Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Tăng giá điện năm 2011: Ảnh hưởng thấp nhất đến kinh tế - xã hội

2011-02-28 15:50:00.0

(VEN) - "Mức tăng giá điện năm 2011 nhằm bù lỗ một phần cho ngành điện và từng bước đưa giá điện theo giá thị trường nhưng không làm ảnh hưởng quá lớn đến nền kinh tế"

 

 

(VEN) - "Mức tăng giá điện năm 2011 nhằm bù lỗ một phần cho ngành điện và từng bước đưa giá điện theo giá thị trường nhưng không làm ảnh hưởng quá lớn đến nền kinh tế" - đó là những khẳng định của Bộ Công Thương trong cuộc họp báo về tình hình tăng giá điện và cung ứng điện mùa khô năm 2011 diễn ra chiều nay (26/2/2011) tại Hà Nội.

Bù lỗ một phần cho ngành điện

Theo Quyết định số 269/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ 1/3/2011, giá điện bình quân sẽ ở mức 1.242 đồng/kWh, tăng 165 đồng/kWh so với giá điện bình quân thực hiện năm 2010. Chính phủ sẽ tiếp tục áp dụng biểu giá điện bậc thang cho điện sinh hoạt gồm 7 bậc với bậc thang đầu tiên (từ 0-50 kWh) có giá chỉ bằng 80% giá bán điện bình quân năm 2011 và áp dụng cho các hộ có thu nhập thấp, thường xuyên sử dụng dưới 50 kWh điện/tháng. Để được áp dụng mức giá này, các hộ phải đăng kí trước; Giá điện cho các bậc thang thứ 2 (0-100 kWh) áp dụng cho các hộ sử dụng điện thông thường, có giá ở mức bằng giá bán điện bình quân; Giá điện ở các bậc thang tiếp theo tăng dần để khuyến khích tiết kiệm điện. Tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo chưa nối lưới điện quốc gia, giá điện sinh hoạt bằng 1,5 lần giá bán điện bình quân năm, giá trần bằng 2,5 lần giá bán điện bình quân năm.

Lý giải cho mức tăng giá điện 15,28% trong lần điều chỉnh giá này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: "Việc tăng giá điện lần này được thực hiện nhằm giảm quyết 4 vấn đề chính: Thứ nhất là giá điện hiện nay chưa phản ánh đúng chi phí, cộng với tình hình hạn hán nặng nề trong năm 2010 đã khiến cho ngành điện lỗ lớn. Do đó lần tăng giá này nhằm mục đích bù đắp một phần lỗ cho ngành điện. Thứ hai, đây là một bước trong lộ trình thực hiện thị trường hóa giá điện. Thứ ba, tăng giá điện nhằm thu hút đầu tư vào các công trình điện, đảm bảo cho hệ thống điện có đủ nguồn cung cấp, đủ năng lực truyền tải và phân phối điện, vận hành ổn định. Thứ tư, tăng giá điện sẽ kích thích các hộ sử dụng điện trong nước sử dụng điện tiết kiệm hơn".

Mức giá điện năm 2011 được xây dựng trên các cơ sở như: Giá than cho sản xuất điện tăng 5% so với hiện hành, bằng 66% –72% giá thành sản xuất than năm 2010; Tỷ giá ngoại tệ được tính toán để áp dụng ở mức 19.500 đồng/USD. Với mức tỷ giá này, thực tế doanh nghiệp đã phải chịu lỗ 1.400 đồng/USD khi thanh toán theo tỷ giá liên ngân hàng và khoảng 3.000 đồng/USD khi thanh toán theo tỷ giá của thị trường tự do; Lợi nhuận của EVN được tính bằng 0%. Các chi phí phát sinh của EVN từ các năm trước như chi phí vận hành bảo dưỡng, chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ năm 2010 trở về trước, chi phí tăng thêm do phát điện giá cao, chi phí chênh lệch tỷ giá… vẫn chưa được tính vào giá điện năm 2011. Do đó, để giảm thiểu ảnh hưởng của việc tăng giá điện đến nền kinh tế, khi quyết định tăng giá điện, Chính phủ đã cân nhắc mức giá mới chỉ bù đắp một phần chi phí phát sinh cho ngành điện nói chung và cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói riêng. Theo ông Phạm Mạnh Thắng – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực – Bộ Công Thương: "Tính chung 2 năm 2010 và 2011, mức lỗ của EVN ước tính khoảng 57.000 tỷ đồng. Với mức tăng 165 đồng/kWh, nguồn thu của ngành điện chỉ tăng thêm khoảng 16.200 tỷ đồng, chưa thể bù lỗ cho giá điện".

