Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Tiềm năng thương mại tại thị trường Ca-mơ-run

2013-09-11 22:32:00.0

Ca-mơ-run là thị trường có tiềm năng thương mại bậc nhất tại khu vực Trung Phi và là 1 trong 10 đối tác xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi trong thời gian qua.

Ca-mơ-run là thị trường có tiềm năng thương mại bậc nhất tại khu vực Trung Phi và là 1 trong 10 đối tác xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi trong thời gian qua.

Đôi nét về thị trường Ca-mơ-run

Cộng hoà Ca-mơ-run nằm ở khu vực Trung Phi, giữa Ghi-nê Xích đạo và Nigeria. Ca-mơ-run có diện tích 475.440 km2, dân số khoảng 20 triệu người. Yaoundé là thủ đô chính trị của Ca-mơ-run nhưng thành phố Douala mới là trung tâm kinh tế lớn nhất của nước này với 95% doanh nghiệp tập trung tại đây và có cảng biển Douala lớn nhất khu vực Trung Phi. Về tôn giáo, tín ngưỡng bản địa chiếm 40% dân số, Thiên chúa giáo 40% và Đạo hồi 20%. Tiếng Pháp và tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức. Ngoài ra còn có các tiếng bản địa khác. Đơn vị tiền tệ là đồng franc của Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi (FCFA) với tỷ giá 1 Euro = 655,95 Franc và 1 USD bằng 480 Franc CFA (2013). Về mặt kinh tế, Ca-mơ-run có tiềm năng sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng cacao, chuối, cà phê, gỗ, bông, mật ong, các sản phẩm lâm nghiệp, khai khoáng và dầu lửa. Ca-mơ-run là nền kinh tế lớn nhất khu vực Trung Phi, riêng GDP của nước này bằng 1 nửa tổng GDP của 6 nước thành viên Cộng đồng kinh tế và tiền tệ Trung Phi (CEMAC) gồm 6 quốc gia Gabon, CH Trung Phi, CH Congo, Chad và Ghi-nê Xích đạo.

Như nhiều nước đang phát triển khác, quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã tạo ra sức ép lên nền kinh tế Ca-mơ-run. Những trở ngại khác đang cản trở sự phát triển của quốc gia này là nạn quan liêu, tham nhũng, hạ tầng cơ sở yếu kém. Thời gian gần đây, Chính phủ Ca-mơ-run đã nỗ lực đưa ra các biện pháp nhằm bài trừ tham nhũng và tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch hơn. Năm 2012, tổng sản phẩm quốc nội của Ca-mơ-run đạt 24,51 tỷ USD, tăng trưởng 4,7% so với năm 2011, GDP bình quân đầu người khoảng 1.192 USD/năm. Tỷ lệ lạm phát được duy trì ở mức 2,9%/năm. Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp đóng góp 19,8% GDP, công nghiệp 30,9% và dịch vụ 49,3%.

Về ngoại thương, năm 2012, Ca-mơ-run xuất khẩu 6,54 tỷ USD hàng hoá các loại, trong đó có dầu thô, các sản phẩm về dầu lửa, hạt coca, nhôm, bông, cà phê, gỗ xẻ. Các đối tác xuất khẩu của Ca-mơ-run là Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Hàn Quốc, Mỹ, Hà Lan. Kim ngạch nhập khẩu năm 2012 của Ca-mơ-run đạt 6,6 tỷ USD với các mặt hàng chính là máy móc, thiết bị điện, xe cộ, xăng dầu và thực phẩm. Các bạn hàng nhập khẩu của Ca-mơ-run là Pháp, Nigeria, Trung Quốc, Mỹ, Bỉ.

Về chính sách ngoại thương, Ca-mơ-run là thành viên của CEMAC, áp dụng một biểu thuế nhập khẩu ngoại khối chung với mức thuế trung bình là 18,4%, trong đó 4 mức thuế cơ bản gồm: 5% đối với hàng hoá thiết yếu; 10% đối với nguyên liệu thô và hàng hoá tạm nhập; 20% đối với hàng bán thành phẩm và 30% đối với hàng tiêu dùng. Ngoài ra còn có một số loại thuế đối với hàng hoá nhập khẩu đặc biệt tuỳ theo tính chất của hàng hoá, số lượng hàng và phương thức vận chuyển. Để tận thu thuế nhập khẩu, Chính phủ Ca-mơ-run đã thuê một công ty Thuỵ Sỹ phụ trách việc thu thuế. Các công ty xuất nhập khẩu phải đăng ký với Bộ Kinh tế và Tài chính và bảo đảm việc trả thuế trước khi đăng ký với Bộ Thương mại Ca-mơ-run.

