Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Tăng trưởng quý 1 đạt 7%, cao nhất trong 10 năm qua

2018-04-23 10:53:00.0

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, tăng trưởng GDP quý 1 dự kiến đạt trên 7%. Đây là mức cao nhất trong 10 năm qua. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng là động lực cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng 11%.

Trong điều kiện tăng trưởng các quý tiếp theo tiếp tục có những diễn biến thuận lợi như quý 1, dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt 6,9% - 7,1%. Theo đó: Tăng trưởng kinh tế quý 1/2018 đang gặp nhiều thuận lợi dựa vào sự cải thiện về tổng cung của nền kinh tế. Trong các quý còn lại của năm 2018, nếu tổng cầu tiếp tục có những diễn biến tích cực:

  • Cầu tiêu dùng duy trì được đà tăng như quý 1;
  • Đầu tư tư nhân tiếp tục tăng cao trong bối cảnh niềm tin vào tăng trưởng kinh tế khả quan;
  • Nếu tích cực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu quý 2/2018 để hỗ trợ tăng trưởng, tăng trưởng của nền kinh tế có thể vượt kế hoạch 6,5 - 6,7% đề ra cho năm 2018.

Lạm phát Q1/2018 về cơ bản được kiểm soát chặt chẽ. CPI tháng 3/2018 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 2,66% so với cùng kỳ, và tăng 0,97% so với đầu năm; CPI bình quân ba tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,82%; Lạm phát cơ bản duy trì ổn định, tăng 1,38% so với cùng kỳ, thấp hơn mục tiêu đề ra trong năm là 1,6% - 1,8%.

CPI tháng 3 giảm so với tháng trước đúng theo quy luật tiêu dùng sau Tết của những năm gần đây. Phân tích cho thấy, tương tự xu hướng của quý 1/2017, CPI quý 1/2018 tăng chủ yếu do: tăng giá dịch vụ y tế (tăng 29,13% so với cùng kỳ đóng góp CPI tổng thể tăng 1,13 điểm %); nhóm giao thông (tăng 2,97% so với cùng kỳ đóng góp CPI tổng thể tăng 0,28 điểm %); giá nhà ở, vật liệu xây dựng (tăng 2,96% so với cùng kỳ, đóng góp CPI tổng thể tăng khoảng 0,47 điểm %)

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo lạm phát cả năm 2018, nếu không có yếu tố đột biến, lạm phát năm 2018 sẽ tăng ở mức 3,5% - 3,8% so với cùng kỳ. Theo đó:

- Giá điện tăng 6,08% từ cuối năm 2017 góp phần làm CPI năm 2018 tăng khoảng 0,1 điểm %.

- Giá thực phẩm đã tăng 1,2% so với đầu năm, đóng góp làm CPI tăng 0,27 điểm%. Nếu giá thực phẩm tăng tương đương với mức tăng của năm 2015 (1,5%) và 2016 (3,5%) sẽ làm lạm phát tăng 0,4 - 0,7 điểm %.

 - Yếu tố giá hàng hóa phi năng lượng sẽ không gây nhiều áp lực lên lạm phát do tốc độ tăng giá hàng hóa thế giới năm 2018 được dự báo sẽ thấp hơn năm 2017.

Tuy nhiên, nếu giá dầu thô tăng khoảng 15% - 17% (ở mức 60-62 USD/thùng) sẽ góp phần làm cho giá giao thông tăng khoảng 5% - 7% so với năm trước, đóng góp làm CPI tổng thể tăng khoảng 0,5 - 0,7 điểm %. Như vậy, dư địa lạm phát còn lại để điều chỉnh giá dịch vụ công trong năm 2018 là 1 - 1,2 điểm %. Nếu năm 2018, giá điện không tăng, giá dịch vụ y tế và giá giáo dục chỉ tăng 40% - 60% so với mức tăng của hai nhóm ngành này trong năm 2017 thì lạm phát sẽ ở mức 3,5% - 3,8% (so cùng kỳ).

Ngân sách Nhà nước thặng dư, nợ công/GDP nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép.

 - Quý I/2018, thu NSNN đạt 308,5 nghìn tỷ đồng (bằng 23,4% dự toán), chi NSNN đạt 290 nghìn tỷ đồng (bằng 19% dự toán), do đó ngân sách thặng dư 18,5 nghìn tỷ đồng. Dự kiến, cân đối NSNN năm 2018 sẽ đảm bảo mục tiêu (bội chi NSNN ở mức 3,7% GDP) do hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng khá, giá dầu duy trì ở mức cao. Tuy nhiên bên cạnh đó, cần lưu ý tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (quý I/2018 mới đạt 9% dự toán, cùng kỳ năm 2017 đạt 12,4% dự toán).

 - Dự kiến đến cuối năm 2018, nợ công/GDP ước khoảng 61,4%, trong đó nợ Chính phủ khoảng 51,9% GDP, nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép.

Cán cân thanh toán thặng dư ở mức cao, nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Cán cân thanh toán quốc tế năm 2017 thặng dư cao nhất trong 5 năm gần đây, chủ yếu nhờ cán cân vốn tăng đột biến (tăng 85%) do vốn đầu từ gián tiếp nước ngoài tăng mạnh. Quý 1/2018, dự báo cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục thặng dư ở mức cao nhờ cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu. Tuy nhiên cả năm 2018, cán cân thương mại có thể bị tác động bất lợi do lo ngại về xung đột thương mại Mỹ Trung và chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng mạnh mẽ.


Lượt xem: 328

Thống kê truy cập

Đang truy cập:1058

Tổng truy cập: 18466134