Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Thông cáo báo chí về tình hình giá tháng 3 và Quý I năm 2023

2023-04-04 11:09:00.0

Thông cáo báo chí về tình hình giá tháng 3 và Quý I năm 2023

Trong quý I năm 2023, thị trường hàng hóa thế giới chịu tác động đan xen bởi nhiều yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội. Tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina chưa dừng lại, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất ở mức cao, tiêu dùng và các hoạt động kinh tế suy giảm trên diện rộng tại nhiều quốc gia đã tác động đến giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới. Các nhân tố địa chính trị, kinh tế tạo sức ép khác nhau lên giá dầu như lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm dầu của Nga; OPEC+ quyết định giữ nguyên các biện pháp hạn chế sản lượng; dự trữ dầu và các sản phẩm lọc dầu của Mỹ tăng mạnh; Trung Quốc chính thức gỡ bỏ hầu hết các hạn chế xuất nhập cảnh và triển vọng tiêu thụ dầu tích cực tại nước này.

Trước bối cảnh đó, tình hình lạm phát thế giới trong những tháng đầu năm 2023 tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Lạm phát của khu vực đồng Euro tháng 02/2023 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát của Mỹ tăng 6% và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Tại châu Á, lạm phát tháng 02/2023 của Trung Quốc tăng 1% so với cùng kỳ năm trước; Thái Lan tăng 3,8%; Hàn Quốc tăng 4,8%; In-đô-nê-xi-a tăng 5,5%; Phi-lip-pin tăng 8,6%; Lào tăng 41,3%. So với các quốc gia, Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Thị trường tiền tệ với tỷ giá ổn định và lãi suất đang có xu hướng giảm. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão, tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động như quy luật hằng năm, nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú, không có hiện tượng khan hiếm hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Chỉ số giá tiêu dùng quý I/2023 tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2022.

PHẦN I: CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG

Giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá xăng dầu, giá gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng Ba tăng 0,74% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,35%. Tính chung quý I/2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 5,01%.

I. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG THÁNG 3/2023

So với tháng trước, CPI tháng 3/2022 giảm 0,23% (khu vực thành thị giảm 0,15%; khu vực nông thôn giảm 0,31%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 5 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 6 nhóm hàng giảm giá.

Diễn biến giá tiêu dùng tháng 3/2023 so với tháng trước của một số nhóm hàng chính như sau:

1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-0,58%)

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 3/2023 giảm 0,58% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,28%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm; thực phẩm giảm 1%, tác động giảm 0,21 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,11%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm.

1.1. Lương thực (+0,28%)

Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 3/2023 tăng 0,28% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,27% (Gạo tẻ thường tăng 0,42%; gạo tẻ ngon giảm 0,27%). Giá gạo tại miền Bắc tương đối ổn định, nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu. Tại miền Nam, giá gạo tăng do nhu cầu nhập khẩu gạo để dự trữ của các nước trước bất ổn về kinh tế, chính trị, biến đổi khí hậu và nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia.

Trong tháng, giá gạo tẻ thường dao động từ 13.000-16.500 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 18.800-22.500 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 19.800-21.000 đồng/kg; giá gạo nếp từ 25.000-35.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, giá bột ngô tháng Ba tăng 0,73% so với tháng trước; mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 0,71%; bột mỳ tăng 0,65%; bánh mì tăng 0,36%.

1.2. Thực phẩm (-1%)

Chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 3/2023 giảm 1% so với tháng trước, tập trung ở một số mặt hàng sau:

– Giá thịt lợn tháng Ba giảm 2,58% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,09 điểm phần trăm), trong đó khu vực thành thị giảm 1,72%; khu vực nông thôn giảm 3,15%. Giá thịt lợn giảm do quy luật tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm, giá trở về mức bình thường khi nguồn cung dồi dào do dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động chăn nuôi thuận lợi, các hoạt động vận chuyển, lưu thông thông suốt nên đảm bảo nhu cầu của người dân. Theo đó, giá thịt quay, giò, chả tháng Ba giảm 1% so với tháng trước; mỡ động vật giảm 2,77%.

– Giá thịt gia cầm giảm 0,5% so với tháng trước chủ yếu do nguồn cung bảo đảm, trong đó giá thịt gà giảm 0,74%, thịt gia cầm đông lạnh giảm 0,8%, thịt gia cầm khác tăng 0,21%. Giá trứng giảm 2,64% so với tháng trước do nhu cầu tiêu thụ thấp.

