Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Thực trạng làng nghề gỗ trong bối cảnh hội nhập

2018-03-06 11:00:00.0

Hiện nay, hoạt động của các hộ sản xuất kinh doanh tại một số làng nghề gỗ còn mang đậm tính tự phát, hiểu biết về các quy định pháp lý còn khiêm tốn, thiếu thông tin về cơ chế chính sách… Những hạn chế này đã và đang cản trở quá trình hội nhập của các làng nghề gỗ.

Thực trạng

Nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu gỗ bất hợp pháp vào Cộng đồng Châu Âu (EU) năm 2003 EU đưa ra Kế hoạch Hành động Tăng cường Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản, gọi tắt 3 là FLEGT Action Plan.

 Kế hoạch bao gồm một số biện pháp, trong đó có Hiệp định Đối tác tự nguyện (Voluntary Partnership Agreements, VPA). Đây là Hiệp định song phương, được hình thành dựa trên kết quả đàm phán giữa EU và chính phủ của quốc gia đối tác xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào EU. Khi Hiệp định VPA được kí kết, các quốc gia đối tác cần thiết kế và thực hiện các biện pháp và chính sách, hay còn gọi là Hệ thống Đảm bảo tính hợp pháp của gỗ (Timber Legality Assurance System, TLAS), nhằm đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu từ quốc gia này vào EU là sản phẩm hợp pháp.

VPA áp dụng một định nghĩa rộng về tính hợp pháp của gỗ, theo đó các sản phẩm gỗ tiêu thụ trên thị trường được coi là hợp pháp nếu quá trình khai thác gỗ, chế biến, thương mại… tuân thủ toàn bộ các quy định của quốc gia đối tác, bao gồm cả các quy định về môi trường, trách nhiệm về thuế, phí, sử dụng lao động, an toàn trong lao động… Tính về kim ngạch EU là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ quan trọng thứ 3 của Việt Nam.

Hàng năm, Việt Nam thu được trên dưới 800 triệu đô la (USD) từ các sản phẩm gỗ xuất khẩu vào thị trường này. Nhằm duy trì sự ổn định và với kỳ vọng mở rộng thị trường này trong tương lai, Chính phủ Việt Nam đã chính thức tham gia đàm phán VPA với EU năm 2010. Tiến trình đàm phán kết thúc vào cuối năm 2016, với Hiệp định được EU và Chính phủ Việt Nam kí tắt vào tháng 5 năm 2017. Bản VPA đã được ký tắt giữa EU và Việt Nam quy định rõ Hệ thống TLAS sẽ áp dụng cho tất cả các tổ chức và hộ gia đình, cho cả các sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Điều này có nghĩa rằng trong tương lai, khi hệ thống TLAS chính thức đi vào hoạt động, tất cả các hộ gia đình tham gia chuỗi cung cũng cần đảm bảo các sản phẩm của mình là sản phẩm hợp pháp.

Việt Nam có khoảng trên 300 làng nghề gỗ, với hàng chục ngàn hộ gia đình và hàng trăm ngàn lao động đang trực tiếp tham gia các khâu của quá trình sản xuất, chế biến và cung các sản phẩm gỗ cho thị trường xuất khẩu và nội địa. Khi hệ thống VNTLAS được đưa vào vận hành, toàn bộ các hộ gia đình của làng nghề sẽ phải tuân thủ các yêu cầu của Hệ thống này. Thực trạng của các hộ thuộc làng nghề khó có khả năng đáp ứng được với các yêu cầu của VPA trong tương lai.

Nguyên liệu, sản phẩm và thị trường tiêu thụ:

 Các làng sử dụng chủng loại gỗ nguyên liệu khác nhau để tạo ra sản phẩm đa dạng, phục vụ các nhóm đối tượng khách hàng khác nhau. Quy trình sản xuất chế biến các sản phẩm tại các làng này thường trải qua nhiều công đoạn và tốn nhiều công lao động. Các sản phẩm xuất khẩu (Trung Quốc) thường có mẫu mã và chất lượng cao hơn so với các sản phẩm tiêu thụ nội địa. Hàng năm các làng nghề sử dụng một lượng gỗ nguyên liệu rất lớn, khoảng 30.000 - 50.000 m3. Rủi ro về tính phát lý của nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào tại các làng nghề là rất lớn. Các hộ kinh doanh gỗ nguyên liệu và hộ gia đình sản xuất chế biến đồ gỗ thiếu các bằng chứng về tính hợp pháp của gỗ, ví dụ về nguồn gốc, chủng loại, hóa đơn bán hàng, các loại giấy phép khai thác, vận chuyển, thuế… Quy định của luật pháp hiện hành đã yêu cầu các bằng chứng về tính hợp pháp của gỗ, tuy nhiên các yêu cầu này chưa được thực hiện tại các làng nghề. Điều này có thể là do chưa được tiếp cận với các thông tin yêu cầu này. Nhiều loại giấy tờ mà luật pháp yêu cầu rất khó hoặc thậm chí không có thể có được và rủi ro liên quan đến các loại giấy tờ giả là rất lớn.

Đến nay, ngoại trừ các sản phẩm xuất khẩu đòi hỏi cần có một số loại giấy tờ, hầu hết người mua nội địa không quan tâm đến tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu của sản phẩm; điều này làm cho các hộ kinh doanh và chế biến sản phẩm không quan tâm đến bằng chứng về tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu. Theo khảo sát, chỉ có 27% số sản phẩm được các hộ bán ra có một số giấy tờ, minh chứng một số khía cạnh về tính hợp pháp của sản phẩm, trong đó 26% là hóa đơn bán hàng và 1% là xác nhận của cơ quan kiểm lâm về nguồn gốc gỗ nguyên liệu. Điều này làm sản sinh các rủi ro về tính hợp pháp của sản phẩm gỗ giao dịch trên thị trường.

Các yêu cầu trong khuôn khổ VPA:

 Các sản phẩm gỗ của các làng nghề, bao gồm các sản phẩm xuất khẩu và các sản phẩm tiêu thụ trong nước là đối tượng điều chỉnh của FLEG VPA. Cụ thể, điều 13 của Hiệp định VPA được EU và Chính phủ Việt Nam kí tắt nêu rõ: “…Việt Nam xác minh tính hợp pháp của các sản phẩm gỗ được xuất khẩu sang thị trường ngoài Liên minh [EU] và các sản phẩm gỗ được tiêu thụ tại thị trường trong nước.” Việc thực hiện VPA trong tương lai có thể sẽ có những tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ thuộc làng nghề.

  • Tuân thủ các quy định về mua bán, vận chuyển gỗ chưa qua chế biến, có nguồn gốc khai thác, tận thu từ rừng tự nhiên trong nước. Tiêu chí này quy định hộ mua bán, vận chuyển… loại gỗ này cần có hóa đơn theo quy định của bộ tài chính (nếu hộ mua gỗ từ tổ chức), có bảng kê lâm sản, có dấu búa kiểm lâm đối với gỗ có đường kình lớn, có biên bản xác nhận đóng dấu búa kiểm lâm….

Đối với việc lưu thông các mặt hàng gỗ sau chế biến, có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, gỗ nhập khẩu, gỗ rừng trồng... Cần tuân thủ quy định về hồ sơ hợp pháp (mua bán có hóa đơn của bộ tài chính, có bảng kể lâm sản, có biên bản của kiểm lâm). Các giao dịch hiện nay trong làng nghề, bao gồm cả giao dịch giữa các hộ kinh doanh nguyên liệu gỗ và các hộ chế biến, giữa các hộ chế biến và người mua sản phẩm gỗ là các giao dịch phi chính thức. Các giao dịch này không có bằng chứng hoặc giấy tờ nào minh chứng cho tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu và các sản phẩm sau chế biến. Điều này có nghĩa rằng với tình trạng sản xuất kinh doanh như hiện nay, hầu hết các hộ tại làng nghề không thể đáp ứng được.

Tuân thủ quy định về hoạt động đối với cơ sở chế biến. Việc tuân thủ bao gồm tuân thủ quy định về phóng cháy, chữa cháy (có thiết kế và thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy, tuân thủ các quy định về công tác an toàn, vệ sinh lao động, có nội quy về an toàn lao động).