Quan hệ thương mại Việt Nam- Ca-mơ-run

Ca-mơ-run là thị trường có tiềm năng thương mại bậc nhất tại khu vực Trung Phi và là 1 trong 10 đối tác xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi trong thời gian qua. Năm 2012, trao đổi thương mại song phương đạt 132 triệu USD trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 61,96 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 70,35 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2013, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 90,1 triệu USD trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 60,4 triệu USD, tăng 184% so với cùng kỳ năm 2012 và kim ngạch nhập khẩu đạt 37,73 triệu USD, tăng 31%. Hai mặt hàng chủ lực trong trao đổi thương mại giữa hai nước là gạo của Việt Nam và gỗ của Ca-mơ-run thường chiếm từ 65% tổng giá trị xuất khẩu trở lên.

Với dân số khoảng 20 triệu người, nhu cầu tiêu thụ gạo của Ca-mơ-run vào khoảng 450.000 đến 550.000 tấn mỗi năm. Hiện nay, sản xuất lúa gạo địa phương vào khoảng 70.000 tấn thóc/năm. Tuy nhiên, 80% trong số đó được xuất khẩu sang các nước láng giềng như Nigeria với giá rẻ do Ca-mơ-run không có nhà máy chế biến lúa gạo. Do đó, Ca-mơ-run phải nhập khẩu gạo để đáp ứng 87-90% nhu cầu trong nước.

Ca-mơ-run đã tự do hóa ngành gạo và lĩnh vực tư nhân được tự do nhập khẩu, phân phối mặt hàng thiết yếu này. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn giữ vai trò điều tiết trong các trường hợp thiếu gạo do mất mùa, tăng giá hoặc do bất ổn chinh trị. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu trong nước, gạo nhập khẩu vào Ca-mơ-run còn được tái xuất sang các nước láng giềng như Nigeria, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa dân chủ Congo, Gabon…

Năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu gạo sang Ca-mơ-run với kim ngạch 43,9 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 38,79 triệu USD. Mặc dù vậy, gạo Việt Nam thường phải xuất khẩu vào Ca-mơ-run qua trung gian như tập đoàn Olam của Singapore dẫn đến bất lợi về giá, gạo Việt Nam chưa tạo được thương hiệu và người tiêu dùng Ca-mơ-run phải mua với giá cao. Việc lựa chọn hình thức xuất khẩu qua trung gian là do phía đối tác nhập khẩu Ca-mơ-run thường đề nghị mua hàng trả chậm từ 2 đến 3 tháng, không mở L/C và giao hàng tại cảng đến (CIF). Để tránh rủi ro, doanh nghiệp Việt Nam buộc phải chấp nhận hình thức xuất khẩu này. Một khó khăn nữa là trên thị trường Ca-mơ-run, gạo Việt Nam thường phải cạnh tranh quyết liệt với gạo của các quốc gia châu Á khác như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ.

Để xuất khẩu gạo Việt Nam trực tiếp vào Ca-mơ-run, nhìn chung đối tác nhập khẩu bản địa thường nhấn mạnh việc giá bán phải rẻ hoặc ít nhất ngang bằng với mức giá gạo các nước khác trên thị trường sở tại. Bên cạnh đó, đối tác nhập khẩu cũng thường đề nghị mua gạo cũ vì người dân thích ăn gạo có độ rời và nở (giống gạo đồ). Thuế nhập khẩu gạo vào Ca-mơ-run là 5% (chưa kể khoản thuế VAT khoảng 19,5%). Bên cạnh mặt hàng gạo, Việt Nam còn xuất khẩu sang Ca-mơ-run thủy sản, nguyên phụ liệu thuốc lá, phân NPK, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, giấy các loại…

