Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Thị trường đường: Tưởng ngọt hóa đắng!

2013-10-11 00:09:00.0

Lượng hàng tồn kho lớn, xuất khẩu tiểu ngạch gặp nhiều khó khăn, tình trạng nhập lậu khó kiểm soát, dẫn đến nguy cơ mất nguồn nguyên liệu. Mặc dù đã có nhiều hội thảo nhằm đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, song ngành đường vẫn đang bế tắc.

Lượng hàng tồn kho lớn, xuất khẩu tiểu ngạch gặp nhiều khó khăn, tình trạng nhập lậu khó kiểm soát, dẫn đến nguy cơ mất nguồn nguyên liệu. Mặc dù đã có nhiều hội thảo nhằm đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, song ngành đường vẫn đang bế tắc.

                     Ngành đường trước nguy cơ thưa nguồn cung


Mâu thuẫn ngành đường

Báo cáo của Hiệp hội mía đường Việt Nam (Vssa), niên vụ 2012-2013, lượng đường trong nước, tính cả sản xuất, thừa từ niên vụ trước và cả hạn ngạch được phép nhập khẩu đạt khoảng 1,78 triệu tấn, trong khi đó, ước tính tiêu thụ đạt khoảng 1,35 triệu tấn, như vậy lượng tồn kho khoảng 400.000 tấn. Đó là chưa kể lượng đường nhập lậu trực tiếp hoặc thẩm lậu vào Việt Nam qua hình thức tạm nhập tái xuất khoảng 400.000 tấn.

Dự kiến niên vụ 2013-2014, các nhà máy sẽ cho ra đời khoảng 1,6 triệu tấn đường, cộng với tồn kho và nhập khẩu theo cam kết WTO, thì tổng nguồn cung xấp xỉ 2 triệu tấn. Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giữ nguyên thì nguy cơ thừa cung khoảng 500.000 - 600.000 tấn. Đặc biệt, khi Việt Nam thực hiện cam kết WTO, xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu vào năm 2015 thì ngành sản xuất đường đứng trước nguy cơ phá sản.

Theo vssa, nguyên nhân chính gây khó khăn cho các nhà máy sản xuất đó là tình trạng nhập lậu chưa được kiểm soát triệt để, chính sách cho phép xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc của Bộ Công Thương còn chậm, chưa linh hoạt. Việc cấp hạn ngạch nhập khẩu chưa công khai, minh bạch... khiến thị trường đường càng bế tắc.

Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch vssa - cho biết, các nhà sản xuất đường trong nước đang đứng trước 2 sự lựa chọn: Một là, hạ giá thành sản phẩm để bán được hàng, chịu lỗ; hai là, hạ giá thu mua mía để có lãi nhưng sẽ đối mặt với việc mất vùng nguyên liệu.

Tuy nhiên, có một thực tế là giá đường trong nước luôn cao hơn giá đường nhập khẩu chính ngạch kể cả khi đã chịu thuế. Thêm vào đó, có thời điểm, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, doanh nghiệp phân phối bán lẻ còn “tố” rằng không thể mua đường trực tiếp từ nhà máy mà phải qua trung gian, một số loại đường chưa đáp ứng được chất lượng. Vì vậy, đã xảy ra tình trạng tiểu thương, doanh nghiệp sản xuất sữa, bánh kẹo, nước giải khát cũng sử dụng đường lậu vì giá rẻ.

Giải bài toán cạnh tranh

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành đường, nhiều năm qua, các cơ quan nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể như: Bộ Công Thương đã giảm dần cấp hạn ngạch nhập khẩu đường từ 300.000 tấn (2010) xuống còn 70.000 tấn (2012); điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu đường theo Thông tư số 79/2013/TT-BTC ngày 7/6/2013 của Bộ Tài chính. Công tác phòng chống buôn lậu tại biên giới đã được tăng cường, kiểm soát chặt chẽ tình hình tạm nhập tái xuất. Các cơ quan chức năng phòng chống buôn lậu thừa nhận, việc phòng chống buôn lậu mặt hàng đường còn gặp nhiều khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.

Trước những khó khăn, VSSA đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể về chính sách như: Tiếp tục cho phép xuất khẩu đường tiểu ngạch, không phân biệt là đường RS hay RE; kiến nghị nhà nước đàm phán kéo dài hạn ngạch thuế quan kéo dài đến năm 2020 hoặc ít nhất là áp dụng phương án linh hoạt đến hết năm 2018; tăng cường thanh tra, hậu kiểm phương thức tạm nhập tái xuất và đẩy mạnh phòng chống buôn lậu ngay từ cửa khẩu.

Bên cạnh đó, nên quy định doanh nghiệp đầu mối được phép nhập khẩu, sau đó đấu thầu bán đường cho các doanh nghiệp tiêu thụ trong nước với giá thị trường. Khoản tiền chênh lệch trong xuất nhập khẩu sẽ được đầu tư trở lại cho ngành mía đường để nâng cao sức cạnh tranh và giảm giá thành sản phẩm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mấu chốt chính và lâu dài cần phải giải quyết bài toán cạnh tranh liên quan đến giá cả, chất lượng sản phẩm, hệ thống phân phối, dịch vụ. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp mía đường cần nâng cao năng lực quản lý sản xuất, chất lượng, tiết kiệm chi phí... để giảm giá thành sản phẩm.


Lượt xem: 128

Thống kê truy cập

Đang truy cập:528

Tổng truy cập: 18376652