Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

TÌNH HÌNH CHẤP HÀNH CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG HÓA CHẤT

2023-12-20 08:24:00.0

TÌNH HÌNH CHẤP HÀNH CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG HÓA CHẤT

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.098 doanh nghiệp hoạt động hóa chất (gồm có: 24 doanh nghiệp sản xuất hóa chất, 45 doanh nghiệp kinh doanh hóa chất và 1.029 doanh nghiệp sử dụng hóa chất).

Cho đến nay, hệ thống văn bản pháp lý quy định cho các doanh nghiệp hoạt động hóa chất thực hiện có khoảng 12 văn bản. Thực tế qua công tác thanh tra chuyên ngành, đa số các doanh nghiệp hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh có ý thức chấp hành tốt, đảm bảo các loại hồ sơ, pháp lý theo quy định. Như: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất; hồ sơ người phụ trách có chuyên môn về hóa chất; huấn luyện an toàn hóa chất theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP cho đối tượng là nhóm 1, 2, 3; hồ sơ khám sức khỏe định kỳ cho người lao động tiếp xúc hóa chất; hồ sơ kiểm định các thiết bị dùng trong sản xuất hóa chất; hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hóa chất đang sản xuất, kinh doanh và sử dụng; trong quá trình hoạt động không xảy ra tai nạn, sự cố hóa chất ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường và sức khỏe người lao động; có đầy đủ các phiếu an toàn hóa chất và phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc; trang bị các thiết bị phục vụ cho hoạt động sử dụng hóa chất đáp ứng yêu cầu trong quá trình sử dụng hóa chất phục vụ sản xuất; hóa chất sử dụng phục vụ sản xuất được sắp xếp theo tính chất từng loại, không bảo quản chung các loại có phản ứng với nhau và lưu trữ riêng tại khu nhà xưởng sản xuất.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành bảo đảm công tác quản lý Nhà nước về hoá chất theo chức năng, nhiệm vụ được giao

Bên cạnh đó, vẫn còn một số doanh nghiệp chấp hành pháp luật về hoạt động hóa chất chưa nghiêm, chưa chú trọng, quan tâm công tác an toàn hóa chất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng và bảo quản do thiếu hiểu biết các quy định pháp luật về hóa chất; việc bố trí cán bộ quản lý chưa phù hợp với công tác quản lý an toàn hóa chất nên việc tiếp cận các quy định pháp luật để tư vấn, tham mưu cho các chủ doanh nghiệp thực hiện chưa tốt dẫn đến việc thực hiện chưa đúng các quy định pháp luật hiện hành về quản lý an toàn hóa chất. Cụ thể, năm 2023, có 13 doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt gần 500 triệu đồng bao gồm các hành vi vi phạm như sau:

- Không gửi Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp và Quyết định ban hành Biện pháp đến Sở Công Thương tỉnh, thành phố nơi xây dựng dự án hoạt động hóa chất để giám sát, quản lý.

- Không có rãnh thu gom và thoát nước cho sàn nhà xưởng, kho chứa hóa chất;

- Không thực hiện chế độ báo cáo tổng hợp về tình hình hoạt động hóa chất hằng năm thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia (chemicaldata.gov.vn) theo quy định.

- Không có người chuyên trách về an toàn hóa chất tại cơ sở sử dụng hóa chất để sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác. Hoặc sử dụng người phụ trách về an toàn hóa chất tại cơ sở kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện không phải là người có trình độ đào tạo từ trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất.

- Không tổ chức hoặc không cử người tham gia các khóa huấn luyện an toàn hóa chất định kỳ đối với đối tượng nhóm 3, 2,1; không có biện pháp quản lý, kiểm soát tiền chất công nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

- Không bố trí hệ thống báo hiệu phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất tại nơi sử dụng, cất giữ hóa chất nguy hiểm.

- Không có bảng nội quy về an toàn hóa chất tại nơi sử dụng, cất giữ hóa chất nguy hiểm.

- Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp mà không có Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp đối với hóa chất Folmaldehyde.

- Hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp.

- Hành vi sản suất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp mà không có Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.

Theo đó, trong quá trình quản lý nhà nước Sở Công Thương đã có một số đề xuất kiến nghị với Bộ Công Thương như sau:

Một là. Theo quy định tại Điểm b, Khoản 18, Điều 1, Nghị định số 82/2022/NĐ-CP ngày 18/10/2022 của Chính phủ, Sở Công Thương thực hiện báo cáo công tác quản lý hóa chất trên Hệ thống Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia. Tuy nhiên, Bộ Công Thương chưa tổ chức tập huấn việc thực hiện báo cáo này trên Hệ thống Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia. Do đó, kiến nghị Bộ Công Thương sớm có hướng dẫn hoặc tập huấn việc thực hiện báo cáo công tác quản lý hóa chất trên Hệ thống Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia cho Sở Công Thương và các doanh nghiệp hoạt động hóa chất.