– Thời tiết thuận lợi nên nguồn cung rau dồi dào, giá rau bình quân tháng 3/2023 giảm 3,22% so với tháng trước, trong đó giá đỗ quả tươi giảm 5,57%; su hào giảm 5,3%; rau dạng củ, quả giảm 4,07%; rau gia vị giảm 3,95%; cà chua giảm 3,78%.

– Giá quả tươi và chế biến giảm 0,74% so với tháng trước, trong đó quả có múi giảm 2,75%; chuối giảm 0,77%; táo giảm 0,67%; xoài giảm 0,14%.

Bên cạnh các mặt hàng giảm giá, do giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng làm cho giá sữa, bơ, phô mai bình quân trong tháng tăng 0,55% so với tháng trước; đồ gia vị tăng 0,31%; chè, cà phê, ca cao tăng 0,21%; bánh, mứt, kẹo tăng 0,17%.

1.3. Ăn uống ngoài gia đình (+0,11%)

Chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tháng 3/2023 tăng 0,11% so với tháng trước. Trong đó, giá ăn ngoài gia đình và uống ngoài gia đình cùng tăng 0,1%; đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,18%. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu du xuân lễ hội đầu năm sau dịp Tết Nguyên đán tăng cao.

2. Đồ uống và thuốc lá (-0,05%)

Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 3/2023 giảm 0,05% so với tháng trước do quy luật giảm tiêu dùng sau Tết Nguyên đán. Trong đó, rượu vang giảm 0,33% so với tháng trước; bia các loại giảm 0,15%; thuốc lá giảm 0,1%.

3. May mặc, mũ nón, giày dép (-0,02%)

Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 3/2023 giảm 0,02% so với tháng trước chủ yếu do thời tiết các tỉnh phía Bắc ấm dần lên và nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm. Trong đó, giá găng tay, thắt lưng giảm 0,53% so với tháng trước; bít tất các loại giảm 0,51%; quần áo may sẵn giảm 0,11%. Ở chiều ngược lại, giá giày dép tăng 0,27%; mũ nón tăng 0,11%.

4. Nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,36%)

Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 3/2023 tăng 0,36% so với tháng trước. Diễn biến giá một số mặt hàng tăng trong nhóm như sau:

– Giá thuê nhà tăng 0,19% so với tháng trước do nhu cầu thuê nhà ở tăng.

– Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,97% do giá thép tăng khi giá nguyên liệu từ quặng sắt, thép phế liệu tăng mạnh.

– Giá điện sinh hoạt tăng 0,48% so với tháng trước, giá nước sinh hoạt tăng 2,73%[1] do nhu cầu sử dụng trong tháng tăng cao.

Ở chiều ngược lại:

– Giá dầu hỏa giảm 7,48% so với tháng 02/2023 do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá vào ngày 01/3/2023, 13/3/2022 và 21/3/2023.

– Giá gas giảm 3,3% so với tháng trước do từ ngày 01/3/2023 giá gas trong nước điều chỉnh giảm 16.000 đồng/bình 12 kg, sau khi giá gas thế giới giảm 60 USD/tấn (từ mức 790 USD/tấn xuống mức 730 USD/tấn).

5. Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,14%)

Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 3/2023 tăng 0,14% so với tháng trước. Trong đó, giá quạt điện tăng 0,36%; đèn điện thắp sáng tăng 0,31%; máy hút bụi tăng 0,28%; giường, tủ, bàn, ghế tăng 0,26%; máy in, máy chiếu, máy quét tăng 0,21%; xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,18%. Ở chiều ngược lại, giá ấm, phích nước điện giảm 0,4%; đồng hồ treo tường và gương treo tường giảm 0,08%; đồ nhựa và cao su giảm 0,07%.

6. Giao thông (-0,16%)

Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 3/2023 giảm 0,16% so với tháng trước, tập trung vào những mặt hàng sau:

– Giá xăng, dầu giảm 0,36% so với tháng trước tác động làm CPI chung giảm 0,01 điểm phần trăm do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá vào ngày 01/3/2023, 13/3/2023 và 21/3/2023.

– Giá vận tải hành khách bằng đường bộ giảm 0,03% so với tháng trước, giá vận tải đường sắt giảm 24,78%.

