Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, xuất, nhập khẩu

2023-08-04 15:06:00.0

Sáng 29-7, tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Nghị - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì cuộc họp trực tuyến với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, An Giang nhằm nắm bắt tình hình, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất, nhập khẩu tại các địa phương.

 

Tham dự tại điểm cầu Bình Dương có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.

Bình Dương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Tại cuộc họp, ông Lai Xuân Đạt – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương đã báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo thống kê, tính đến ngày 15/7/2023, tỉnh đã thu hút 52.472 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước (tăng 16,5% so với cùng kỳ), gồm 3.441 doanh nghiệp đăng ký mới (26.940,7 tỷ đồng), 957 doanh nghiệp điều chỉnh tăng vốn (30.643,5 tỷ đồng); có 55 doanh nghiệp giảm vốn (2.350,3 tỷ đồng) và 366 doanh nghiệp giải thể (2.761,7 tỷ đồng). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 62.848 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 683.000 tỷ đồng.

Đầu tư nước ngoài thu hút được 976,9 triệu đô la Mỹ (giảm 61% so với cùng kỳ), gồm 53 dự án mới (370 triệu đô la Mỹ), 20 dự án điều chỉnh tăng vốn (71,5 triệu đô la Mỹ), 71 doanh nghiệp góp vốn (545,4 triệu đô la Mỹ), có 02 dự án giảm vốn (10 triệu đô la Mỹ). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.131 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 40 tỷ đô la Mỹ.

 

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Bình Dương

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 8,35%); trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 2,2%; công nghiệp chế biến tăng 2,8%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 4,5%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 2,2%.

Tình hình xuất, nhập khẩu tiếp tục gặp nhiều khó khăn; các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các thị trường xuất khẩu chính tiếp tục giảm nhu cầu. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15 tỷ 108 triệu đô la Mỹ, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10 tỷ 785 triệu đô la Mỹ, giảm 14,7% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 15/7/2023, giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh là 6.712,5 tỷ đồng, đạt 30,8% kế hoạch tỉnh giao và đạt 55,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 có thấp hơn (năm 2022 đạt 32,7%), tuy nhiên giá trị giải ngân tuyệt đối đã vượt 2,34 lần.

Trước tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, để hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phục hồi và sản xuất kinh doanh ổn định, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai các giải pháp về đầu tư phát triển hạ tầng; cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ tiếp cận vốn vay; bảo đảm an sinh xã hội; các chương trình, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường mới… Bên cạnh đó, Bình Dương đã xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, luôn đồng hành với doanh nghiệp, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính quyền tỉnh, xem thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh.

UBND tỉnh đã thành lập Tổ chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản và thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường thông tin tuyên truyền các chính sách của Trung ương, của tỉnh đến các doanh nghiệp; cũng như cung cấp số điện thoại đường dây nóng, hệ thống báo cáo trực tuyến và thường xuyên giữ mối liên lạc qua điện thoại, Zalo hoặc qua thư điện tử với doanh nghiệp để nắm bắt được tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời tham mưu UBND tỉnh tổ chức các cuộc họp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và các dự án bất động sản. Tính đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh đã tổ chức được 06 cuộc họp để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đồng thời, thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã tiếp nhận hơn 170 phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp. Đối với các phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan để giải quyết và có văn bản gửi đến các doanh nghiệp. Đối với các nội dung không thuộc thẩm quyền, UBND đang tổng hợp để kiến nghị Trung ương và các Bộ, ngành có liên quan.

