Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Thị trường thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tháng 10/2013 và dự báo 2 tháng cuối năm

2013-11-15 17:25:00.0

Thị trường thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thế giới tháng 10/2013 giao dịch trầm lắng, giá giảm nhẹ so với tháng trước đó, do nước tiêu thụ hàng đầu thế giới - Trung Quốc – nghỉ lễ quốc khánh trong tuần đầu tháng 10. Ngược với xu hướng giá thế giới, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong nước tăng nhẹ, do nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán tăng mạnh.

Thị trường thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thế giới tháng 10/2013 giao dịch trầm lắng, giá giảm nhẹ so với tháng trước đó, do nước tiêu thụ hàng đầu thế giới - Trung Quốc – nghỉ lễ quốc khánh trong tuần đầu tháng 10. Ngược với xu hướng giá thế giới, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong nước tăng nhẹ, do nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán tăng mạnh.

I.     TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

Diễn biến giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tháng 10/2013:
Giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) và nguyên liệu thế giới tháng 10/2013 giảm nhẹ so với tháng trước đó, đây được coi là mức giá thấp nhất kể từ đầu năm đến nay, do nước tiêu thụ hàng đầu thế giới – Trung Quốc – nghỉ lễ quốc khánh tuần đầu tháng 10. Tính chung, trong 10 tháng đầu năm 2013, giá TĂCN  và nguyên liệu thế giới biến động theo xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2012. 

Giá ngô trên thị trường thế giới trong tháng 10/2013 giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay, xuống còn 174,5 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 21/10/2013, giảm 16% so với tháng trước đó và giảm mạnh 46% so với cùng tháng năm ngoái, do dự báo sản lượng ngô thế giới niên vụ 2013/14 tăng 9% so với cùng kỳ niên vụ trước lên 943 triệu tấn.

Ngược với xu hướng giảm mạnh của giá ngô thì giá đậu tương trong tháng 10/2013 tăng nhẹ, từ mức 503,24 USD/tấn đạt được hồi tháng 9/2013, tăng 1,2% lên 509,15 USD/tấn nhưng giảm 10% so với cùng tháng năm ngoái, do hạn hán ở khu vực trung tây Mỹ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và Brazil  thay thế Mỹ trở thành nước sản xuất đậu tương hàng đầu thế giới.  

Cùng với xu hướng tăng của giá đậu tương thì giá lúa mì cũng tăng nhẹ, do nhu cầu tăng trong ngắn hạn từ Trung Quốc và Brazil, thêm vào đó là triển vọng đối với cây trồng  lúa mì tại Nga suy giảm, ảnh hưởng đến sản lượng lúa mì toàn cầu niên vụ 2013/14. Giá lúa mì trong tháng 10/2013 đạt 262,5 USD/tấn, tăng 1% so với tháng trước đó nhưng giảm 23% so với cùng tháng năm ngoái. 

Bảng 1: Biến động giá đậu tương, ngô, lúa mì  và bột cá thế giới 10 tháng đầu năm 2013 (Đvt: USD/tấn)

 
Giá bột cá thế giới trong tháng 10/2013 tăng nhẹ, từ mức 1.525,27 USD/tấn đạt được hồi tháng 9/2013, tăng 34,73 USD/tấn (tương đương với 2,3%) lên 1.560 USD/tấn nhưng vẫn giảm 7,9% so với cùng tháng năm 2012. Nguyên nhân giá bột cá tăng nhẹ do nguồn cung bột cá ở nước sản xuất hàng đầu – Peru – thắt chặt bởi sản lượng đánh bắt cá giảm, cùng với nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng đã đẩy giá bột cá thế giới tăng nhẹ.

II.       TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC    

1.         Biến động giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tháng 10/2013. 

Ngược với xu hướng giá thế giới, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu của Việt Nam trong tháng 10/2013 tăng nhẹ so với hồi tháng 9/2013, do giá nhập khẩu một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như khô đậu tương, bột cá… thị trường thế giới tăng nhẹ, tác động tới giá thức ăn chăn nuôi. Hiện tại, giá cám gạo ở mức 5.900 -6.400 đ/kg, tăng 200 đ/kg so với tháng trước đó nhưng giảm 11% so với tháng 1/2013; giá ngô ở mức thấp 6.000-6.500 đ/kg, giá khô đậu tương tăng 2,4% so với tháng trước lên 12.800 đ/kg nhưng giảm 9,9% so với tháng đầu năm và giá bột cá không thay đổi ở mức 14.000-20.000 đ/kg . 

2.       Thực trạng ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong tháng 10/2013 và một số vấn đề tồn tại: 
Hiện tại, cả nước có hơn 200 doanh nghiệp sản xuất TĂCN với 57 nhà máy, trong đó doanh nghiệp nước ngoài chỉ có trên 20 nhà máy nhưng chiếm thị phần tới 60 - 65%. Các doanh nghiệp này chỉ giữ lại khoảng 10% lượng thức ăn sản xuất ra để chăn nuôi gia công, còn lại bán ra thị trường cho các trang trại, hộ chăn nuôi. 

Các hộ chăn nuôi trong nước đang phải chịu 5% thuế VAT khi mua TĂCN, làm đội giá sản phẩm thêm 1.500 đồng/kg. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài như CP, Japfa... được đầu tư khép kín theo chuỗi từ con giống, thức ăn đến tiêu thụ đầu ra nên chi phí sẽ giảm hơn so với chăn nuôi nhỏ lẻ của người nông dân. Bởi vậy, người chăn nuôi trong nước vẫn rất khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều ý kiến đề nghị giảm thuế nhập khẩu cho nguyên liệu TĂCN, nhưng nếu có giảm thuế suất về 0% thì người nông dân vẫn không được hưởng vì sản phẩm TĂCN thành phẩm không được khấu trừ thuế. 