Ở chiều ngược lại, giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,06%; phí thuê ô tô, xe máy tự lái tăng 0,08%; phí học bằng lái xe tăng 0,35%.

7. Giáo dục (-1,71%)

Chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 3/2023 giảm 1,71% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,11 điểm phần trăm, trong đó nhóm dịch vụ giáo dục giảm 1,95%. Nguyên nhân chủ yếu do ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân nên một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.

8. Văn hóa, giải trí và du lịch (+0,13%)

Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng Ba tăng 0,13% so với tháng trước do giá khách sạn, nhà khách tăng 0,16%, giá du lịch trọn gói tăng 0,18%; xem phim, ca nhạc tăng 0,38%; thiết bị, dụng cụ thể thao tăng 0,36%.

9. Hàng hóa và dịch vụ khác (+0,21%)

Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 3/2023 tăng 0,21% so với tháng trước. Trong đó, giá nhóm dịch vụ cắt tóc gội đầu tăng 0,66%; vật dụng và dịch vụ về cưới hỏi tăng 0,38%; dao cạo râu, bàn chải đánh răng, kính mát tăng 0,23%; vật dụng và dịch vụ thờ cúng tăng 0,2%; túi xách, vali, ví tăng 0,16%.

10. Chỉ số giá vàng (-0,56%)

Giá vàng trong nước biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới biến động tăng do giới đầu tư tài chính lo ngại rủi ro sẽ lan rộng từ sự sụp đổ một số ngân hàng trên thế giới. Tính đến ngày 25/3/2023, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1902,44 USD/ounce, tăng 2,37% so với tháng 02/2023.

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 3/2023 giảm 0,56% so với tháng trước; tăng 0,87% so với tháng 12/2022, giảm 2,36% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2023, chỉ số giá vàng trong nước tăng 1,25%.

11. Chỉ số giá đô la Mỹ (+0,47%)

Đồng đô la Mỹ tháng 3/2023 trên thị trường thế giới tăng sau khi FED thông báo nâng lãi suất tham chiếu thêm 0,25 điểm phần trăm đưa mức lãi suất lên mức 4,75%-5% và chỉ số giá tiêu dùng tháng 02/2023 của Mỹ được công bố. Tính đến ngày 25/3/2023, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 103,93 điểm, tăng 0,5% so với tháng trước.

Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.862 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2023 tăng 0,47% so với tháng trước; giảm 1,39% so với tháng 12/2022, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2023, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước tăng 3,45%.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3/2023 tăng 3,35%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm hàng tăng giá và 2 nhóm hàng giảm giá.

Các nhóm hàng tăng giá:

– Nhóm giáo dục tháng 3/2023 tăng cao nhất với 8,41% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch, đồng thời vào năm học 2022-2023 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí.

– Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,68% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và nhà ở thuê tăng.

– Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,66% do dịch Covid-19 được kiểm soát, giá tour, khách sạn, nhà hàng tăng khi nhu cầu du lịch trong nước tăng.

– Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,97%, chủ yếu do dịch Covid-19 được kiểm soát, giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 5,75%; thực phẩm tăng 3,29%; lương thực tăng 3,75%.

– Nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 3/2023 tăng 3,73% chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất và chi phí vận chuyển tăng.

– Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng Ba tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,7%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,51%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,63%.

Ở chiều ngược lại, có 2 nhóm hàng giảm giá:

– Nhóm giao thông giảm 4,91% do giá xăng dầu tăng cao trong các tháng đầu năm 2022 sau đó liên tiếp giảm trong các tháng cuối năm.

– Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,3% do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm.

So với tháng 12/2022, CPI tháng Ba tăng 0,74%, trong đó có 9 nhóm hàng tăng giá và 2 nhóm giảm giá.

Các nhóm hàng tăng giá:

– Nhóm giao thông tháng 3/2023 tăng cao nhất với 3,36% so với tháng 12/2022, trong đó giá xăng dầu tăng 7,72% do từ tháng 12/2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã điều chỉnh 9 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 2.130 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 2.050 đồng/lít; giá dầu diezen giảm 2.300 đồng/lít.

– Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,06% chủ yếu do nhu cầu xây dựng, sửa sang nhà dịp Tết cùng với giá thép tăng cao.

– Nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,94% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán.

– Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,07% chủ yếu do giá lương thực 1,43% và ăn uống ngoài gia đình tăng 1,02%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,04%.

Ở chiều ngược lại, có 2 nhóm hàng giảm giá:

– Nhóm giáo dục giảm 2,42% do trong quý I năm 2023 một số địa phương thực hiện theo Nghị quyết số 165/NQ-CP, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021.

– Nhóm bưu chính, viễn thông tháng Ba giảm 0,11% so với tháng 12/2022 do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.

II. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG QUÝ I NĂM 2023

Chỉ số giá tiêu dùng quý I/2023 tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2022.

1. Các yếu tố làm tăng CPI trong quý I năm 2023

– Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng quý I/2023 tăng 7,17% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI tăng 1,35 điểm phần trăm, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao.

– Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 4,41% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng, tác động làm CPI tăng 0,94 điểm phần trăm.

– Học phí giáo dục tăng 10,13% do một số địa phương đã tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch, tác động làm CPI tăng 0,62 điểm phần trăm.

– Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,9% do dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng cao, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, tác động làm CPI tăng 0,22 điểm phần trăm.

– Giá điện sinh hoạt tăng 2,71% chủ yếu do nhu cầu sử dụng điện dịp Tết Nguyên đán tăng, tác động làm CPI tăng 0,09 điểm phần trăm.

– Giá gạo trong nước tăng 2,24% theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao, tác động làm CPI tăng 0,06 điểm phần trăm.

2. Các yếu tố làm giảm CPI trong quý I năm 2023

– Bình quân quý I/2023, giá xăng dầu trong nước giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước theo biến động của giá thế giới, tác động làm CPI chung giảm 0,4 điểm phần trăm.

– Giá gas trong nước giảm 1,81% theo giá thế giới, tác động làm CPI giảm 0,03 điểm phần trăm.

– Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,26% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm, tác động làm CPI giảm 0,01 điểm phần trăm.

III. LẠM PHÁT CƠ BẢN

Lạm phát cơ bản[2] tháng 3/2023 tăng 0,22% so với tháng trước, tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,18%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước quý I/2023 giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

PHẦN II: CHỈ SỐ GIÁ SẢN XUẤT, CHỈ SỐ GIÁ NGUYÊN NHIÊN VẬT LIỆU DÙNG CHO SẢN XUẤT, CHỈ SỐ GIÁ XUẤT KHẨU

VÀ NHẬP KHẨU QUÝ I NĂM 2023

Trong quý I/2023, giá hàng hóa trên thị trường thế giới chịu tác động bởi các yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị của các nước và xung đột quân sự Nga – Ucraina. Đồng thời nhiều quốc gia thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt khiến lạm phát thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt tuy nhiên vẫn ở mức cao. Trong nước, nhu cầu sản xuất hàng hóa, dịch vụ phục vụ Tết Nguyên đán và giá nguyên liệu đầu vào đã đẩy giá sản xuất tăng lên. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý I năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa có xu hướng giảm theo thị trường thế giới.

I. CHỈ SỐ GIÁ SẢN XUẤT SẢN PHẨM NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2023 tăng 0,47% so với quý IV/2022 và tăng 4,97% so với cùng kỳ năm trước.

1. Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan quý I/2023 giảm 0,25% so với quý trước và tăng 3,74% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản phẩm từ cây hàng năm tăng 0,71% và tăng 5,23%; sản phẩm từ cây lâu năm tăng 3,39% và tăng 5,6%; sản phẩm từ chăn nuôi giảm 4,29% và tăng 0,28%; dịch vụ nông nghiệp tăng 2,87% và tăng 7,23%.

Chỉ số giá sản phẩm từ cây hàng năm, quý I/2023 tăng 5,23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá thóc khô tăng 4,77% do nhu cầu nhập khẩu gạo để dự trữ của các nước tăng; giá nhóm sản phẩm ngô và cây lương thực có hạt khác tăng 6,08% do nhu cầu sử dụng làm thức ăn chăn nuôi trong nước tăng; giá rau, đậu các loại và hoa tăng 5,98%; giá nhóm sản phẩm mía cây tươi tăng 14,94% do ảnh hưởng giá đường trên thế giới tăng.

