Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Tiềm năng hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Pakistan

2013-09-18 22:27:00.0

Việt Nam và Pakistan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 8/11/1972.

Khái quát về Cộng hoà Hồi giáo Pakistan

Cộng hoà Hồi giáo Pakistan (The Islamic Republic of Pakistan) nằm ở khu vực Nam Á, tiếp giáp biển Ả Rập, nằm giữa Ấn Độ, Iran, Afghanistan và Trung Quốc. Với diện tích rộng 796.095 km2, Pakistan có thủ đô là Islamabad. Về tôn giáo, đạo Hồi là quốc đạo tại Pakistan, trên 97% dân số theo đạo Hồi trong đó dòng Suni chiếm 77%, dòng Shi’a chiếm 20%. Đạo Hindu 1,5% và Thiên chúa 1% và một số đạo giáo khác. Đơn vị tiền tệ là đồng Rupi.

Về chính trị, Chính quyền Pakistan là Chính thể Cộng hoà theo thể chế Liên bang. Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và được bầu bởi một ban bầu cử. Mỗi tỉnh có một hệ thống Chính phủ tương tự với một nghị viện Tỉnh được bầu trực tiếp, trong đó lãnh đạo đảng hay liên minh lớn nhất trở thành Thủ hiến. Các Thống đốc tỉnh do Tổng thống chỉ định. Pakistan thực hiện chế độ đa đảng, trong đó có các đảng lớn nhất là Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) và Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML).

Pakistan là thành viên Liên Hợp Quốc, Hiệp hội các nước khu vực Nam Á (SAARC). Mặc dù có vị trí địa chính trị rất thuận lợi tại khu vực Nam Á nhưng việc hội nhập và phát triển kinh tế của Pakistan còn nhiều hạn chế do tình hình an ninh, chính trị luôn trong tình trạng bất ổn. Ngoài ra, Pakistan là thành viên của phong trào Không liên kết, Tổ chức các nước Hồi giáo IOC, Khối liên hiệp Anh, Diễn đàn đối thoại châu Á ACD, Tổ chức hợp tác kinh tế khu vực ECO, diễn đàn ARF, ASEM, thành viên đối thoại khu vực ASEAN...

Về tình hình Kinh tế-Chính trị

Sau sự kiện 11/9/2001, việc Pakistan từ bỏ sự ủng hộ chính quyền Taliban, chuyển sang ủng hộ Mỹ và các nước đồng minh trong cuộc chiến ở Afghanistan, đã giúp nước này giành được nhiều lợi thế về chính trị, ngoại giao và kinh tế. Mỹ, Nhật Bản và các nước phương Tây đã bỏ cấm vận đối với Pakistan (từ 10/1999), nối lại viện trợ kinh tế, xoá một phần nợ đọng.

Đầu năm 2013, diễn biến của cuộc bầu cử Quốc hội Pakistan đã khiến cho tình hình kinh tế, chính trị tại quốc gia này càng trở nên căng thẳng. Xã hội Pakistan trong những tháng trước bầu cử rơi vào tình trạng bất ổn. Cộng đồng doanh nghiệp hầu như dừng mọi hoạt động đầu tư phát triển.

Các ngành dịch vụ giảm tốc độ tăng trưởng xuống còn 3,7%, tỷ trọng dịch vụ đạt 57,7% của GDP. GDP năm 2012-13 đạt 231,9 tỷ USD, chỉ tăng 3,7%; trong đó, dự trữ ngọai tệ tăng và đạt khoảng 13,8 tỷ USD (tính đến cuối tháng 12/2012). Tỷ lệ lạm phát ở mức 9,7%.

Dự báo năm 2013-2014, GDP của quốc gia Nam Á này chỉ đạt tăng trưởng ở mức 3% và tỷ lệ lạm phát tăng lên 13%. Nền kinh tế Pakistan vẫn gặp nhiều khó khăn do bất ổn về chính trị; sản xuất trong nước đình trệ vì thiếu năng lượng; hàng xuất khẩu thiếu tính cạnh tranh; tình hình kinh tế thế giới vẫn khó khăn...

Về Nông nghiệp:là ngành kinh tế quan trọng, chiếm 21,4% GDP và 48% lực lượng lao động của Pakistan, tăng trưởng 3,3% trong năm tài khoá 2012-13. Các lĩnh vực chính trong ngành này gồm có chăn nuôi gia súc, gia cầm; ngư nghiệp và lâm nghiệp, với thị phần lần lượt chiếm 55,4% ; 2% và 2% trong nông nghiệp.

 Mức tăng trưởng của các sản phẩm chính trong ngành năm tài khoá 2012-13 là lúa gạo (-10%), lúa mỳ (3,2%), bông (-2,9%) và mía đường (7%), ngô (-7,7%), trong đó bông, sợi, gạo, vải bông là các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Pakistan…

Nghề cá và chăn nuôi khá phát triển. Pakistan có đàn trâu bò, gia súc, gia cầm lớn, có giống bò Sind nổi tiếng thế giới.