Bên cạnh đó, theo đúng lộ trình, đến năm 2014, thị trường điện cạnh tranh sẽ chính thức đi vào vận hành. Do đó, việc tăng giá điện lần này còn được lí giải là một trong những bước trong lộ trình đưa giá điện tiếp cận dần với giá thị trường, từng bước đưa thị trường điện cạnh tranh vào vận hành.

Ảnh hưởng thấp nhất đến nền kinh tế

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, với mức tăng giá điện so với giá thực hiện năm 2010 là 165 đồng/kWh, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế đã được xem xét để giữ ở mức thấp nhất. Cụ thể, ảnh hưởng của giá điện sẽ làm tăng khoảng 0,46% CPI. Bên cạnh đó, dự kiến giá điện cho sản xuất tăng bình quân khoảng 12%, làm tăng giá thành sản xuất của các ngành sản xuất từ 0,01%–1,33%. Đối với các ngành cán thép, xi măng, sản xuất sợi, tỷ lệ tăng giá thành sản phẩm do điều chỉnh giá điện khoảng từ 0,38%–1,33%; Đối với các ngành thuốc lá, bia, sản xuất bao bì, tỷ lệ tăng giá thành sản phẩm do điều chỉnh giá điện khoảng từ 0,01%–0,46%.

Đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt, việc điều chỉnh giá điện sẽ làm cho hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng phải trả thêm khoảng 32.000 đồng; Hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng sẽ phải trả thêm 39.000 đồng; Hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng sẽ phải trả thêm 45.000 đồng; Hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng sẽ phải trả thêm 52.000 đồng. 

Điểm mới nhất của lần tăng giá điện này là các hộ nghèo sẽ được trợ giá điện 30.000 đồng/hộ/tháng. Để bù lỗ cho EVN, mức trợ giá cho khoảng 3,2 triệu hộ nghèo trên cả nước, tương đương khoảng 1.120 tỷ đồng sẽ được lấy từ Ngân sách Nhà nước.

Riêng với các hàng hóa thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, hàng may mặc, nhiên liệu xăng, dầu…, thực tế, tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành các mặt hàng này là rất nhỏ, do đó tỷ lệ tăng giá các mặt hàng này do điều chỉnh là không đáng kể./. 
 

 

Huy động nhiều nguồn cho cung ứng điện mùa khô 2011

Theo dự báo của EVN, năm 2011, tổng nhu cầu điện sản xuất toàn quốc là 117,63 tỷ kWh, tăng 17,36% so với năm 2010. Riêng 6 tháng mùa khô cần khoảng 56 tỷ kWh điện.

Để nâng cao khả năng cung ứng điện trong các tháng còn lại của mùa khô 2011 ở mức cao nhất có thể nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo EVN theo dõi sát khả năng phát điện của các nguồn điện trong hệ thống, đảm bảo cung cấp điện tối đa trong khả năng có thể và vận hành hệ thống điện an toàn trong giai đoạn mùa khô năm 2011. Các biện pháp cụ thể là: Huy động phát điện tối đa các nhà máy điện, trưng dụng các tổ máy nhiệt điện mới còn đang trong thời gian thử nghiệm hoặc nghiệm thu để tăng cường nguồn phát điện cho hệ thống; Điều chỉnh lịch bảo dưỡng, sửa chữa, tiếp tục hoãn sửa chữa các tổ máy nếu điều kiện kỹ thuật cho phép duy trì, vận hành, kết hợp với tăng cường giám sát tình trạng thiết bị; Đẩy nhanh việc đưa vào khai thác các nguồn điện mới. Dự kiến, khoảng 8 tổ máy của 16 nhà máy điện sẽ được đưa vào vận hành trong năm nay như tổ máy số 2 Nhà máy Thủy điện Sơn La, tổ máy 2 Nhà máy Thủy điện Sông Tranh, tổ máy 2 Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch…; Thực hiện nghiêm túc kế hoạch cung cấp điện. Nếu thiếu điện thì việc tiết giảm điện phải được thực hiện theo kế hoạch do UBND tỉnh, thành phố phê duyệt. Thực hiện cắt giảm điện theo nguyên tắc luân phiên, công bằng, hài hòa giữa nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, đảm bảo công bằng, minh bạch, công khai; Tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện tiết kiệm điện trên các phương tiện thông tin đại chúng. 


Lượt xem: 400

Thống kê truy cập

Đang truy cập:391

Tổng truy cập: 18718639