Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Tăng xúc tiến thương mại: Giải phóng hàng tồn kho

2013-07-04 15:48:00.0

Giá trị sản xuất công nghiệp 2 quý đầu năm tăng khá và lượng hàng tồn kho giảm đáng kể. Để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa những tháng cuối năm, nhiều địa phương đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại (XTTM) tại thị trường nội địa.

Giá trị sản xuất công nghiệp 2 quý đầu năm tăng khá và lượng hàng tồn kho giảm đáng kể. Để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa những tháng cuối năm, nhiều địa phương đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại (XTTM) tại thị trường nội địa.

Cần tổ chức tốt hệ thống phân phối để hàng hóa đến được đông đảo người tiêu dùng

Tồn kho giảm một nửa

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng 5,2%, tuy chưa cao nhưng cũng cho thấy sự hồi phục đáng kể. Điểm đáng chú ý là lượng hàng tồn kho đã giảm được hơn 10% so với đầu năm. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy: Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở thời điểm ngày 1/1/2013 tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đã giảm dần qua các tháng. Cụ thể tháng 2, hàng tồn kho tăng 19,9%; tháng 3 tăng 16,5%; tháng 4 tăng 13,1%; tháng 5 tăng 12,3% và tháng 6 tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Công Thương nhận định: Chỉ số tồn kho sản phẩm giảm dần qua các tháng một phần do các cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, sự năng động, linh hoạt điều tiết hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Bà Mai Thị Ánh Tuyết- Giám đốc Sở Công Thương An Giang- chia sẻ: Cuối năm 2012, lượng tồn kho tại các DN, nhất là DN thủy sản trên địa bàn rất lớn, nhưng những tháng đầu năm đã trở lại bình thường. Lãnh đạo Sở Công Thương Gia Lai cho biết: Các DN sản xuất hàng tiêu dùng theo nhu cầu thị trường, các mặt hàng công nghiệp chế biến lớn như đường, tinh bột sắn… sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó. Do đó lượng hàng tồn kho ở mức hợp lý, không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất - kinh doanh của DN.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương 6 tháng cuối năm chính là ổn định và phát triển sản xuất, giải phóng hàng tồn kho. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã đề nghị các DN, tập đoàn chủ động nắm bắt tín hiệu thị trường để điều hành sản xuất phù hợp, nhằm đưa chỉ số hàng tồn kho xuống thấp hơn nữa. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ hàng Việt phải được tăng cường, gắn với tiêu dùng, sản xuất và đầu tư mới mang lại hiệu quả cao.

Thị trường nội địa vẫn là trọng tâm

Để giảm bớt hàng tồn kho, công tác XTTM thị trường nội địa vẫn được xem là giải pháp trọng tâm. Theo bà Mai Thị Ánh Tuyết, cùng với việc đưa hàng Việt về nông thôn, việc tiêu thụ hàng hóa còn được hướng tới các thị trường lớn, đông dân cư. “Chúng tôi đã thực hiện XTTM Hà Nội – An Giang tại Hà Nội, hoạt động này cũng đã được đẩy mạnh ở TP. Hồ Chí Minh, tới đây là Đà Nẵng, và Tây Nguyên”- bà Tuyết nói.

 Một số địa phương khác như Bình Thuận, Long An cũng đã mở rộng liên kết với các tỉnh, vận động DN tham gia các hội chợ để bán hàng và mở rộng thị trường. Đơn cử như trong tháng 6, Sở Công Thương Bình Thuận đã mở 3 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn để thúc đẩy bán hàng. Trong tháng 7, Sở đã xây dựng kế hoạch khảo sát thị trường trong nước; vận động và hỗ trợ DN tham gia các hội chợ thương mại tại Hà Tĩnh, Hậu Giang.

Ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)- cho rằng, giải pháp trước mắt là thực hiện ngay các chương trình XTTM và phải tăng thêm chi phí cho hoạt động này. Bên cạnh đó, cần tổ chức tốt hệ thống phân phối để hàng hóa có giá hợp lý đến được với đông đảo người tiêu dùng.

Bộ Công Thương dự báo, 6 tháng cuối năm, sức mua của thị trường trong nước sẽ tăng cao hơn 6 tháng đầu năm do có nhiều dịp lễ, Tết; các chương trình khuyến mãi, giảm giá được triển khai nhiều hơn nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội cả năm sẽ tăng khoảng 12,48% so với năm trước.


Lượt xem: 376

Thống kê truy cập

Đang truy cập:531

Tổng truy cập: 18515103