Mặc dù hiện nay, Pakistan đã rất chú trọng phát triển và mở rộng đầu tư vào nông nghiệp, tuy nhiên, sản lượng sản xuất nông nghiệp của Pakistan đến nay vẫn chưa đạt được mức tiềm năng do điều kiện khí hậu không thuận lợi, thiếu công nghệ, thiếu nước, thiếu điện thường xuyên xảy ra...

Về công nghiệp, nhìn chung công nghiệp Pakistan chưa phát triển, chỉ chiếm khoảng 20,9% GDP, gồm các ngành như sản xuất, xây dựng, khai thác mỏ & đá, phân phối điện và dầu khí.

Ngành sản xuất chiếm 13,2% GDP của cả nước. Tăng trưởng trong ngành này ước đạt 3,5% năm 2012-13, cao hơn so với mức 2,1% của năm trước. Có 3 nhóm sản xuất chính là sản xuất theo quy mô lớn, sản xuất theo quy mô nhỏ và giết mổ.

Ngành xây dựng đạt mức tăng trưởng 5,2%, cao hơn so với mức 3,2% của năm trước.

Năm 2012-13, khai thác mỏ và đá đạt tăng trưởng cao kỷ lục là 7,6%, cao hơn mức 4,6% của năm trước.

Mức tăng trưởng của ngành Phân phối ga và điện giảm 3,2% so với 2% của năm trước.

+ Riêng đối với việc khai thác khí đốt (gas), năm 2012, tổng sản lượng khai thác tiềm năng của Pakistan đạt 27 triệu thùng, với lượng khai thác là 66.032 thùng/ngày. Đối với xăng dầu, 8,3 triệu tấn dầu đã được sản xuất trong nước và nhập khẩu 11,5 triệu tấn dầu từ nước ngoài.

+ 65% điện được tạo ra là từ nhiệt điện.

Về dịch vụ, ngành dịch vụ rất phát triển tại Pakistan, chiếm 57,7% GDP của cả nước, đạt mức tăng trưởng 3,7% trong năm tài khoá 2012-13 (thấp hơn mức 5,3% của năm trước). Ngành này bao trùm các lĩnh vực nhỏ như giao thông vận tải, lưu trữ và viễn thông; thương mại bán buôn và bán lẻ ; tài chính và bảo hiểm; dịch vụ nhà ở; dịch vụ của Chính phủ (quản lý hành chính công và quốc phòng) và các dịch vụ tư khác (dịch vụ xã hội).

Xã hội Pakistan cũng giống như các nước đang phát triển khác là một xã hội có xu hướng tiêu dùng cao. Tiêu dùng trong khu vực tư nhân chiếm 76,9% GDP của cả nước, trong khi tiêu dùng trong khu vực công đạt 10,6% GDP.

Thu nhập trên đầu người tại Pakistan tăng từ 1.323 USD năm 2011-12 lên 1.368 USD năm 2012-13 (tăng 3,4%).

Tổng vốn đầu tư giảm từ 18,7% (năm 2006-2007) xuống còn 14,2% GDP trong năm 2012-13. Đầu tư tư nhân chiếm 8,7% GDP và đầu tư công chiếm 3,9% GDP. Đầu tư nước ngoài của Pakistan đạt 853,5 triệu USD (tính từ tháng 7/2012 đến tháng 4/2013), tăng 29,7% so với năm trước.

Về ngoại thương, năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Pakistan đạt 24,63 tỷ USD gồm các mặt hàng dệt may (sợi, bông, ni-lông...), gạo, sản phẩm da, hoá chất, thảm, chăn màn.... Các đối tác xuất khẩu chính gồm Mỹ (13,3%), Trung Quốc (10,9%), UAE (8,6%), Afghanistan (8,5%).... Pakistan nhập khẩu 39,81 tỷ USD năm 2012 gồm sản phẩm dầu khí, sản phẩm xăng, dầu, máy móc, nhựa, thiết bị vận tải, dầu thực vật, giấy, sắt, thép, chè.... Các đối tác nhập khẩu chính gồm Trung Quốc (19,8%), Ả rập xê út (12%), UAE (11,9%), Cô-oét (6,2%)...

Quan hệ với Việt Nam

Việt Nam và Pakistan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 8/11/1972. Năm 1973, Pakistan lập Đại sứ quán thường trú tại Hà Nội và rút Sứ quán năm 1980 do khó khăn kinh tế. Việt Nam lập Đại sứ quán ở Pakistan năm 1978 và rút sứ quán năm 1984 cũng do khó khăn tài chính. Tháng 10/2000, Pakistan đã mở lại Đại sứ quán và cử Đại sứ thường trú tại Hà Nội. Việt Nam đã mở lại Đại sứ quán tại Islamabad (12/2005) và Văn phòng thương mại tại Karachi (11/2005).