Chỉ số giá sản phẩm từ cây lâu năm, quý I/2023 tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá cà phê nhân tăng 3,22% do ảnh hưởng giá cà phê trên thế giới tăng, nhu cầu nhập khẩu cà phê các nước tăng, một số nước lớn sản xuất cà phê hạn chế xuất khẩu do chênh lệch lớn về tỷ giá thanh toán giữa USD với đồng tiền các nước. Chỉ số giá sản phẩm cây ăn quả tăng 16,53% do nhu cầu tiêu thụ trong nước dịp Tết Nguyên đán và nhu cầu xuất khẩu sản phẩm cây ăn quả sang Trung Quốc tăng sau khi Trung Quốc gỡ bỏ các hạn chế xuất nhập cảnh và dỡ bỏ các biện pháp chống dịch Covid-19.

Ở chiều ngược lại, giá một số sản phẩm quý I/2023 giảm so với cùng kỳ năm trước: Giá sản phẩm hạt điều khô giảm 2,11% do nhu cầu nhập khẩu hạt điều khô của các nước giảm; giá sản phẩm hồ tiêu giảm 19,62% do tác động của lạm phát toàn cầu, nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu các nước giảm.

Chỉ số giá sản phẩm từ chăn nuôi, quý I/2023 tăng 0,28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá sản phẩm chăn nuôi lợn và giống lợn giảm 4,32%, do dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ của người dân giảm. Giá sản phẩm chăn nuôi gia cầm quý I/2023 tăng 7,26% so với cùng kỳ năm trước, do nhu cầu sử dụng sản phẩm gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán và chi phí đầu vào như giá thức ăn chăn nuôi gia cầm tăng.

2. Chỉ số giá sản xuất sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan quý I/2023 giảm 0,51% so với quý trước và tăng 5,17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá sản phẩm trồng rừng, chăm sóc rừng và cây giống lâm nghiệp tăng 0,37% và tăng 2,3%; sản phẩm các loại gỗ khai thác giảm 1,79% so với quý IV/2022 do kinh tế nhiều quốc gia suy giảm, lạm phát tăng, người dân tiết kiệm chi tiêu nên nhu cầu nhập khẩu gỗ từ các nước Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực châu Âu giảm nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng 7,51%; lâm sản khai thác, thu nhặt khác tăng 1,75% và tăng 2,5%; dịch vụ lâm nghiệp tăng 0,12% và tăng 0,65%.

3. Chỉ số giá sản xuất sản phẩm thủy sản khai thác, nuôi trồng

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm thủy sản khai thác, nuôi trồng quý I/2023 tăng 2,86% so với quý trước và tăng 8,77% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó giá nhóm sản phẩm thủy sản khai thác tăng 5,01% và tăng 10,36%; nhóm thủy sản nuôi trồng tăng 1,39% và tăng 7,64%. Quý I/2023 chỉ số giá sản phẩm thủy sản khai thác biển tăng 10,95% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá tăng 11,79%; tôm tăng 11,65% do sản lượng khai thác giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán tăng. Chỉ số giá sản phẩm tôm nuôi nội địa quý I/2023 tăng 7,39% so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá nhóm cá tra tăng 20,85%, tôm sú tăng 5,09% do giá thức ăn chăn nuôi và nhu cầu tiêu thụ tăng.

II. CHỈ SỐ GIÁ SẢN XUẤT SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp quý I/2023 giảm 0,66% so với quý trước và tăng 1,05% so với cùng kỳ năm trước. Biến động giá sản xuất 4 nhóm sản phẩm công nghiệp như sau:

1. Chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng quý I/2023 giảm 4,27% so với quý trước và giảm 2,64% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Chỉ số giá sản xuất dầu thô và khí đốt tự nhiên khai thác quý I giảm 2,06% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng biến động giá dầu trên thế giới và tác động các nhân tố kinh tế, chính trị và xung đột quân sự Nga – Ucraina. Nhóm dịch vụ hỗ trợ khai khoáng quý I giảm 6,48% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá nhóm than cứng và than non quý I tăng 20,44% do Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam điều chỉnh giá sản xuất của các mặt hàng than đá tại một số đơn vị sản xuất theo Quyết định số 201/QĐ-TKV ngày 01/02/2023 về việc ban hành giá mua than năm 2023. Chỉ số giá sản phẩm quặng kim loại và tinh quặng kim loại quý I tăng 15,36% do ảnh hưởng của giá thế giới và lo ngại thiếu hụt nguồn cung quặng sắt từ một số quốc gia lớn trên thế giới. Nhóm sản phẩm khai khoáng khác tăng 7,46%, trong đó chỉ số giá nhóm sản phẩm cát, sỏi, đá, đất sét tăng cao do nhu cầu xây dựng tăng, nguồn cung giảm tác động đến giá nhóm sản phẩm khai khoáng khác tăng.

2. Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2023 giảm 0,47% so với quý trước và tăng 1,27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá thực phẩm chế biến quý I tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước do chi phí đầu vào sản xuất tăng cao và nhu cầu phục vụ trong và sau Tết Nguyên đán tăng. Chỉ số giá than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế quý I tăng 5,68% do chi phí đầu vào sản xuất tăng như giá than trong nước và giá nhựa đường tăng. Chỉ số giá sản phẩm trang phục tăng 3,37% do giá nhập khẩu vải may mặc tăng 4,53% và nhu cầu phục vụ Tết Nguyên đán tăng. Chỉ số giá nhóm hóa chất và sản phẩm hóa chất quý I giảm 3,68% do giá sản phẩm phân bón và hợp chất ni tơ giảm, nguồn cung tăng khi Trung Quốc gỡ bỏ hạn chế xuất khẩu hàng hóa, trong khi nhu cầu sử dụng sản phẩm hóa chất ở một số đơn vị sản xuất trong nước giảm do bị cắt giảm nhiều đơn hàng.

3. Chỉ số giá sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí

Chỉ số giá sản xuất điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 0,29% so với quý IV/2022 và tăng 5,69% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí đầu vào sản xuất điện như giá than, giá dầu đều đang ở mức cao. Bên cạnh đó, tại một số tỉnh có đơn vị sản xuất điện tăng giá vào mùa khô.

4. Chỉ số giá sản xuất nước tự nhiên khai thác, dịch vụ quản lý và xử lý rác thải, nước thải

Chỉ số giá sản xuất nước tự nhiên khai thác, dịch vụ quản lý và xử lý rác thải, nước thải quý I/2023 tăng 0,46% so với quý trước và tăng 1,73% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí nhân công tăng tại một số địa phương và một số địa phương điều chỉnh giá dịch vụ thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu.

III. CHỈ SỐ GIÁ SẢN XUẤT DỊCH VỤ

Chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý I/2023 tăng 2,15% so với quý trước và tăng  6,18% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: Dịch vụ vận tải, kho bãi tăng 7,04% và tăng 13,35%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 2,04% và tăng 6,83%; hoạt động hành chính và hỗ trợ tăng 2,2% và tăng 8,97%; hoạt động dịch vụ khác tăng 1,96% và tăng 4,83%; hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình tăng 3,9% và tăng 6,66%.

1. Chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi

Chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi quý I/2023 tăng 7,04% so với quý trước và tăng 13,35% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, dịch vụ vận tải đường sắt, đường bộ tăng 1,65% và tăng 7,79%; dịch vụ vận tải đường thủy tăng 3,7% và tăng 8,56%; dịch vụ vận tải đường hàng không tăng 32,52% và tăng 63,75%.

Chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi quý I/2023 tăng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do giá xăng dầu liên tục tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 đã tác động đến chi phí vận tải của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải. Thêm vào đó, dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ được phục hồi, nhu cầu đi lại và du lịch của người dân tăng cao. Một số doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải điều chỉnh tăng giá dịch vụ để bù đắp chi phí vật tư, sửa chữa, bảo dưỡng và nhiên liệu đầu vào.

2. Chỉ số giá dịch vụ lưu trú và ăn uống

Chỉ số giá dịch vụ lưu trú và ăn uống quý I/2023 tăng 2,04% so với quý trước và tăng 6,83% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó dịch vụ lưu trú tăng 7,55% và tăng 17,7%; dịch vụ ăn uống tăng 1,17% và tăng 5,15%. So với cùng kỳ năm trước chỉ số giá dịch vụ lưu trú quý I/2023 tăng 17,7% do dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, hoạt động du lịch mở cửa hoàn toàn, lượng khách trong nước và quốc tế đến và lưu trú tăng. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, các hoạt động du lịch, du xuân, vui chơi của người dân gia tăng và lượng khách quốc tế tăng mạnh khiến nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng kín phòng, đặc biệt tại các địa điểm du lịch nổi tiếng. Chỉ số giá dịch vụ ăn uống quý I/2023 tăng 5,15% so với cùng kỳ năm trước do trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu ăn uống và giá các mặt hàng thực phẩm tăng. Giá xăng dầu vẫn ở mức cao theo giá nhiên liệu thế giới cũng là nguyên nhân khiến các nhà hàng, quán ăn tăng giá bán nhằm bảo đảm chi phí.