· Tuân thủ quy định về mua bán, vận chuyển gỗ chưa qua chế biến, có nguồn gốc khai thác từ rừng trồng, vườn nhà, trang trại và cây trồng phân bón.

Tuân thủ các quy định về nguồn gốc gỗ hợp pháp đưa vào chế biến (bao gồm tuân thủ với các quy định về hồ sơ gỗ hợp pháp đối với gỗ khai thác từ rừng của hộ gia đình, gỗ mua bán của các tổ chức, gỗ mua bán từ các hộ gia đình khác, gỗ khai thác từ rừng tự nhiên, gỗ nhập khẩu). Nhìn chung, hồ sơ hợp pháp bao gồm hóa đơn tài chính theo quy định của Bộ Tài chính, bảng kê lâm sản, và biên bản xác nhận của kiểm lâm. Tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất diễn ra phổ biến và trở thành nghiêm trọng tại hầu hết các làng nghề. Thiếu không gian sản xuất dẫn đến việc sử dụng không gian sinh hoạt hàng ngày của hộ làm cơ sở sản xuất. Điều này dẫn đến hệ lụy là hầu hết các hộ không biết và không tuân thủ những quy định về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn lao động.

Với thực trạng của hộ như hiện nay, việc yêu cầu hồi xác định hồ sơ hợp pháp đối với nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào và sản phẩm gỗ đầu ra là điều vô cùng khó khăn

 · Tuân thủ quy định về mua bán, vận chuyển gỗ, sản phẩm gỗ nhập khẩu chưa qua chế biến trong nước.

Quan tâm hơn tới thị trường nội địa

Ước tính thị trường nội địa chiếm khoảng 40% tổng giá trị thương mại của đồ gỗ Việt Nam, cơ cấu sản phẩm gỗ tham gia thị trường nội địa là 40% cho xây dựng, 30% cho tiêu dùng nông thôn và 30% phục vụ cho nhu cầu của cư dân thành thị. Rõ ràng đây là một thị trường không nhỏ để các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng để gia tăng doanh thu và thị phần. Tuy nhiên, vì mải mê chạy theo xuất khẩu, mà các doanh nghiệp gỗ trong nước đang bỏ quên chính sân nhà của mình. 

Bình quân mỗi hộ gia đình ở Việt Nam cần mua sắm đồ gỗ với khoảng 6 triệu đồng/hộ/năm. Nhu cầu đồ gỗ cho các khách sạn, văn phòng cho thuê và các khu đô thị mới cũng có xu hướng tăng nhanh… cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường gỗ nội địa. Điều nghịch lý chí là sản phẩm gỗ được đánh giá rất cao tại thị trường xuất khẩu nhưng lại bị người tiêu dùng trong nước quay lưng. Thị phần gỗ nội địa hiện nay đang vào tay các doanh nghiệp Thái Lan, Malaixia, Indonesia, Nhật. Thị trường đồ gỗ nội địa hầu như phó mặc cho làng nghề, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vào phân khúc đồ gỗ nội thất, mỹ nghệ và xây dựng. Nhưng chất lượng lại không đồng đều, mẫu mã hạn chế khiến đồ gỗ nội khó thu hút được người tiêu dùng. 

Sản phẩm gỗ xuất khẩu phải theo qui chuẩn chất lượng, kỹ thuật của bên yêu cầu nhập khẩu nên chất lượng sản phẩm rất cao. Còn ở thị trường nội địa vẫn còn quen với cung cách sản xuất cũ, ít cập nhật xu thế tiêu dùng, sử dụng sản phẩm mới nên tụt hậu so với thị trường xuất khẩu. Hiện nay một số doanh nghiệp bắt đầu quan tâm nhiều hơn thị trường trong nước, với việc mở các showroom quảng bá, giới thiệu sản phẩm gỗ đến tay người tiêu dùng. Nếu khai thác tốt thị trường này, doanh nghiệp sẽ có cơ hội rất lớn để gia tăng doanh thu. Nhu cầu đồ gỗ trong nước đang có sự gia tăng nhanh chóng, ước tính doanh thu từ thị trường nội địa của ngành gỗ đạt khoảng 3 tỷ USD/năm. 


Lượt xem: 1039

Thống kê truy cập

Đang truy cập:1108

Tổng truy cập: 18466134