Ngoài ra, để nắm bắt tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, UBND tỉnh cũng thường xuyên tổ chức và cử lãnh đạo tỉnh tham gia các hội nghị, đối thoại, buổi làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thu hút, mời gọi các dự án đầu tư mới; đồng thời, lắng nghe và chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ giúp các doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

 

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Song song đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tập trung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa và hoàn thiện các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp; rút ngắn tối đa thời gian xử lý hồ sơ của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nộp hồ sơ, thủ tục qua mạng; chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua đường Bưu điện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường ứng dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc

Nêu các khó khăn, vướng mắc về chính sách tín dụng, theo ông Lai Xuân Đạt, lãi suất vay vốn hiện nay đang từng bước giảm nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như vay tín chấp trên phương án/dự án phụ thuộc vào xếp hạng tín dụng của từng doanh nghiệp, trong khi đó, doanh nghiệp chưa có được phương án kinh doanh tốt do chưa có đơn hàng xuất khẩu…

Trước tình hình trên, UBND tỉnh kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, triển khai các chính sách hỗ trợ lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ. Chính phủ và các Bộ, ngành tổ chức thêm nhiều chương trình thương mại, kết nối các đơn vị quốc tế tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và tìm kiếm nguồn khách hàng; tăng cường nguồn vốn thực hiện hỗ trợ về khuyến công như hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Liên quan đến các vướng mắc về vấn đề lao động, ông Lai Xuân Đạt cho biết, từ ngày 01/01/2023, quy định tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội đã hết hiệu lực thực hiện, điều này đã gây khó khăn cho người sử dụng lao động có sử dụng lao động người nước ngoài đã làm việc nhiều năm tại Việt Nam. Trong thời gian qua, UBND tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận nhiều ý kiến đề nghị của người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh về việc rất khó để xác nhận lại kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP do doanh nghiệp không còn hoạt động, đã nghỉ việc rất lâu nên không xác nhận lại được. Do đó, kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh sửa đổi quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP để tạo điều kiện thuận lợi cho những người lao động nước ngoài đã làm việc rất lâu tại Việt Nam.

 

Ông Lai Xuân Đạt – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh và các kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Nêu khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, ông Lai Xuân Đạt cho rằng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có nhiều dự án đầu tư (khu công nghiệp, khu nhà ở, khu đô thị…) sau khi được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng, chủ đầu tư không kịp thời thực hiện thủ tục xin điều chỉnh diện tích, vị trí, mục đích sử dụng đất… dẫn đến khó khăn trong việc xác định nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp liên quan đến đất đai. Do đó, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc xác định nghĩa vụ tài chính và cho ý kiến về thời điểm xác định giá đất cụ thể là thời điểm UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh diện tích, vị trí, mục đích sử dụng đất để bảo đảm thống nhất trong việc thu tiền sử dụng đất, thuê đất đối với các trường hợp phải điều chỉnh diện tích, vị trí, mục đích sử dụng đất do thay đổi quy hoạch xây dựng chi tiết.

Về hoàn thiện việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt... kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét điều chỉnh, bổ sung quy định theo hướng các chủ đầu tư chỉ hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật thiết yếu theo quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch tổng mặt bằng được duyệt như: Đường giao thông, các tuyến cấp điện, chiếu sáng, thông tin viễn thông, cấp thoát nước, phòng cháy, chữa cháy, công viên cây xanh, vệ sinh môi trường; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực. Đối với các hạng mục về công trình dịch vụ và hạ tầng xã hội khi có dân cư sinh sống có thể bàn giao cho địa phương để xây dựng các công trình hạ tầng xã hội.

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ ngành đã trả lời cụ thể đối với các kiến nghị của Bình Dương và các địa phương liên quan đến sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất, nhập khẩu.

Đánh giá cao các ý kiến kiến nghị sát thực tế của các địa phương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã thông tin làm rõ thêm các nội dung trả lời kiến nghị của các Bộ ngành. Đối với các vướng mắc trong cấp phép xây dựng, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu có giải pháp tháo gỡ, tham mưu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch... cho phù hợp với thực tế. Về phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng cho rằng đây là nhiệm vụ quan trọng của Bộ Xây dựng và các địa phương để chăm lo tốt hơn nữa đời sống của người lao động có thu nhập thấp, phấn đấu phát triển hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội trong thời gian tới. Đối với các kiến nghị tại cuộc họp, Bộ Xây dững sẽ tổng hợp và phối hợp với các Bộ ngành, địa phương có hướng tháo gỡ phù hợp.


https://www.binhduong.gov.vn/

Lượt xem: 3530

Thống kê truy cập

Đang truy cập:340

Tổng truy cập: 18584284