Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Sở Công Thương kiểm tra 30 DN hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh Bình Dương

2016-08-30 03:00:00.0

Từ ngày 30 tháng 3 năm 2016 đến ngày 10 tháng 8 năm 2016, Sở Công Thương đã tiến hành kiểm tra 30 doanh nghiệp hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Qua công tác kiểm tra trong việc chấp hành pháp luật về an toàn hóa chất và kết hợp việc phổ biến, hướng dẫn cho các đơn vị những văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong các lĩnh vực có liên quan tới việc quản lý hóa chất nhằm nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản hóa chất và công tác an toàn lao động, công tác phòng cháy chữa cháy trong lĩnh vực hoạt động hóa chất theo đúng quy định của pháp luật.

Nhìn chung đa số các đơn vị hoạt động hóa chất có sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành, thực hiện các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng hóa chất; chấp hành đầy đủ các quy định, thủ tục hành chính về quản lý và sử dụng hóa chất. Lưu đầy đủ hồ sơ và các giấy tờ đảm bảo điều kiện hoạt động hóa chất như: Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện ngành công nghiệp (đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh hóa chất); có xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định. Thực hiện phân loại và ghi nhãn hóa chất; các loại hóa chất nguy hiểm đều có phiếu an toàn hóa chất nội dung đúng theo quy định; lập phiếu kiểm soát mua bán hóa chất độc của các loại hóa chất theo danh mục tại phụ lục 16 Nghị định 26/2011/NĐ-CP ngày 08/4/2011 của Chính phủ; Kho bảo quản hóa chất thực hiện theo các tiêu chuẩn quy định tại TCVN 5507:2002, có trang thiết bị, phương tiện ứng cứu sự cố phù hợp với các đặc tính nguy hiểm của hóa chất, đặc biệt kho bảo quản Nitrocellulose là loại hóa chất đặc biệt dễ cháy nổ được các đơn vị quan tâm và được bố trí riêng biệt, kiểm soát nhiệt độ, trang bị các biển cảnh báo nguy hiểm và hình đồ cảnh báo tại các khu vực kho bảo quản hóa chất.

Bên cạnh đó, việc bố trí người trực tiếp điều hành sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm có trình độ chuyên ngành hóa học; sử dụng người quản lý và người lao động liên quan trực tiếp đến hoạt động hóa chất được huấn luyện, đào tạo về quy trình kỹ thuật an toàn trong sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển hóa chất nguy hiểm và kỹ thuật an toàn phòng độc, phòng chống cháy, nổ theo quy định; có bố trí cán bộ chuyên trách về an toàn hóa chất có trình độ chuyên môn phù hợp với quy mô và loại hình sản xuất, kinh doanh hóa chất, nắm vững công nghệ, phương án và các biện pháp bảo đảm an toàn hóa chất; hợp đồng mua bán hóa chất; báo cáo thủ tục xuất, nhập kho hóa chất nguy hiểm; đặc biệt có sổ theo dõi việc sử dụng, kinh doanh tiền chất công nghiệp; chứng từ, hóa đơn hợp pháp chứng minh rõ nguồn gốc nơi sản xuất, nơi nhập khẩu hoặc nơi cung cấp các loại tiền chất công nghiệp, lập bản định mức tiêu hao tiền chất trên một đơn vị sản phẩm, báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng tiền chất và bản cam kết không để thất thoát tiền chất trong quá trình sử dụng vào điều chế chất ma túy theo đúng quy định tại Thông tư số 42/2013/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công Thương.

Đoàn kiểm tra Sở Công Thương tại Công ty TNHH Giấy Kratf Vina

Thực tế qua kiểm tra trong năm 2016 cho thấy đa số các doanh nghiệp hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh có ý thức chấp hành tốt và khắc phục những tồn tại, kiến nghị của Đoàn kiểm tra năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chấp hành pháp luật về hoạt động hóa chất chưa nghiêm, chưa chú trọng, quan tâm công tác an toàn hóa chất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng và bảo quản do thiếu hiểu biết các quy định pháp luật về hóa chất; việc bố trí cán bộ quản lý chưa phù hợp với công tác quản lý an toàn hóa chất nên việc tiếp cận các quy định pháp luật để tư vấn, tham mưu cho các chủ doanh nghiệp thực hiện chưa tốt dẫn đến việc thực hiện chưa đúng các quy định pháp luật hiện hành về quản lý an toàn hóa chất. Trên cơ sở đó, Sở đã hướng dẫn, nhắc nhở, khắc phục những thiếu sót là chủ yếu. Cụ thể như:

- Có 14 đơn vị đã xây dựng Kế hoạch/Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhưng chưa được Bộ Công Thương phê duyệt và Sở Công Thương xác nhận; Sở đã yêu cầu 14 đơn vị trên nhanh chóng hoàn chỉnh Kế hoạch/Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất với thời gian 60 ngày kể từ ngày lập biên bản kiểm tra gửi Bộ Công Thương phê duyệt và Sở Công Thương xác nhận theo quy định tại Thông tư số 20/2013/TT-BCT ngày 05/8/2013 của Bộ Công Thương;

- Thực hiện chưa đầy đủ công tác quản lý sử dụng tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp (12 doanh nghiệp). Qua đó, Sở đã hướng dẫn cho các đơn vị thực hiện đúng quy định tại Điều 8 của Thông tư số 42/2013/TT-BCT ngày 31/12/2013 của Bộ Công Thương quy định quản lý, kiểm soát tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp.