Về mặt hàng gỗ, Ca-mơ-run là nước có diện tích rừng lớn thứ hai châu Phi sau Cộng hòa Dân chủ Congo với tổng diện tích rừng tự nhiên khoảng 22,5 triệu ha (chiếm gần 45% quỹ đất) nước này trong đó 17 triệu ha đất rừng cho hiệu quả khai thác cao. Gỗ xuất khẩu đạt giá trị khoảng 3–3,5 tỷ USD hiện chiếm 15% giá trị xuất khẩu của Ca-mơ-run và là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của nước này sau dầu lửa. Ngành kinh doanh gỗ của Ca-mơ-run chủ yếu hướng tới xuất khẩu, với tỷ suất thuế là 0%. Ngành chế biến gỗ địa phương mới chỉ ở giai đoạn sơ khai do chi phí đầu tư một nhà máy là quá tốn kém đối với một doanh nghiệp địa phương.

Năm 2012, Việt Nam đã nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Ca-mơ-run với kim ngạch 66,83 triệu USD, còn trong 6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch nhập khẩu gỗ đạt 33,75 triệu USD. Ngoài gỗ, Việt Nam còn nhập khẩu từ thị trường này các mặt hàng bông và sắt thép phế liệu.

Một số trở ngại khi nhập khẩu gỗ từ Ca-mơ-run là phía nhà cung cấp thường yêu cầu thanh toán tiền đặt cọc từ 10 đến 30%. Việc thanh toán qua L/C tại Ca-mơ-run cũng gặp nhiều khó khăn vì ngân hàng sở tại thường từ chối cho các doanh nghiệp khai thác và kinh doanh gỗ mở L/C. Thông thường sau khi doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Ca-mơ-run chứng minh giao dịch thành công một số đơn hàng thì ngân hàng tại Ca-mơ-run mới chấp nhận cho mở L/C. Hơn nữa, Việt Nam và Ca-mơ-run chưa thiết lập quan hệ hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng nên việc thanh toán bằng L/C thường tốn kém và mất thời gian vì phải qua ngân hàng quốc tế của một nước thứ ba. Gần đây đã xảy ra một số trường hợp khách hàng Việt Nam bị nhà cung cấp gỗ Ca-mơ-run chiếm dụng tiền đặt cọc, gây tâm lý lo ngại khi giao dịch với các đối tác tại thị trường này.
Một số lưu ý khi kinh doanh tại thị trường Ca-mơ-run

Xác định đối tác

Doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ đối tác thông qua sự giới thiệu của Phòng Thương mại, Công nghiệp, Mỏ và Thủ công Ca-mơ-run, Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á - Bộ Công Thương và Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại An-giê-ri, Ma-rốc. Bên cạnh đó, cần tích cực tham gia các đoàn nghiên cứu chính sách và xúc tiến thương mại sang Ca-mơ-run để tìm hiểu thực tế thị trường và gặp gỡ trực tiếp đối tác. Đề nghị đối tác cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ như Giấy phép kinh doanh, Thẻ xuất nhập khẩu, ngân hàng mở tài khoản, các hợp đồng đã từng giao dịch trước đây và nhờ các cơ quan nói trên xác minh.

Vấn đề thanh toán

Về phương thức thanh toán, cần có những biện bảo đảm an toàn như đề nghị đối tác thanh toán bằng L/C không hủy ngang hoặc có sự bảo lãnh của ngân hàng. Một số doanh nghiệp có văn phòng hoặc chi nhánh tại Ca-mơ-run có thể tiến hành thu tiền mặt trực tiếp. Về nhập khẩu hàng từ Ca-mơ-run, đối với các đơn hàng đầu tiên, doanh nghiệp nên mua khối lượng nhỏ và thương lượng với nhà xuất khẩu để hạn chế tối đa mức tiền đặt cọc (khoảng 5%-10% là phù hợp). Nếu không có đại diện tại Ca-mơ-run, doanh nghiệp nhập khẩu có thể tiến hành kiểm tra hàng trước khi đưa lên tàu thông qua tổ chức giám định quốc tế có uy tín tại nước sở tại như Văn phòng Veritas.

