Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Thận trọng với CPI

2021-03-08 12:29:00.0

Tháng 2/2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,52% so với tháng trước, là mức cao nhất trong các tháng 2 của 8 năm trở lại đây.

Theo Tổng cục Thống kê, mức tăng mạnh của CPI tháng 2/2021 có nguyên nhân từ một số yếu tố đột biến, như việc chương trình hỗ trợ giảm giá điện kết thúc, nhu cầu tiêu dùng gia tăng trong dịp Tết.

Trên thực tế, việc CPI tăng 1,52% trong tháng 2/2021 cũng không phải quá bất thường bởi theo quy luật, vào các tháng Tết, CPI thường tăng cao. Thêm nữa, CPI tháng 2/2021 tăng cao, nhưng bình quân 2 tháng đầu năm 2021, CPI lại giảm 0,14% so với cùng kỳ năm ngoái. Có nghĩa, ở thời điểm hiện tại, áp lực lạm phát chưa phải là điều đáng lo ngại.

Tuy nhiên, kinh tế thế giới và trong nước đang được dự báo dần hồi phục khi vắc - xin Covid-19 được tiêm phòng rộng rãi hơn, giúp dịch bệnh dần ổn định và được kiểm soát tốt hơn. Kinh tế hồi phục sẽ kéo theo nhu cầu hàng hóa tăng cao hơn, khiến giá cả hàng hóa thế giới tăng, ảnh hưởng tới giá hàng hóa trong nước.

Theo nhiều chuyên gia, giá dầu đang có xu hướng tăng và dự báo có thể đạt khoảng 70 USD/thùng trong tháng 3/2021, dẫn đến giá xăng dầu trong nước có thể được điều chỉnh tăng khá mạnh tới đây. Kỳ điều chỉnh này sẽ được tính cho CPI tháng 3 và nhiều khả năng, CPI tháng 3/2021 khó duy trì mức tăng thấp như những năm gần đây.

Thận trọng với CPI

Tiếp tục ổn định cung - cầu và giá cả hàng hóa

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu của thế giới cũng chỉ ra rằng, nguyên liệu thô toàn cầu đang đứng trước “siêu chu kỳ tăng giá” nhờ sức bật của kinh tế toàn cầu một khi Covid-19 được kiểm soát tốt. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất giải pháp thích ứng với “nguyên liệu thô đứng trước siêu chu kỳ tăng giá”.

Dù vậy, CPI vẫn có thể đạt chỉ tiêu Quốc hội giao (dưới 4% trong năm 2021) nếu thực hiện tốt một số biện pháp kiềm chế.

Theo các chuyên gia, đầu tiên, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19. Phòng, chống tốt dịch bệnh sẽ là tiền đề tốt để ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng. Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động; theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu. Chính sách tài khóa cần phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra…

Về phía Bộ Công Thương, thời gian tới, Bộ sẽ theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền; ổn định lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước. Bên cạnh đó, chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại địa phương; phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, thương mại, tiểu thương… tổ chức tốt việc đưa hàng hóa, dịch vụ đến khu dân cư, khu công nghiệp, địa bàn nông thôn, miền núi… tạo thuận lợi và đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân. Từ đó, ổn định cung - cầu và giá cả hàng hóa, tránh nguy cơ CPI tăng quá cao so với chỉ tiêu.


https://congthuong.vn/

Lượt xem: 3593

Thống kê truy cập

Đang truy cập:379

Tổng truy cập: 18651517