Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Thừa cung khiến trái phiếu điện mặt trời rủi ro hơn

2021-03-08 13:39:00.0

(TBKTSG Online) - Lượng vốn huy động từ trái phiếu của các dự án điện mặt trời tăng gấp 3 lần trong năm 2020, trong bối cảnh nguồn cung điện từ năng lượng tái tạo này đang ở mức dư thừa.

Một cánh đồng điện mặt trời ở Ninh Thuận. Ảnh minh họa: TTXVN.

Báo cáo về thị trường trái phiếu của Công ty chứng khoán SSI mới đây cho biết trong năm 2020, nhóm lĩnh vực năng lượng và khoáng sản huy động 40.600 tỉ đồng từ trái phiếu doanh nghiệp, cao gấp 3 lần so với lượng phát hành trong năm 2019, nâng tỷ trọng trên tổng mức phát hành trên toàn thị trường tăng từ mức 4,3% lên 9%.

Cụ thể hơn, nhóm doanh nghiệp năng lượng phát hành 35.700 tỉ đồng (chiếm tỷ trọng 88% và tăng 274% so với 2019), còn các doanh nghiệp khoáng sản chỉ phát hành 4.900 tỉ đồng (tăng 57,3% so với 2019).

Trong số doanh nghiệp năng lượng, tăng mạnh nhất là nằm ở các dự án điện mặt trời, với số vốn huy động tăng từ 8.430 tỉ đồng lên 29.900 tỉ đồng trong năm 2020. Điển hình như tập đoàn Xuân Thiện phát hành 12.710 tỉ đồng cho 8 công ty ở nhiều địa phương khác nhau; tiếp theo là Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (6.373 tỉ đồng), Công ty Đầu tư Năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn (2.480 tỉ đồng).

Khu vực Ninh Thuận được xem là nơi thu hút vốn trái phiếu năng lượng mặt trời nhiều nhất, với gần 20.000 tỉ đồng vốn trái phiếu trong cả năm 2019 và 2020, tiếp theo là các dự án ở DakLak, Bình Thuận.

Năm 2020, ngành điện đã chứng kiến sự tăng trưởng đột biến của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời áp mái. Đánh giá của Công ty chứng khoán SSI cho biết việc cắt giảm sản lượng năng lượng tái tạo có thể làm gia tăng rủi ro với nhóm trái phiếu điện mặt trời.

Theo EVN, tại thời điểm cuối năm 2020, 25% tổng công suất điện toàn quốc đến từ năng lượng mặt trời, tương ứng 16,5 GW (trong đó khoảng 7,9 GW đến từ năng lượng mặt trời áp mái và 8,6 GW đến từ triển khai năng lượng mặt trời trên đất liền), cao gấp 3 lần so với năm 2019 (5,2 GW).

“Điều quan trọng là công suất hiện tại từ nhà máy điện mặt trời đã vượt công suất yêu cầu trong năm 2025 (12,5 GW). EVN dự kiến cắt giảm khoảng 1,3 tỉ KWh năng lượng tái tạo trong năm 2021”, báo cáo của SSI đánh giá. Trong năm 2020, EVN đã phải cắt giảm 365 triệu KWh điện mặt trời do quá tải lưới nội vùng, chủ yếu ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền Trung.

Trở lại câu chuyện trái phiếu, tính chung năm 2020, các doanh nghiệp phát hành tổng cộng 455.000 tỉ đồng, tăng 48,4% so với lượng phát hành năm 2019. Trong đó, lượng phát hành riêng lẻ chiếm đến 94,8%. Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành ước tính khoảng 960.000 tỉ đồng, tăng 39,7% so với cuối 2019.

Lĩnh vực phát hành trái phiếu nhiều nhất là bất động sản (chiếm 40,1%, tăng so với mức 39,6% trong năm 2019). Tiếp theo là nhóm ngân hàng nhưng tỷ trọng đã thu hẹp đáng kể từ mức 38,5% xuống còn 28,7%.

Chịu tác động của Nghị định 81, lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành giảm tốc khá mạnh trong nửa cuối năm 2020. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp dự kiến tiếp tục duy trì trong nửa đầu năm 2021 sẽ tiếp tục giữ thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. "Thị trường TPDN sẽ giảm nhiệt so với 2020 nhưng vẫn rất sôi động và môi trường lãi suất thấp vẫn là động lực cơ bản”, SSI đánh giá.

Bùng nổ nguồn cung, gặp khó vận hành
Thông cáo của EVN vào đầu năm nay cũng nói rõ, nếu căn cứ số liệu thống kê là tổng công suất điện mặt trời chiếm khoảng 25% công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống nhưng với đặc điểm tự nhiên của điện mặt trời là phụ thuộc lớn vào thời gian nắng trong ngày, có nghĩa là nắng mạnh thì phát nhiều điện và tắt nắng thì không phát điện cũng đã bộc lộ những khó khăn, bất cập trong vận hành hệ thống điện.
Theo EVN, tỷ trọng của các nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện ngày càng tăng và kèm theo đó là tính bất ổn định trong vận hành cũng gia tăng tương ứng, cộng thêm nhiều nguyên nhân khách quan bất lợi như: (i) Phụ tải tăng trưởng thấp hơn dự kiến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; (ii) Chênh lệch giữa phụ tải cao điểm và thấp điểm trong ngày rất lớn; (iii) Phụ tải cao điểm buổi chiều có công suất lớn nhưng không còn điện mặt trời hỗ trợ dẫn đến nhiều khó khăn cho công tác điều độ hệ thống điện.
Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã mang lại sự phát triển bùng nổ đối với năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng ở Việt Nam. 
Theo số liệu cập nhật, đến hết ngày 3112-2020 đã có 101.029 công trình điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.296 MWp. Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ ĐMTMN lũy kế đến nay đã đạt hơn 1,15 tỉ kWh, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Tổng công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước đã đạt tới khoảng 19.400 MWp (trong đó có gần 9.300 MWp là điện mặt trời mái nhà), tương ứng khoảng 16.500 MW - chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện Quốc gia.
Theo số liệu thống kê, toàn bộ sản lượng điện phát từ điện mặt trời trên toàn quốc trong cả năm 2020 là 10,6 tỷ kWh (trong đó riêng điện mặt trời mái nhà là 1,16 tỷ kWh), chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia.

https://www.thesaigontimes.vn/

Lượt xem: 6352

Thống kê truy cập

Đang truy cập:1450

Tổng truy cập: 18661993