Giải quyết tranh chấp tại Ca-mơ-run

Các điều khoản nêu trong hợp đồng cần chặt chẽ và đầy đủ (dù là khách hàng quen) trong đó nêu rõ các biện pháp xử lý khi xảy ra tranh chấp. Việc giải quyết các tranh chấp thương mại tại tòa án của Cameroon có chi phí cao và thủ tục phức tạp. Hơn nữa, trong trường hợp doanh nghiệp có được phán quyết có lợi của tòa án, việc bắt buộc bên thua kiện thực hiện các phán quyết của tòa án cũng còn nhiều bất cập.

Vận tải hàng hóa

Vấn đề vận tải biển cũng là một khó khăn mà doanh nghiệp cần tính đến. Theo ước tính, do khoảng cách địa lý xa xôi, thời gian vận chuyển hàng giữa Việt Nam và Ca-mơ-run (cảng Douala) mất khoảng 45 ngày, cước vận tải chiếm khoảng 60% giá trị hàng hóa. Nếu khối lượng vận chuyển ít, lợi nhuận sẽ giảm đi.

Đầu tư tại Ca-mơ-run

Nhìn chung, Chính phủ Ca-mơ-run có xu hướng kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư hoặc liên doanh liên kết với doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực sản xuất, chế biến vì trình độ công nghệ của Ca-mơ-run tương đối lạc hậu, chi phí đầu tư cao đối với một doanh nghiệp địa phương, đồng thời Chính phủ muốn tăng giá trị hàng xuất khẩu và tạo công ăn việc làm cho người dân.

Các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư là chế biến gỗ, gạo, bông, cà phê..., và các dự án trồng và khai thác rừng, cung cấp nước, điện ở các vùng sâu, vùng xa. Ca-mơ-run mới sửa đổi Luật đầu tư vào tháng 4/2013 với việc bổ sung nhiều biện pháp ưu đãi như miễn thuế VAT trong 2 năm đầu hoạt động, thủ tục thành lập công ty nhanh gọn (3 ngày làm việc), số vốn ban đầu chỉ là 1 triệu franc (tương đương 2.000 USD)... Ca-mơ-run có lợi thế tình hình chính trị ổn định, cảng biển Douala tương đối hiện đại, là điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực Trung Phi. Ca-mơ-run nằm trong Liên minh Kinh tế, Tiền tệ Trung Phi gồm 6 quốc gia dẫn đến việc đầu tư tại Ca-mơ-run có thể mang lại lợi ích trong việc xuất hàng hưởng thuế ưu đãi sang 5 nước còn lại trong khu vực. Ca-mơ-run cũng là quốc gia được hưởng ưu đãi về thuế khi xuất khẩu vào EU và Mỹ, đặc biệt là mặt hàng dệt may.

Thuế quan

Ca-mơ-run là thành viên của khối CEMAC và áp dụng mức thuế chung đối với hàng hoá nhập khẩu ngoại khối gọi là Biểu thuế đối ngoại chung (TEC) với mực thuế từ 5 đến 30%. Trong đó, áp thuế 5% đối với các mặt hàng thiết yếu, 10% đối với nguyên liệu và trang thiết bị, 20% đối với các mặt hàng trung gian và 30% đối với các mặt hàng tiêu dùng thông thường. Đơn cử: CEMAC áp thuế 5% với gạo, 10% với mặt hàng vải/sợi, 30% với mặt hàng giày dép và quần áo, 30% đối với xe máy và đồ điện tử...

- Thuế giá trị gia tăng (VAT) là loại thuế tiêu thụ đánh vào hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất tại địa phương. Tỷ suất thuế VAT tại Ca-mơ-run là 19,25%

- Thuế tiêu thụ đặc biệt, đánh vào một số hàng hóa nhập khẩu từ ngoài khối và cả hàng hóa được sản xuất tại địa phương. Ca-mơ-run áp mức thuế 25% đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu bia, mỹ phẩm, sản phẩm xa xỉ...

