Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG, PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG THƯƠNG TỈNH BÌNH DƯƠNG - QUÝ I, NĂM 2023

2023-04-18 16:30:00.0

TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG, PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG THƯƠNG TỈNH BÌNH DƯƠNG - QUÝ I, NĂM 2023

Ngày 11/4/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh trong Quý I, năm 2023. Theo đó Báo cáo đã đưa ra một số nội dung đánh giá về tình hình phát triển của ngành Công Thương trong Quý I/2023 như sau:

 

Lễ ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận về việc hợp tác thực hiện cụm công nghiệp “Net Zero”

giữa Tập đoàn Gia Định và Tập đoàn SEP

Về Công nghiệp: Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, mặc dù doanh nghiệp đã chủ động thay đổi phương thức tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới nhưng số lượng đơn hàng và quy mô đơn hàng giảm mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 0,15% so với cùng kỳ năm 2022 (quí I/2022 tăng 7,2%). Trong đó, khai khoáng giảm 2,12%; chế biến, chế tạo tăng 0,4%; sản xuất và phân phối điện giảm 7,6%. Thực hiện cung cấp đủ điện cho sinh hoạt, sản xuất; sản lượng điện thương phẩm ước đạt 3,3 tỷ KWh, giảm 7,6% so với cùng kỳ; tiết kiệm điện được 82 triệu KWh. Lắp đặt mới 4.056 điện kế, duy trì tỷ lệ hộ sử dụng điện trên toàn tỉnh đạt 99,99%.

Về hoạt động khu công nghiệp, cụm công nghiệp: các khu công nghiệp thu hút đầu tư nước ngoài đạt 39 triệu đô la Mỹ (chiếm 9% cả tỉnh), cho thuê được 4,2 ha đất. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã giải ngân 881 triệu đô la Mỹ; doanh thu đạt 9,3 tỷ đô la Mỹ; xuất khẩu đạt 5,3 tỷ đô la Mỹ (chiếm 72,6% cả tỉnh). UBND tỉnh triển khai thủ tục khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ và tiếp tục rà soát quy hoạch, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Về Thương mại - dịch vụ, xuất nhập khẩu, trong thương mại - dịch vụ: Hàng hóa phục vụ Tết đa dạng, phong phú, không có hiện tượng khan hiếm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân (cả mặt hàng xăng dầu), giá hầu hết các loại hàng cơ bản ổn định; tổ chức bán hàng lưu động, bình ổn ở các huyện phía Bắc, các điểm tập trung đông dân cư, khu, cụm công nghiệp. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ quí I/2023 ước đạt 72.514 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ (quý 1/2022 tăng 9,6%). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I tăng 3,2% so với cùng kỳ (chủ yếu tăng giá ở nhóm: hàng hóa và dịch vụ ăn uống tăng 3,7%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,4%). Cơ quan Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng xăng, dầu; đã tiến hành kiểm tra 04 vụ, xử phạt 04 vụ với tổng số tiền phạt 40,5 triệu đồng.

Trong hoạt động xuất - nhập khẩu: tình hình xuất khẩu, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn; các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các thị trường xuất khẩu chính tiếp tục giảm nhu cầu do ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng thấp. Cụ thể: kim ngạch xuất khẩu ước đạt 07 tỷ 285 triệu đô la Mỹ, giảm 18,7% (quý 1/2022 tăng 9,8%); cụ thể tình hình xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như sau: sản phẩm gỗ (giảm 41,5%), máy móc – thiết bị (giảm 7,4%), dệt may (giảm 17,4%), giày da (giảm 12,5%). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 05 tỷ 111 triệu đô la Mỹ, giảm 14% (quý 1/2022 tăng 0,2%).

Như vậy trong Quý I/2023, tình hình kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn, lạm phát ở các nền kinh tế, lãi suất vẫn còn cao trong khi nhu cầu tiêu dùng, sức mua còn yếu, tiếp tục ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam và tỉnh trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do nhiều doanh nghiệp không có đơn đặt hàng mới, nhu cầu tiêu dùng giảm sút, giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức cao. Thu ngân sách tuy đảm bảo dự toán nhưng thu từ lĩnh vực xuất nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ. Hoạt động của một số doanh nghiệp hoạt động chậm lại, nhất là ngành gỗ, may mặc, giày da... nên phải hoạt động cầm chừng, tạm dừng hoạt động và cắt giảm lao động... Nhiều công trình lưới điện chậm tiến độ do vướng mắc thủ tục giải phóng mặt bằng dẫn đến áp lực cung cấp điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh. UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trên các ngành, lĩnh vực; tập trung làm việc với các sở, ngành, địa phương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, tạo lòng tin, phấn khởi cho doanh nghiệp và người dân. Tổ chức các hoạt động phục vụ nhân dân đón Tết; đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội. Sau Tết, các cơ quan, đơn vị chủ động, tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác và xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên. Tình hình kinh tế - xã hội phát triển tương đối ổn định trên các ngành, lĩnh vực.

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm quý II, năm 2023 đã được UBND tỉnh đặt ra cho ngành Công Thương đó là tập trung rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường thế giới, có giải pháp duy trì đà xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và mở rộng thêm nhiều thị trường mới. Triển khai hiệu quả Đề án di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp ở phía Nam lên các địa phương phía Bắc và sắp xếp, chuyển đổi công năng các doanh nghiệp sau khi di dời./.

 

 


Kim Bình – Thanh tra Sở

Lượt xem: 3676

Thống kê truy cập

Đang truy cập:660

Tổng truy cập: 18729274