Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Sở Công Thương khuyến cáo người dân đối với kinh doanh hàng đa cấp

2016-04-14 19:00:00.0

Trong thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng xảy ra nhiều vụ tố cáo, thưa kiện của người dân về việc bán hàng đa cấp. Qua xem xét các hồ sơ liên quan cho thấy: nguyên nhân chính xảy ra các vụ tố cáo, thưa kiện là do hợp đồng mua bán hàng hóa giữa doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người dân tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp không rõ ràng, đầy đủ.

Trong đó, một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp cố tình không nêu rõ ràng, đầy đủ những điều khoản như mẫu hợp đồng đã đăng ký với Cục Quản lý cạnh tranh còn người tham gia bán hàng đa cấp thì không tìm hiểu kỹ quy định hiện hành về bán hàng đa cấp và các điều khoản nêu trong hợp đồng.

Một buổi hội thảo của Doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và ngăn chặn các hành vi bán hàng đa cấp bất chính, Sở Công Thương đã có văn bản số 503/SCT-QLTM ngày 14/4/2016 gửi Sở Thông tin và Truyền thông và Báo Bình Dương để phối hợp tuyên truyền, thông tin thông tin đến người dân trên địa bàn tỉnh một số thông tin cần thiết về hoạt động bán hàng đa cấp, nội dung cụ thể như sau:

1. Những hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp được quy định tại Điều 5, Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp: “Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây:

- Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

- Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

- Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình;

- Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp;

- Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay các lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng;

- Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải tuyển dụng mới hoặc gia hạn hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với một số lượng nhất định người tham gia bán hàng đa cấp để được quyền hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc các lợi ích kinh tế khác;

- Thu phí cấp, đổi thẻ thành viên theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 21 Nghị định này dưới bất kỳ hình thức nào;

- Không cam kết cho người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa và nhận lại khoản tiền đã chuyển cho doanh nghiệp theo quy định tại Điều 26 Nghị định này;

- Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, về tính chất, công dụng của hàng hóa, về hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp…”
 
2. Để tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính. Ngoài những hành vi bị cấm nêu trên, Sở Công Thương khuyến cáo người dân một số thông tin như sau:

- Cần tìm hiểu thật kỹ doanh nghiệp mà mình dự định ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp như tình trạng đăng ký, uy tín của doanh nghiệp, cách thức hoạt động, chính sách trả thưởng và các sản phẩm kinh doanh theo phương thức đa cấp. Thông tin về các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương theo đường link sau:  http://www.vca.gov.vn/DNBHDC.aspx?cateid=424;

- Cảnh giác trước các thông tin được đưa ra liên quan đến hàng hóa và công dụng sử dụng của sản phẩm, về lợi ích khi tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp và cần lưu ý các khoản hoa hồng, tiền thưởng chi trả cho nhà phân phối phải xuất phát từ hoạt động bán hàng của doanh nghiệp và bản thân các nhà phân phối. Việc chào mời tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp có hoa hồng cao, lãi suất lớn hoặc hình thức đầu tư tài chính mà không dựa vào việc bán hàng hóa đều là dấu hiệu của hành vi lợi dụng mô hình đa cấp để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản;

- Cần nắm rõ quy định của pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp để bảo vệ quyền lợi chính đáng mà mình được hưởng. Nếu tham gia hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đã cấp Giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp thì phải ký hợp đồng đúng với mẫu hợp đồng Công ty đã đăng ký với Cục Quản lý cạnh tranh;

- Mọi hình thức thu tiền của người vào sau để trả hoa hồng cho người vào trước mà không qua giao dịch mua bán hàng hóa đều bị pháp luật nghiêm cấm. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP của pháp luật: “Tổng trị giá hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trả cho người tham gia bán hàng đa cấp trong một năm quy đổi thành tiền không được vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp trong năm đó của doanh nghiệp bán hàng đa cấp”. Vì vậy, mọi cam kết chi trả lớn hơn 40% đều vi phạm quy định của pháp luật;

- Cần lưu ý sản phẩm cần phải phù hợp với nhu cầu sử dụng của nhà phân phối cũng như người tiêu dùng. Nhà phân phối có quyền yêu cầu doanh nghiệp bán hàng đa cấp mua lại lượng sản phẩm chưa sử dụng trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận hàng.

Trường hợp quyền và lợi ích của người tham gia hoạt động bán hàng đa cấp bị xâm hại, đề nghị liên hệ với Sở Công Thương tỉnh Bình Dương theo số điện thoại: 06503.820.767 (giờ hành chính), Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo số điện thoại: 06503.840.067 (giờ hành chính) hoặc nhận thấy doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đề nghị liên hệ với các cơ quan công an tại các địa phương để được hỗ trợ./.


Lượt xem: 370

Thống kê truy cập

Đang truy cập:432

Tổng truy cập: 18538734