Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

TỈNH BÌNH DƯƠNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 24-NQ/TW, NGÀY 07/10/2022 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

2023-04-18 16:33:00.0

TỈNH BÌNH DƯƠNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 24-NQ/TW, NGÀY 07/10/2022 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

Tầm nhìn đến năm 2045, Bình Dương phấn đấu trở thành địa phương có cơ cấu kinh tế hiện đại; là một bộ phận quan trọng trong trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và là một trong những trung tâm tài chính của khu vực; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

 

Chủ tịch UBND tỉnh– Võ Văn Minh và Thứ trưởng Bộ Công Thương – Đỗ Thắng Hải

tại Hội nghị vùng Đông Nam Bộ

Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; ngày 22/3/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Chương trình số 113-CTr/TU và chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các cấp, ngành, cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình này và thường xuyên cập nhật tình hình mới và chỉ đạo của Trung ương để tham mưu điều chỉnh, bổ sung các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình, phù hợp quá trình phát triển của tỉnh.

Cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt từ 9% - 10%. Cơ cấu kinh tế các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông - lâm - thuỷ sản, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tương ứng đạt 62% - 30% - 2% - 6%. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 393 - 419 triệu đồng, tương đương 15.000 - 16.000 USD; tỉ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30 - 35%; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 90%; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Theo đó có 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp xây dựng kế hoạch quán triệt, triển khai thực hiện, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của ngành, đơn vị, địa phương:

Một là, Phát triển nhanh, bền vững tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng.

Hai là, Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng.

Ba là, Phát triển công nghiệp công nghệ cao và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị.

Bốn là, Phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Năm là, Cơ cấu lại và nâng cao giá trị ngành nông nghiệp.

Sáu là, Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bảy là, Phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tám là, Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Chín là, Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

Xác định Bình Dương là địa phương có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; phải trở thành một động lực quan trọng, góp phần cùng các địa phương trong vùng xây dựng Đông Nam Bộ trở thành một khu vực phát triển năng động, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các tỉnh, vùng kinh tế khác; Ngành Công Thương sẽ chủ động phối hợp các ngành, địa phương tập trung tham mưu thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án để “Phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế”. Cụ thể:

- Đẩy mạnh thu hút, phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao theo hướng trở thành các trung tâm tài chính, trung tâm thương mại, trung tâm giáo dục, trung tâm chăm sóc sức khỏe tầm cỡ khu vực và thế giới, các dịch vụ khác để đáp ứng phát triển bền vững theo đúng định hướng của tỉnh, trong đó: tập trung phát triển kinh tế số, kinh tuần hoàn, kinh tế đêm, kinh tế du lịch trên tuyến sông Sài Gòn,...

- Tập trung xây dựng trung tâm logistics xuyên biên giới (thành phố Mới Bình Dương) kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh. Phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia kết nối với các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) - Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thông thương với các khu kinh tế cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước.

- Đến năm 2025: vận động và tiến hành di thời 30% - 40% số lượng doanh nghiệp thuộc diện di dời theo Đề án di dời các doanh nghiệp sản xuất ở phía Nam lên các địa phương phía Bắc để tập trung sắp xếp quy hoạch chuyển đổi công năng sang phát triển dịch vụ, thương mại tạo sự phát triển cân bằng bền vững. Nghiên cứu dành nguồn lực về đất đai phù hợp để phát triển đô thị gắn với phát triển hệ thống giao thông công cộng (TOD), nhà ở xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp./.

 

 


Kim Bình – Thanh tra Sở

Lượt xem: 3092

Thống kê truy cập

Đang truy cập:484

Tổng truy cập: 18726065