Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ CÁC NGUY CƠ ĐỨT GÃY CHUỖI SẢN XUẤT TRONG CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

2023-11-20 15:05:00.0

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ CÁC NGUY CƠ ĐỨT GÃY CHUỖI SẢN XUẤT TRONG CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Chuỗi cung ứng toàn cầu có vai trò quan trọng, là phương thức không thể thiếu, được ví như "huyết mạch" của kinh tế thế giới. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Thời gian qua, rất nhiều các chính sách, chương trình được xây dựng, triển khai nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, hình thành các chuỗi cung ứng, nhằm đẩy mạnh hơn nữa quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Hiện nay, trong xu hướng điều chỉnh và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có một số lợi thế để tranh thủ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng: là thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương quan trọng; có môi trường vĩ mô, tình hình chính trị ổn định, nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng; môi trường kinh doanh ngày càng hoàn thiện, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện… là cơ hội lớn để Việt Nam thu hút các tập đoàn lớn, tập đoàn công nghệ cao có nhu cầu dịch chuyển sản xuất và chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.  Hiện tại, Bình Dương đã phát triển 29 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 12.663 ha (tỷ lệ cho thuê đất đạt 91,1%) và 12 CCN với tổng diện tích 790ha (tỷ lệ cho thuê đất đạt 67,4%). Với những lợi thế và sự tích cực chủ động trong quy hoạch phát triển KT-XH nêu trên, những năm gần đây Bình Dương luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về tăng trưởng, phát triển kinh tế, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tuy nhiên, trong năm 2022, 2023 tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường; nhiều diễn biến chưa từng có nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo như Xung đột Nga – Ukraine; Lạm phát tăng mạnh ở nhiều quốc gia, xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa; Trong nước, áp lực lạm phát tăng cao, giá xăng, dầu, nguyên, vật liệu, các yếu tố đầu vào biến động mạnh; Thiếu đơn hàng xuất khẩu đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì sản xuất kinh doanh, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương 10 tháng đầu năm 2023 đã đạt được kết quả khả quan, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định, cụ thể: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt mức tăng trưởng 4,2%; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,2%; Kim ngạch xuất khẩu đạt 25,3 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 18,1 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 7,2 tỷ USD; Thu hút đầu tư FDI đạt 1,3 tỷ USD.

Đạt được những kết quả trên có sự đóng góp rất lớn của toàn ngành công nghiệp. Ngành công nghiệp tỉnh Bình Dương mặc dù vẫn duy trì mức tăng trưởng (10 tháng năm 2023: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,2%; Tăng trưởng bình quân giá trị gia tăng ngành công nghiệp (VACN) giai đoạn 2016-2020 đạt 7,28%; VACN tỉnh Bình Dương trong vùng KTTĐPN chiếm tỷ trọng 24,09%); tuy nhiên, ngành công nghiệp Bình Dương chủ yếu phát triển theo chiều rộng, dựa trên số lượng, trong đó, đóng góp của các ngành công nghệ cao trong VACN toàn ngành công nghiệp còn thấp (24,7%), các ngành công nghiệp công nghệ thấp, thâm dụng lao động vẫn trong chiếm tỷ trọng cao (hơn 50%).  Đặc biệt, các ngành công nghiệp công nghệ thấp, thâm dụng lao động như Chế biến gỗ, dệt may, da giày… là các ngành dễ bị tác động, ảnh hưởng của kinh tế thế giới. Qua khảo sát các doanh nghiệp và Hiệp hội thuộc ngành Chế biến gỗ, Dệt may, Da giày, 10 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, đơn hàng xuất khẩu giảm 40-50%, vốn lưu động của các doanh nghiệp thiếu nghiêm trọng do khách hàng chậm thanh, hoặc đơn hàng đã hoàn thành nhưng khách hàng yêu cầu xuất sau thời điểm dự kiến ban đầu, làm cho hàng hóa tồn kho nhiều…

Để khắc phục những hạn chế đó, tỉnh Bình Dương định hướng phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2030 theo hướng chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp sang các ngành, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; dịch chuyển lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị của từng phân ngành công nghiệp. Duy trì có chọn lọc các lĩnh vực công nghiệp thâm dụng lao động, tài nguyên, gắn với tăng cường cải tiến quy trình công nghệ, tăng khả năng tự động hóa, thân thiện môi trường. Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng tính tự chủ của toàn ngành công nghiệp và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó việc liên kết vùng, liên kết ngành, đưa ra các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn giúp các doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng nền công nghiệp tự chủ, phát triển bền vững. Các giải pháp được đưa ra như:

Một là, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ để đảm bảo công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phát triển nhanh, đồng bộ và thực chất, bởi vì khi CNHT mạnh sẽ giúp tăng khả năng thu hút FDI, đẩy mạnh tiếp nhận chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.

Hai là, có cơ chế ưu đãi về vốn vay để xây dựng các trung tâm (chợ) đầu mối nhập khẩu và cung ứng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đối với một số ngành hàng mà từng tỉnh có lợi thế.

Ba là, có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Bốn là, thúc đẩy phát triển liên kết vùng, liên kết ngành công nghiệp giữa các địa phương.

Bên cạnh những giải pháp trên, nhằm hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1586/QĐ-UBND ngày 21/6/2023 về việc thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Hàng tuần Ban Chỉ đạo thường xuyên tổ chức họp đế giải quyết các vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như chứng nhận đầu tư, thủ tục về đất đai, môi trường, xăng dầu, đầu tư hạ tầng cấp điện, điện mặt trời mái nhà, đầu tư hạ tầng chợ, v.v…

Ngoài ra, với vai trò tham mưu UBND tỉnh trong lĩnh vực ngành Công Thương, trong năm 2023, Sở Công Thương đã triển khai các nhiệm vụ để hỗ trợ các doanh nghiệp, các hiệp hội như sau: hỗ trợ về chính sách khuyến công, về công tác xúc tiến thương mại; về cải cách hành chính, chuyển đổi số... nhằm góp phần thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh được ổn định và bền vững.


Đại Dương – P.QLCN

Lượt xem: 2939

Thống kê truy cập

Đang truy cập:539

Tổng truy cập: 18399149