- Chưa tổ chức huấn luyện cho người quản lý và người lao động tiếp xúc với hóa chất (11 doanh nghiệp). Sở đã yêu cầu 11 đơn vị này lập danh sách và đăng ký Sở Công Thương để được huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất theo quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-BCT ngày 22/10/2014 của Bộ Công Thương quy định về huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất và cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất.

Ngoài ra,  có 01 đơn vị không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện; Đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực hóa chất với số tiền phạt là: 25.000.000 đồng (hai mươi lăm triệu đồng) và 01 đơn vị không xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp; Đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực hóa chất với số tiền phạt là: 13.000.000 đồng (mười ba triệu đồng). Qua đó, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu 02 đơn vị trên nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất và xác nhận Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp theo quy định.

Đoàn kiểm tra Sở Công Thương tại Công ty TNHH Wolsung Vina

Qua công tác kiểm tra hàng năm, các doanh nghiệp có sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành pháp luật về hoạt động hóa chất là do làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp những quy định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo quản và sử dụng hóa chất. Tuy nhiên, vẫn còn các doanh nghiệp thực hiện chưa tốt do thiếu hiểu biết và chưa cập nhật kịp thời các quy định pháp luật về hóa chất. Các doanh nghiệp hoạt động hóa chất này tập trung chủ yếu trong các khu, cụm công nghiệp do vậy:

a. Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ban quản lý các Khu Công nghiệp cần phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật về hóa chất cho các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp trong việc quản lý và thực hiện tốt an toàn trong lĩnh vực hoạt động hoá chất.

b. Kiến nghị Bộ Công Thương:

 - Cần quy định cụ thể đối tượng kinh doanh hóa chất. Thuật ngữ “kinh doanh hóa chất” được giải thích tại Thông tư số 28/2010/TT-BCT, thuật ngữ này phù hợp với thuật ngữ kinh doanh tại Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động hóa chất nói chung, Thông tư số 28/2010/TT-BCT nói riêng chưa có quy định rõ đối với các cơ sở có hoạt động pha loãng nồng độ hóa chất, chiết rót sang chai đóng gói, chiết nạp khí công nghiệp, sản xuất các sản phẩm hóa chất như sơn, keo, mực in…

- Cần quy định cụ thể mô hình kinh doanh hóa chất theo hình thức mua bán trung gian, không lưu kho hóa chất.

- Cách danh mục hóa chất tại các Nghị định, Thông tư cần thống nhất về danh pháp quốc tế hoặc tên gọi theo tiếng Việt; mã số nhận dạng theo CAS hoặc UN.

- Hiện tại quy định về nhân sự quản lý an toàn hóa chất có trình độ chuyên môn về hóa chất đối với đơn vị sản xuất, kinh doanh hóa chất mà chưa quy định về việc bố trí đối với các doanh nghiệp sử dụng hóa chất. Điều này dẫn đến các đơn vị sử dụng hóa chất bố trí nhân sự không có chuyên môn như bộ phận kế toán, xuất nhập khẩu, quản lý nhân sự,...điều này dẫn đến việc thực hiện quản lý an toàn hóa chất tại đơn vị chỉ mang tính chất đối phó.

- Ban hành quy định cụ thể về khoảng cách an toàn từ cơ sở hoạt động hóa chất nguy hiểm đến khu dân cư và công trình công cộng khác do tại khoản 10 Điều 1 Nghị định 26/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ quy định là các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh, cất giữ, bảo quản và sử dụng hóa chất phải thiết lập khoảng cách an toàn trước ngày 30/12/2012. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại Bộ Công Thương chưa ban hành quy định nào về khoảng cách an toàn.

- Ban hành quy định về  phạm vi điều chỉnh đối với sản phẩm hỗn hợp chất có thành phần các chất trong các phụ lục tại Nghị định 108/2008/NĐ-CP, Nghị định 26/2011/NĐ-CP, Thông tư 28/2010/TT-BCT, Thông tư 07/2013/TT-BCT, Thông tư 42/2013/TT-BCT.


Lượt xem: 598

Thống kê truy cập

Đang truy cập:1450

Tổng truy cập: 18613816