Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Thực hiện Chương trình 23 của Tỉnh ủy: Huy động tốt các nguồn lực để đầu tư phát triển

2019-05-30 14:11:00.0

Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình 23-CTr/ TU ngày 16-8-2016 của Tỉnh ủy (Chương trình 23 TU) về huy động và phát huy các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần quan trọng để tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Punch Industry Manufacturing Việt Nam (KCN Mỹ Phước III, TX.Bến Cát). Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

Nhiều nguồn lực tham gia

Trên cơ sở Chương trình 23 TU, ngày 23-1-2017 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 150/ QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện. Theo đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện triển khai thực hiện nhằm hoàn thành các mục tiêu mà chương trình đã đề ra. Trên cơ sở đó, các ngành, các cấp đã cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình thông qua việc xây dựng các kế hoạch, đề án phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị.

Kết quả cho thấy, chỉ sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình 23 TU, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2018 của tỉnh đạt 245.311 tỷ đồng, tăng 11,8% mỗi năm, trong đó vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là 122.020 tỷ đồng, chiếm 49,7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh, vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu là 39,8%).

Bên cạnh đó, triển khai Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30- 5-2008 và Nghị định số 59/2014/ NĐ-CP của Chính phủ, tỉnh đã hướng dẫn trình tự thực hiện xã hội hóa trên địa bàn; cùng với đó xây dựng danh mục các dự án thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho các nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho 7 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao.

Trong công tác kêu gọi nguồn vốn đầu tư xã hội hóa của tỉnh, nổi bật có nguồn vốn để đầu tư nhà ở xã hội. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Bình Dương là một trong những điểm sáng về công tác huy động nguồn lực để đầu tư nhà ở xã hội. Qua đó, không chỉ bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong tỉnh mà còn là một thực tiễn sinh động, một bài học quý giá cho các địa phương khác trong cả nước noi theo.

Đến nay, tổng diện tích sàn nhà ở xã hội của Bình Dương đạt khoảng 925.000m2. Bên cạnh Tổng Công ty Becamex IDC, hiện đã có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư phân khúc này trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2018 tỉnh đã phê duyệt Đề án nhà ở xã hội - Nhà ở công nhân Becamex (giai đoạn 2018- 2021) với tổng diện tích xây dựng khoảng 1,82 triệu m2, góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho thuê, nâng cao chất lượng nhà ở cho người lao động làm việc trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, mạng lưới tín dụng trên địa bàn tỉnh cũng đã góp phần đáp ứng nhu cầu về tiền tệ, tín dụng, thanh toán cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn. Công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển các dịch vụ tiện ích, nâng cao chất lượng và đầu tư, đổi mới công nghệ. Đây cũng là một trong những nhân tố thúc đẩy việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh.

Thu hút mạnh vốn FDI

Giai đoạn 2016-2018, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp của tỉnh đạt 9.139,5 tỷ đồng. Hiện toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp, trong đó có 27 khu đã đi vào hoạt động, với diện tích 12.753 ha, tỷ lệ cho thuê đạt trên 80% và 12 cụm công nghiệp với diện tích 900 ha, tỷ lệ cho thuê đạt 70%.

Với lợi thế hạ tầng khu, cụm công nghiệp hiện đại, cơ bản hoàn chỉnh, từ năm 2016 đến nay, mỗi năm Bình Dương thu hút hơn 2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Từ năm 2016 đến ngày 15- 4-2019, toàn tỉnh đã thu hút được 8 tỷ USD vốn FDI, vượt 14,9% kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2016- 2019. Như vậy, tính đến nay, Bình Dương thu hút trên 3.500 dự án FDI từ 64 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 33,2 tỷ USD, trở thành địa phương đứng thứ 3 cả nước về thu hút FDI.

Điều đáng mừng, đa số dự án FDI đầu tư vào tỉnh được bố trí vào các khu, cụm công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư. Nhiều khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có hạ tầng đồng bộ, hiện đại và đã triển khai 100% cơ sở hạ tầng để thu hút nhà đầu tư vào hoạt động, điển hình như các KCN Việt Nam - Singapore 1 và 2, Bàu Bàng, Tân Bình, Nam Tân Uyên... Đáng chú ý, trong giai đoạn từ 2016 đến nay, vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, chế biến chế tạo đạt trên 6,8 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng vốn FDI đăng ký trong giai đoạn này.

Các dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn đều được cấp phép đúng định hướng kêu gọi đầu tư của tỉnh là tập trung vào các nhà đầu tư lớn, sản phẩm là nguyên liệu cung cấp cho các ngành công nghiệp, góp phần đưa cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng định hướng với công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo. Cùng với đó, các doanh nghiệp FDI đã tham gia và thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Điều này được thực hiện thông qua việc chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất của các doanh nhiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng nguồn vốn FDI còn là một nguồn lực to lớn giúp cho đô thị Bình Dương ngày càng phát triển mạnh mẽ, theo hướng văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân.

Kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm, thí điểm; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, chỉ đạo trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao. Một trong những giải pháp không kém phần quan trọng trong tỉnh thời gian tới là làm tốt việc lựa chọn nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công có năng lực, kinh nghiệm, kiểm soát tốt chất lượng trong quá trình thi công công trình để tối ưu hóa nguồn vốn xã hội hóa.

Nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách Nhà nước

Bên cạnh việc huy động và phát huy mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, thời gian qua Bình Dương rất quan tâm nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Theo đó, hàng năm, tỉnh tập trung chỉ đạo rà soát, quản lý chặt nguồn thu, các khoản thu bảo đảm thu đúng, thu đủ theo quy định; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai thực hiện các chính sách theo quy định của Trung ương như tiết kiệm 10% chi phí thường xuyên, ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Trong giai đoạn 2016-2019, ngân sách địa phương cân đối, bố trí kế hoạch vốn đầu tư công là 25.000 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân đến kỳ báo cáo đạt 61%. Cùng với đó, tỉnh đã kiến nghị bộ, ngành Trung ương xem xét, cân đối bổ sung các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 289 công trình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách hoàn thành, đưa vào sử dụng. Cũng trong giai đoạn 2016-2019, tỉnh đã cấp vốn tín dụng đầu tư phát triển cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng là 1.570 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục cấp vốn tín dụng phát triển hạ tầng thêm 1.900 tỷ đồng.

 KHÁNH VINH

Chia sẻ


Lượt xem: 436

Thống kê truy cập

Đang truy cập:437

Tổng truy cập: 18664275