Bởi vậy, để tạo động lực cho người chăn nuôi phát triển sản xuất, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc trong điều hành giá TĂCN một cách hợp lý. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, ngành nông nghiệp cần thay đổi cơ cấu sản xuất để tận dụng tối đa nguyên liệu sẵn có trong nước để sản xuất TĂCN, tránh tình trạng phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. 

3.     Tình hình nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu:

Theo số liệu thống kê từ TCHQ Việt Nam, nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu trong tháng 9 đạt 302 triệu USD, giảm 0,54% so với tháng trước đó nhưng tăng 16,54% so với cùng tháng năm ngoái. Tính chung 9 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã chi 2,37 tỉ USD nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu, tăng 36,58% so với cùng kỳ năm trước. 

Các thị trường chính cung cấp TĂCN và nguyên liệu chính cho Việt Nam trong tháng 9/2013 là Achentina, Brazil, và Hoa Kỳ... Trong đó, Achentina là thị trường chủ yếu Việt Nam nhập khẩu mặt hàng này với 151,5 triệu USD, tăng 36,74% so với cùng tháng năm ngoái nhưng lại giảm 10,52% so với tháng trước đó, nâng kim ngạch nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu từ nước này 9 tháng đầu năm 2013 lên 774 triệu USD, chiếm 32,6% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng, tăng 66,17% so với cùng kỳ năm trước – dẫn đầu về thị trường cung cấp TĂCN và nguyên liệu cho Việt Nam. Sự tăng mạnh về kim ngạch nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu từ Achentina  trong 9 tháng đầu năm 2013 do nguồn nguyên liệu từ thị trường này dồi dào.

III. DỰ BÁO THỊ TRƯỜNG 2 THÁNG CUỐI NĂM

1.    Dự báo giá:

Dự báo, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thế giới 2 tháng cuối năm 2013 sẽ tăng nhẹ, do nguồn cung nguyên liệu chế biến TĂCN như đậu tương, bột cá thắt chặt, thêm vào đó là nhu cầu TĂCN của nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước tiêu thụ TĂCN lớn nhất thế giới – Trung Quốc – tăng mạnh vào thời điểm gần Tết dương lịch và Tết nguyên đán. 

Về thị trường trong nước, dự báo giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu 2 tháng cuối năm 2013 sẽ tăng nhẹ, do nhu cầu TĂCN và nguyên liệu trong nước thường tăng mạnh trong dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán.
 
2.    Dự báo cung cầu TĂCN và nguyên liệu thế giới 2 tháng cuối năm 2013: 

Ngô: 
Dự báo, sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 2013/14 sẽ giảm 2 triệu tấn, xuống còn 943 triệu tấn, nhưng vẫn tăng 9% so với cùng kỳ niên vụ trước và đạt mức cao kỷ lục mới.

Trong  bối cảnh nhu cầu thức ăn chăn nuôi và sản phẩm công nghiệp tăng mạnh mẽ, tiêu thụ ngô dự kiến tăng 5%, và mậu dịch cũng tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao 5 năm.

Lúa mì:
Dự kiến sản lượng lúa mì thế giới niên vụ 2013/14 sẽ tăng 6% so với cùng kỳ niên vụ trước, lên 693 triệu tấn, do vụ thu hoạch tại SNG và EU tăng cao, tiêu thụ lúa mì toàn cầu dự kiến tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 687 triệu tấn.

Tồn kho cuối niên vụ dự kiến tăng 5 triệu tấn, lên 180 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với dự báo tháng trước, do sự gia tăng tại những nước xuất khẩu chủ yếu và Trung Quốc.

Đậu tương: 
Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) hạ thấp dự báo sản lượng đậu tương toàn cầu niên vụ 2013/14 xuống còn 281,7 triệu tấn.

Mặc dù vụ thu hoạch đậu tương tại Mỹ, Trung Quốc, Nga và Canada suy giảm nhưng được bù đắp bởi dự kiến vụ thu hoạch tại Brazil và Paraguay tăng mạnh.

Dự trữ đậu tương toàn cầu cuối niên vụ giảm 730.000 tấn, xuống còn 71,5 triệu tấn, do triển vọng dự trữ tại Mỹ suy giảm. 

Xuất khẩu đậu tương của Mỹ giảm 409.000 tấn, xuống còn 37,3 triệu tấn, do sản lượng suy giảm.

Xuất khẩu đậu tương Argentina giảm 1 triệu tấn, xuống còn 12,7 triệu tấn để đáp ứng sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ Brazil. Xuất khẩu khô đậu tương tăng 575.000 tấn, lên 28,4 triệu triệu tấn do dự đoán nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh.

Xuất khẩu đậu tương Brazil tăng 1 triệu tấn, lên mức cao kỷ lục 42,5 triệu tấn, và xuất khẩu của Paraguay tăng 500.000 tấn, lên mức cao kỷ lục 5,5 triệu tấn được hậu thuẫn bởi sản lượng tăng cao.

Xuất khẩu đậu tương Trung Quốc giảm 100.000 tấn, xuống còn 200.000 tấn, và xuất khẩu của Nga giảm 100.000 tấn, xuống còn 50.000 tấn, do sản lượng đậu tương giảm. 
 


Lượt xem: 464

Thống kê truy cập

Đang truy cập:310

Tổng truy cập: 18433612