Hai là. Hiện tại QCVN 05A:2020/BCT có phần phụ lục màu trắng, đen đậm, đen nhạt, xám đậm, xám nhạt... rất khó xem, đặc biệt là Bảng 2 (các hóa chất không tương thích). Do đó, kiến nghị xem xét bổ sung ban hành QCVN 05A:2020/BCT bản có màu để doanh nghiệp đối chiếu thực hiện.

Ba là. Về việc lập Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc. Theo quy định hiện tại tại Điều 4, Luật Hóa chất năm 2007, hầu như hóa chất nào cũng được xem là hóa chất độc cần phải xây dựng phiếu kiểm soát mua bán hóa chất độc. Việc này tốn nhiều chi phí, thời gian, diện tích lưu trữ hồ sơ của doanh nghiệp. Ngoài ra, có một số doanh nghiệp nhầm lẫn danh mục hóa chất độc tại Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg ngày 01/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ là danh mục hóa chất độc để đối chiếu xây dựng phiếu kiểm soát mua bán hóa chất độc. Do đó, kiến nghị xem xét bổ sung việc ban hành danh mục hóa chất độc phải xây dựng Phiếu kiểm soát mua bán hóa chất độc.

Bốn là. Doanh nghiệp thường xuyên thay đổi nhân sự, một số doanh nghiệp mới thành lập hoặc mới tiếp cận được quy định pháp luật, đồng thời số điện thoại tổng đài hỗ trợ thực hiện báo cáo hóa chất hàng năm thường bị nghẽn mạng hoặc không có người bắt máy, .... Do đó, kiến nghị trên Hệ thống Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia có bài viết để hướng dẫn cách khắc phục một số lỗi thường gặp hoặc giải đáp thắc mắc trong quá trình thực hiện báo cáo hóa chất định kỳ hàng năm của doanh nghiệp. Một số lỗi thường gặp hoặc thắc mắc cần được giải đáp như: quên mật khẩu đăng nhập, báo cáo số liệu âm, năm trước báo cáo số liệu bị âm thì năm nay phải thực hiện báo cáo như thế nào, số liệu đã nhập không hiển thị khi xem lại file tổng hợp trước khi nộp báo cáo, khi nào là nộp báo cáo thành công, khi cơ quan nhà nước kiểm tra thì đưa bằng chứng đã nộp báo cáo như thế nào, cách để xem lại số liệu báo cáo của năm trước, vì sao khi tạo báo cáo mua trong nước nhưng không hiển thị bảng thông tin để điền dữ liệu, ....

Năm là. Các doanh nghiệp mới thành lập có nhu cầu hoạt động kinh doanh hóa chất đủ điều kiện, nhưng để có phiếu an toàn hóa chất của nhà cung cấp thì gặp phải một số khó khăn vì doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận, doanh nghiệp chưa là đối tác nên nhà cung cấp không đồng ý cung cấp phiếu an toàn hóa chất cho doanh nghiệp. Do đó, kiến nghị xem xét có quy định riêng về thông tin nhà cung cấp tại phiếu an toàn hóa chất trong thành phần hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất.

Sáu là. Kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể về yêu cầu đối với công nghệ sản xuất hóa chất theo quy định tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 113/2017/NĐ-CP để các Sở Công Thương có cơ sở thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp.

Bảy là. Kiến nghị xem xét điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong hồ sơ lưu giữ huấn luyện an toàn hóa chất như: bổ sung chữ ký của người huấn luyện trong danh sách người được huấn luyện; ban hành mẫu lý lịch của người huấn luyện (trong đó cần làm rõ nội dung như việc giảng dạy có được xem là kinh nghiệm làm việc về an toàn hóa chất không, cần có xác nhận của nơi công tác về an toàn hóa chất trong thời gian 05 năm); bổ sung việc lưu giữ hình ảnh của ngày huấn luyện.

Tám là. Bổ sung hướng dẫn thực hiện quản lý an toàn đối với các sản phẩm không thuộc đối tượng hóa chất được điều chỉnh của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP (theo quy định tại Khoản 1, Điều 1, Nghị định số 82/2022/NĐ-CP).

Chín là. Về quy định thực hiện công bố hợp quy sản phẩm chì trong sơn được ban hành tại Thông tư số 51/2020/TT-BCT (ký hiệu QCVN 08:2020/BCT). Kiến nghị xem xét có hướng dẫn cụ thể thành phần hồ sơ khi tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký bản công bố hợp quy tại Sở Công Thương và cách thức Sở Công Thương thực hiện xử lý hồ sơ công bố hợp quy này do trong nội dung QCVN 08:2020/BCT không quy định; có quy định cụ thể việc tổ chức, cá nhân thực hiện tự đánh giá hợp quy cũng như quy định về tiêu chuẩn của phòng thử nghiệm mà tổ chức, cá nhân thực hiện việc thử nghiệm do Thông tư số 36/2019/TT-BCT không quy định.

Như vậy, thông qua hoạt động thanh tra, nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân./.


Kim Bình – Thanh tra Sở

Lượt xem: 2398

Thống kê truy cập

Đang truy cập:496

Tổng truy cập: 18407168