2014 đến tháng 07/2016 cho Chi Cục Thuế Thị Xã Thuận An, ngày nhận hồ sơ: 26/08/2016. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa được hoàn thuế cho kỳ hoàn thuế trên. Do đó, Hiệp hội Gốm sứ kiến nghị Cục Thuế xem xét hỗ trợ giúp đỡ cho các doanh nghiệp.

Nguyện vọng của doanh nghiệp là nếu hiện tại do vướng Thông tư số 130/2016/TT-BTC thì cho phép doanh nghiệp tách bộ hồ sơ hoàn thuế ra làm 2 giai đoạn để được hoàn thuế cho giai đoạn trước ngày 01/07/2016. Khoản tiền hoàn thuế này tương đối lớn, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Trả lời:

Nguyện vọng của Doanh nghiệp tư nhân Gốm sứ Đại Hồng Phát là tách bộ hồ sơ hoàn thuế ra làm 2 giai đoạn để hoàn thuế cho giai đoạn trước ngày 01/7/2017. Tuy nhiên, trường hợp này không được quy định cụ thể trong trong các văn bản chính sách thuế, vì vậy Cục Thuế tỉnh Bình Dương đã có công văn xin ý kiến. Khi nào có phản hồi từ Tổng cục Thuế, Cục Thuế sẽ có thông báo chính thức đến doanh nghiệp biết.

V. Chi cục Quản lý thị trường:

1. Kiến nghị của Hiệp hội da giày: Hiện nay, hiện tượng hàng gian, hàng giả xuất hiện tràn lan trên thị trường tại các cửa hàng bản lẻ, thậm chí trên các vỉa hè...Việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thương hiệu của các doanh nghiệp. Kiến nghị Chi cục quản lý thị trường cần có biện pháp kiểm tra kiểm soát thị trường để hạn chế hiện tượng này.

Trả lời:

Trong thời gian qua, Chi cục thường xuyên chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh hàng lậu trong đó có giày nhập lậu.Trong năm 2017, Chi cục đã phát hiện 02 vụ vận chuyển, mua bán giày không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Chi cục đã trình cấp có thẩm quyền tịch thu 2.114 đôi giày các loại.

Đối với tình trạng mua bán tràn lan các loại giày giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng tại các cửa hàng, vỉa hè: vấn đề này Hiệp hội phản ánh đúng, Chi cục cũng đã thấy vấn đề này nhưng để xử lý hành vi mua bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu cần phải có sự hợp tác của chủ sở hữu để xác nhận tính thật giả của hàng hóa nhưng trong thời gian qua, hầu như không có chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng nào thuộc ngành da giày đề nghị phối hợp với Chi cục QLTT để xử lý hàng giả mạo nhãn hiệu nên không thể xử lý hoạt động mua bán giày giả mạo nhãn hiệu. Chi cục sẳn sàng phối hợp với các chủ thương hiệu khi có yêu cầu.

Đoàn công tác Sở Công Thương Bình Dương làm việc với HH Da giày

2. Kiến nghị của Hiệp hội dệt may: Trong những năm qua, tình trạng vải các loại, đặc biệt là vải jean Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau với giá bán thấp hơn giá thị trường từ 10 – 20%, để cạnh tranh và duy trì hoạt động các doanh nghiệp dệt nhuộm trong nước phải hạ giá bán bằng chi phí sản xuất hoặc thấp hơn 3 – 5%. Điều này đã gây ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến các doanh nghiệp dệt nhuộm trong nước, đặc biệt là Công ty LD Dệt Nhuộm Việt Hồng và Công ty TNHH Dệt Tường Long. Nguyên nhân giá bán các loại vải nhập lậu này thấp là do không có hóa đơn chứng từ nên không chịu thuế nhập khẩu từ 8-12% và thuế GTGT 10%.

Do đó, Hiệp hội Dệt may kiến nghị Chi cục quản lý thị trường tỉnh Bình Dương phối hợp với Chi cục quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Hải quan thành lập các Ban Chuyên án kịp thời kiểm tra và xử lý triệt để để ngăn chặn tình trạng vải nhập lậu từ Trung Quốc, qua đó, kịp thời bảo hộ hàng hóa trong nước và giúp các doanh nghiệp trong nước ổn định sản xuất và phát triển.

Trả lời:

Năm 2017, Chi cục phát hiện 02 vụ kinh doanh 3.526 kg vải các loại nhập lậu, 5.795 cái quần Jean các loại vi phạm nhãn hàng hóa. Chi cục rất cần thông tin phản ánh của doanh nghiệp, nhân dân khi phát hiện các hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển hàng nhập lậu.

Đoàn công tác Sở Công Thương Bình Dương làm việc với HH Dệt may

3. Kiến nghị của Hiệp hội chế biến gỗ:

Hiện nay trong ngành sản xuất viên nén gỗ xuất hiện các hộ sản xuất nhỏ lẽ làm viên nén gỗ này không có đăng ký kinh doanh, không có nghĩa vụ đối với thuế, không nghĩa vụ đối với người lao động nên sản phẩm viên nén gỗ của các hộ sản xuất này bán ra thị trường với giá thành của sản phẩm thấp hơn rất nhiều.

Việc này gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh trong việc cạnh tranh về giá với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ này.

Do đó, Hiệp hội Chế biến gỗ kiến nghị Chi cục quản lý thị trường tỉnh Bình Dương kiểm tra, kiểm soát các hộ sản xuất viên gỗ nén nhỏ lẽ để tránh tình trạng hoạt động không giấy phép.