Hai bên đã trao đổi một số đoàn cấp cao.

Về phía Việt Nam: đoàn Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm chính thức Pakistan (2004), đoàn Thứ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng thăm Pakistan (2002), đoàn Thứ trưởng Thương mại Đỗ Như Đính (2003), đoàn Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng (2004), đoàn  Thứ trưởng Công Thương Lê Dương Quang dẫn đầu đoàn sang họp Uỷ ban hỗn hợp (UBHH) lần thứ 2 tại Islamabab, Pakistan (2010).

Về phía Pakistan: năm 2001, Người đứng đầu Cơ quan Hành pháp Mu-sa-ráp đã sang thăm Việt Nam. Thứ trưởng Kinh tế Pakistan Waqar Masood Khan thăm và họp UBHH Việt Nam – Pakistan. Năm 2008, Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện Pakistan đến thăm Việt Nam. Năm 2011, Thứ trưởng Bộ Thương mại Pakistan sang Việt Nam họp Tiểu ban Thương mại hỗn hợp giữa hai nước.

Hainước đã kí kết nhiều Hiệp định, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước như Hiệp định Thương mại; Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định khung về Hợp tác về Khoa học, Công nghệ; Hiệp định về Tham khảo thường niên về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao của hai nước; Hiệp định hợp tác phát triển nghề cá và môi trường thủy sản;Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ; MOU về thành lập Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam- Pakistan; MOU về hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung Ương Pakistan.

Về thương mại, Pakistan có nhu cầu lớn về một số mặt hàng của Việt Nam như chè, hải sản, tiêu, cao su, sản phẩm dệt may, máy móc thiết bị ... Quan hệ thương mại hai nước trong thời gian qua đã có bước phát triển tích cực. Đây là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam tại khu vực Nam Á, chỉ sau Ấn Độ.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2012 trao đổi thương mại song phương đạt 390,6 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 174,8 triệu USD hàng hóa các loại, tăng 3,8% so với năm 2011 và kim ngạch nhập khẩu đạt 215,8 triệu USD, tăng 38%. Việt Nam xuất khẩu cho Pakistan chủ yếu là các mặt hàng chè, hải sản, tiêu, nguyên phụ liệu thuốc lá, hoá chất, thuốc trừ sâu và nguyên liệu,... và nhập khẩu vải, bông, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, sợi, tân dược, thức ăn gia súc & nguyên liệu...

Tính đến 7 tháng năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chỉ tăng 4%, đạt 99,5 triệu USD, trong đó kim  ngạch xuất khẩu chè đạt 19,5 triệu USD, mặt hàng xơ, sợi dệt đạt 15,5 triệu USD, hạt tiêu 11 triệu USD, thủy sản 6,2 triệu  USD, cao su 8,5 triệu USD, sắt thép 0,5 triệu USD….Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam giảm mạnh đạt 79,1 triệu USD (giảm 40,9%) so với cùng kỳ năm 2012, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là vải các loại 19,6 triệu USD, bông các loại đạt 14,7 triệu USD, nguyên phụ liệu dệt may 11,4 triệu USD, xơ sợi dệt 10,4 triệu USD, dược phẩm 11,2 triệu USD…

Nguyên nhân chủ yếu của việc nhập khẩu sụt giảm mạnh trong kỳ là do lượng bông nhập khẩu giảm cả về lượng lẫn giá trị, trong đó khối lượng nhập khẩu chỉ đạt 9.035 tấn, giảm hơn 4,4 lần và kim ngạch nhập khẩu đạt 14,7 triệu USD, giảm hơn 5,5 lần so với cùng kỳ năm trước.         

Một số địa chỉ hữu ích:

1. Đại sứ quán Việt Namtại Pakistan, kiêm nhiệm Afghanistan

Địa chỉ: Số nhà 117, Phố 11, Khu E-7, Islamabad, Pakistan

Điện thoại: 00 92 51 2655785/2655787
Fax:           00 92 51 2655783

Email:vnemb.pakistan@yahoo.com

Website:http://www.vietnamembassy-pakistan.org/

2. Thương vụ Đại sứ quán Việt NamtạiPakistan

Địa chỉ : Plot No.7-B/II, 11th South Street, Phase-II (Ext.). Defence Housing Authority, Karachi, Pakistan
Điện thoại : (922)158-05193
Fax :(922)158-05194
Email : pk@moit.gov.vn;

3. Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Pakistan

(The Federation of Pakistan Chambers of Commerce and Industry FPCCI)

Địa chỉ:1st Floor, Chamber House, G-8/1, Aiwan-e-Sanat-o-Tijarat Road, Islamabad

Tel:+ 051-2251891-93;

Fax:+051-2251894

Email : fpcci.isb@cyber.net.pk

Website:http://fpcci.org.pk/

 


Lượt xem: 648

Thống kê truy cập

Đang truy cập:606

Tổng truy cập: 18379832