3. Chỉ số giá dịch vụ giáo dục và đào tạo

Chỉ số giá dịch vụ giáo dục và đào tạo quý I/2023 giảm 0,87% so với quý trước. Nguyên nhân chủ yếu do ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân nên một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá dịch vụ giáo dục và đào tạo quý I/2023 tăng 8,64% do một số địa phương đã tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch.

IV. CHỈ SỐ GIÁ NGUYÊN NHIÊN VẬT LIỆU DÙNG CHO SẢN XUẤT

Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý I/2023 tăng 0,44% so với quý trước và tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,69% và tăng 4,86%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,47% và tăng 4,05%; dùng cho xây dựng tăng 1,08% và tăng 3,77%.

Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý I/2023 tăng so với cùng kỳ năm trước do các nhóm nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trong sản xuất tăng. Cụ thể:

– Trong nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, chỉ số giá nhóm thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản quý I tăng 7,18% so với cùng kỳ năm trước; sản phẩm chế biến từ dầu mỏ tăng 7,14%; hoá chất cơ bản, phân bón và hợp chất nitơ, sản xuất plastic và cao su tổng hợp nguyên sinh tăng 5,37%; dịch vụ nông nghiệp tăng 4,9%; sản phẩm thủy sản nuôi trồng tăng 4,64% do nhu cầu nuôi con giống tăng; sản phẩm cây hàng năm tăng 3,63%; sản phẩm trồng rừng và chăm sóc rừng tăng 0,84%.

– Trong nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, chỉ số giá nhóm sản phẩm linh kiện điện tử quý I tăng 12,56% so với cùng kỳ năm trước; thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 8,72% do giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đầu vào quý I tăng 12,39% trong khi nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản trong nước chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu; nhóm dầu, mỡ động, thực vật chế biến tăng 4,97%; nhóm sản phẩm nguyên liệu chế biến từ dầu mỏ tăng 3,48%.

– Trong nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng, chỉ số giá nhóm đá, cát, sỏi, đất sét quý I tăng 9,09% so với cùng kỳ năm trước do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu dùng cho xây dựng tăng; nhóm sản phẩm nguyên liệu chế biến dầu mỏ (nhựa đường, nhựa, dầu diesel, dầu nhớt…) tăng 4,91%; sản phẩm gang, sắt, thép tăng 2,89%.

V. CHỈ SỐ GIÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU, TỶ GIÁ THƯƠNG MẠI HÀNG HÓA

Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý I/2023 giảm 1,32% so với quý trước và giảm 0,34% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm giảm 2,75% và giảm 1,92%; nhóm nhiên liệu giảm 15,61% và tăng 13,28%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo giảm 0,62% và giảm 0,7%.

Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa quý I/2023 giảm 2,62% so với quý trước và giảm 3,29% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm giảm 2,54% và giảm 0,26%; nhóm nhiên liệu giảm 11,41% và giảm 1,7%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo giảm 1,84% và giảm 2,97%.

Tỷ giá thương mại hàng hóa (TOT)[3] quý I/2023 tăng 1,33% so với quý trước và tăng 3,05% so với cùng kỳ năm trước do chỉ số giá xuất khẩu có mức giảm thấp hơn mức giảm của chỉ số giá nhập khẩu, phản ánh Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi khi giá hàng xuất khẩu có lợi thế hơn so với giá hàng nhập khẩu.

[1] Chỉ số giá điện, nước sinh hoạt tháng 3/2023 được tính dựa trên doanh thu và sản lượng tiêu dùng từ ngày
01-28/02/2023, do đó phản ánh biến động trễ một tháng so với các mặt hàng khác.

[2] CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục.

[3] Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa so với chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa.


https://www.gso.gov.vn

Lượt xem: 5826

Thống kê truy cập

Đang truy cập:567

Tổng truy cập: 18572572