Việc xin visa

Hiện nay, Việt Nam chưa có cơ quan đại diện ngoại giaoCa-mơ-run và ngược lại. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xin visa vào Ca-mơ-run phải xin tại các Đại sứ quán của nước này tại một số quốc gia như Trung Quốc, Pháp. Ngược lại, doanh nghiệp Ca-mơ-run muốn có visa vào Việt Nam thường phải xin tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nigeria, Ma-rốc hoặc Nam Phi. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể xin visa tại sân bay nơi đến với điều kiện có thư mời của đối tác và Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Ca-mơ-run có Giấy đồng ý cho nhập cảnh. Lưu ý: Việc xin visa tại sân bay không cần đóng trước lệ phí. Chỉ khi đến sân bay, người xin visa mới phải nộp lệ phí khoảng 100 USD đối với người mang hộ chiếu phổ thông. Miễn phí visa đối với người mang hộ chiếu công vụ và hộ chiếu ngoại giao. Hiện nay Việt Nam và Ca-mơ-run đang làm thủ tục chuẩn bị ký kết Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và đặc biệt.

Ngôn ngữ

Ca-mơ-run là một trong số ít các quốc gia châu Phi mà người dân có thể sử dụng cả 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp. Khi giao dịch với các đối tác tại Ca-mơ-run, có thể thấy trên các giấy tờ chứng nhận đều được thể hiện song song bằng hai ngôn ngữ này. Đây là một điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc giao dịch với các đối tác Ca-mơ-run.

Ghi nhãn hàng hóa

Nhãn mác của hàng hóa cần phải thể hiện bằng tiếng Pháp và/hoặc tiếng Anh. Bao bì đối với các sản phẩm nông sản cần phải mô tả được thực chất sản phẩm, thành phần, số lượng, nơi sản xuất và ngày hết hạn.

Đường bay

Có hai đường bay chính đi Ca-mơ-run: Hà Nội/TP Hồ Chí Minh-Paris (Pháp)-Douala (Cameroon) do hãng hàng không Vietnam Airlines/Air France phục vụ và tuyến Hà Nội/TP HCM-Bangkok-Nairobi (Kenya)-Douala (Cameroon) do hãng hàng không Thái Lan và Kenya phục vụ.

Đồng tiền Ca-mơ-run

Đơn vị tiền tệ của Ca-mơ-run là đồng franc của Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ và Trung Phi (CAF) với tỷ giá neo với đồng euro (1 euro = 655,95 Franc). Đồng franc CFA có giá trị sử dụng tại 6 quốc gia Trung Phi là Ca-mơ-run, CH Trung Phi, CH Congo, Gabon, Guinea Xích đạo và CH Tchad. Đồng đôla Mỹ cũng được sử dụng rộng rãi tại Ca-mơ-run (1 USD = 480 CAF năm 2013), tuy nhiên khi đi công tác tại Ca-mơ-run hoặc các nước khu vực Trung và Tây Phi nói tiếng Pháp, việc mang theo tiền mặt bằng euro sẽ có lợi và thuận tiện hơn khi đổi tiền và thanh toán. Tại các khách sạn, nhà hàng và siêu thị lớn, thẻ tín dụng quốc tế được chấp nhận trong thanh toán.

Một số địa chỉ hữu ích

Để có thêm các thông tin về doanh nghiệp Ca-mơ-run, các doanh nghiệp Việt Nam có thể liên hệ với:

1. Phòng Thương mại, Công nghiệp, Mỏ và Thủ công Ca-mơ-run (Chambre de Commerce, d’Industrie, des Mines et de l’Artisanat).

Địa chỉ : B.P.: 4011 – Douala; Điện thoại: (237) 33 42 98 81 / 33 42 67 87; Fax: (237) 33 42 55 96; Website:http://www.ccima.net

2. Thương vụ Đại sứ quán nước Việt Nam tại An-giê-ri (kiêm nhiệm Ca-mơ-run) :

Tham tán Thương mại: Nguyễn Văn Mùi

Email: secomvnalger@yahoo.frdz@moit.gov.vnvanmui@hotmail.com

Tel: +213 21 60 11 89; Fax: +213 21 60 11 81

Mobile: +213 773 27 01 35

Địa chỉ: 14, rue G les Crêtes, 16 035 Hydra, Alger, Algérie


Lượt xem: 466

Thống kê truy cập

Đang truy cập:570

Tổng truy cập: 18375726