Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Tham gia TPP - Thuận lợi và thách thức đối với nông nghiệp

2013-11-06 23:35:00.0

Vòng đàm phán thứ 19 của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc với sự không đồng thuận của các quốc gia thành viên về mở cửa thị trường nông sản, nhiều nước vẫn quyết tâm bảo hộ nền nông nghiệp trong nước.

Vòng đàm phán thứ 19 của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc với sự không đồng thuận của các quốc gia thành viên về mở cửa thị trường nông sản, nhiều nước vẫn quyết tâm bảo hộ nền nông nghiệp trong nước. Tuy nhiên, dù thừa nhận khó khăn, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trong nước lại tỏ ra lạc quan hơn và cho rằng, “nếu nhìn thấy và tận dụng được cơ hội, ngành nông nghiệp sẽ được nhiều hơn mất khi tham gia TPP”.
 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ( bìa phải) trước thềm cuộc gặp cấp cao 

Các doanh nghiệp chế biến nông sản sẽ có 3 cơ hội khi Việt Nam là thành viên chính thức TPP. Cơ hội đầu tiên là lợi thế về thuế quan, đặc biệt ở thị trường Mỹ và khu vực Bắc Mỹ. Với mục tiêu xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa giữa 12 nước TPP là con đường không thể tốt hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thứ 2 là người tiêu dùng hưởng lợi khi thị trường có hàng hóa phong phú, giá cả thấp và chất lượng tốt hơn. Cơ hội cuối cùng là TPP sẽ mang lại làn sóng cải cách về thể chế kinh tế và hành chính mới. 

Quan trọng hơn, các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội này để tiếp nhận các công nghệ tiên tiến được chuyển giao từ các quốc gia thành viên TPP nhằm đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến để tăng giá trị các sản phẩm nông sản xuất khẩu. Tham gia TPP buộc các doanh nghiệp chấp nhận quá trình phân công lại lao động phù hợp với tình hình phát triển của mỗi quốc gia, doanh nghiệp phải biết tận dụng cơ hội từ nguồn lực sẵn có của mình.

Một khía cạnh khác, khi mở cửa thị trường các sản phẩm và nguyên liệu nông sản theo TPP cũng là cơ hội để Việt Nam giảm lệ thuộc vào Trung Quốc với những mặt hàng có chất lượng tốt và giá rẻ hơn, khi thuế nhập khẩu chỉ còn 0%. Chưa kể các sản phẩm này hoàn toàn không cạnh tranh với các sản phẩm của Việt Nam, chủ yếu là nông sản nhiệt đới.

Tuy nhiên, TPP cũng mang lại thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp nông sản trong nước. Theo TS Lê Đăng Doanh, thách thức trong TPP là cạnh tranh. TPP hướng đến việc thiết lập một sân chơi bình đẳng và không phân biệt quốc gia, doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc đã rất chú trọng việc sử dụng các hàng rào kỹ thuật nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trước sức ép cạnh tranh từ bên ngoài. Song với Việt Nam, điều này đến nay chưa thấy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt vẫn phải lao đao với những vụ kiện chống bán phá giá, hỗ trợ giá. Ví như nhãn mác, bao bì, dư lượng hóa chất tối đa trong sản phẩm, nguồn gốc nguyên liệu… có thể là những rào cản khiến hàng hóa Việt chựng lại, thậm chí không có đường vào các nước trong khối TPP. Lợi ích thuế quan lúc đó “chỉ là cái lợi trên giấy”. Đặc biệt, các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm tại các thị trường lớn như Nhật, Mỹ lâu nay vẫn là cửa ải "khó nuốt" cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt. Việt Nam sẽ gặp khó khăn với các sản phẩm chăn nuôi với ba quốc gia Mỹ, Úc, New Zealand, đặc biệt là thị trường Mỹ. Trong lĩnh vực này, khả năng cạnh tranh của Việt Nam còn tương đối thấp, năng lực sản xuất và công nghệ hạn chế trong khi phải đối mặt thường xuyên với các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm”

Về vấn đề này, để giải quyết một phần thách thức và để bảo vệ ngành nông nghiệp trong nước, nhà nước cần áp dụng triệt để cơ chế bảo hộ bằng thuế quan cho những mặt hàng nông sản nhạy cảm, đặc biệt là chăn nuôi. Trong trường hợp cụ thể của TPP, một kết quả đàm phán mở cửa nông sản, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi, theo lộ trình bằng với lộ trình mà Việt Nam đã cam kết trong AANZFTA (Hiệp định khu vực thương mại tự do giữa các nước ASEAN, Úc và New Zealand được ký kết và có hiệu lực từ năm 2010) là hợp lý và khả thi. Nếu biện pháp thuế quan không áp dụng được, phải bảo hộ bằng hạn ngạch thuế quan (TRQ  -  Tariff Rate Quota).

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần triển khai xây dựng các rào cản kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế áp dụng cho sản xuất trong nước nhằm cải thiện tình hình sản xuất lương thực thực phẩm theo hướng an toàn hơn đồng thời đáp ứng yêu cầu của hàng hoá xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng cần nhìn vào thực trạng sản xuất trong nước để đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất ban hành phải phù hợp và khả thi với các doanh nghiệp trong nước, nhằm tránh phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.
 


Lượt xem: 445

Thống kê truy cập

Đang truy cập:1706

Tổng truy cập: 18440598