Trả lời:

Trong những năm qua, Chi cục tập trung kiểm tra các mặt hàng, lĩnh vực nhạy cảm như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng,phân bón, hóa chất, rượu, thuốc lá, an toàn thực phẩm,... nên hoạt động kiểm tra đột xuất đối với nội dung  “kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” chưa tập trung. Chi cục ghi nhận kiến nghị của Hiệp hội và sẽ chỉ đạo các Đội QLTT trinh sát, nếu phát hiện các cơ sở sản xuất viên nén gỗ không đăng ký kinh doanh sẽ xử lý nghiêm. Chi cục rất hoan nghênh nếu Hiệp hội có thông tin về những cơ sở này và cung cấp danh sách cho Chi cục.

VI. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm:

Kiến nghị của Hiệp hội Da giày:

Do đặc thù của ngành da giày là ngành sử dụng nhiều lao động nên vấn đề an toàn thực phẩm đối với người lao động cần được chú trọng. Vì khi xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm tại các doanh nghiệp này sẽ gây ra ảnh hưởng đối với rất nhiều lao động, làm gián đoạn tiến độ sản xuất của các doanh nghiệp.

Vì vậy, Hiệp hội Da giày kiến nghị Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp cho các doanh nghiệp da giày để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người lao động tại các doanh nghiệp này.

Trả lời:

Do tính chất quan trọng của công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) tại các bếp ăn tập thể (BATT) nói chung và nói riêng tại các BATT của doanh nghiệp da giày nên ngành Y tế định kỳ hàng năm đều tổ chức các đợt kiểm tra chuyên ngành và phối với với các đơn vị có liên quan (như: Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Thú Y, PC49) tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP tại các BATT công ty, cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp (CSCCSACN) trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:

- Đối với các BATT trong khu công nghiệp:  Trong năm 2016 đã kiểm tra 236 BATT. Kết quả: Đạt 218 cơ sở, Không đạt, xử lý phạt tiền: 18 cơ sở với số tiền 66.250.000 đồng; CSCCSACN: 95 cơ sở. Kết quả: Đạt 83 CS. Không đạt, xử lý phạt tiền 12 cơ sở với số tiền 52.000.000 đồng.

- Đối với các BATT ngoài khu công nghiệp: Trong năm 2016, tuyến huyện (gồm Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố) định kỳ tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành, chuyên ngành đối với 615 BATT. Kết quả: Đạt 492 cơ sở; Không đạt: 123 cơ sở. Xử lý phạt tiền: 19 cơ sở với số tiền 39.500.000 đồng, nhắc nhở: 104 cơ sở.

Đầu năm 2017, Ngành Y tế cũng đã tiếp tục tiến hành kiểm tra chuyên ngành đối với một số BATT trong các khu công nghiệp như: KCN Sóng Thần I, II; KCN Dệt may Bình An; KCN Mỹ Phước I, II, III; Các doanh nghiệp ngoài KCN và một số CSCCSACN trên địa bàn tỉnh.

Ngoài các hoạt động kiểm tra, Chi cục ATVSTP còn tổ chức các hoạt động khác như:

- Điều tra, xác minh các vụ việc có liên quan đến ngộ độc thực phẩm (NĐTP), sự cố liên quan đến thực phẩm. Từng vụ việc đều có kết luận và báo cáo cụ thể. Trong năm 2016, toàn tỉnh không xảy ra NĐTP, 05 sự cố liên quan đến thực phẩm. 5 tháng đầu năm 2017, không xảy ra NĐTP.

- Hoạt động Ký cam kết không để xảy ra NĐTP và thực hiện các nội dung đã ký cam kết đối với các doanh nghiệp, đơn vị có BATT, CSCCSACN. Trong đó có hoạt động thành lập Tổ tự quản ATTP để duy trì việc tự kiểm soát, kiểm tra hoạt động đảm bảo ATTP tại cơ sở.

- Tổ chức các Hội thảo, phổ biến kiến thức ATTP, văn bản mới về ATTP cho các BATT, CSCCSACN.

- Tổ chức tập huấn kiến thức ATTP, xác nhận kiến thức ATTP cho người trực tiếp chế biến thực phẩm.

- Diễn tập ứng phó khi xảy ra NĐTP, sự cố liên quan đến ATTP tại các doanh nghiệp có BATT.

Trong thời gian tới, để phòng chống NĐTP, sự cố về ATTP, Chi cục ATVSTP đề nghị Hiệp hội da giày triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Phổ biến các khuyến cáo về ATTP của ngành Y tế cho các doanh nghiệp da giày như: Chỉ hợp đồng cung cấp suất ăn đối với những cơ sở đạt đủ điều kiện ATTP; Giá tiền suất ăn tối thiểu 15.000 đồng;...

2. Khuyến nghị các doanh nghiệp da giày thành lập Tổ tự quản ATTP để thường xuyên duy trì hoạt động tự kiểm tra, giám sát ATTP tại cơ sở.

3. Phối hợp với ngành Y tế tổ chức các đợt diễn tập ứng phó khi xảy ra NĐTP, sự cố liên quan đến ATTP nhằm kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất có thể.

4. Tham gia đầy đủ các buổi Hội thảo về tập huấn kiến thức ATTP, văn bản mới về ATTP do ngành Y tế tổ chức.

Trong thời gian tới, Ngành Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan để tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP tại các BATT công ty, CSCCSACN trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo ATTP, phòng ngừa NĐTP và sự cố về ATTP.


Lượt xem: 454

Thống kê truy cập

Đang truy cập:386

Tổng truy cập: 18652910