Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Sở Công thương Bình Dương tiếp và làm việc cùng Sở Công thương Long An

2019-03-12 14:32:00.0

Sáng ngày 06-03, Sở Công thương Bình Dương đã tổ chức buổi làm việc tiếp đoàn công tác của Sở Công thương Long An về việc trao đổi học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước về Chợ, Siêu thị, Trung tâm Thương mại.

Chủ trì buổi làm việc phía Sở Công thương Bình Dương là đồng chí Nguyễn Văn Dành – Giám đốc Sở, đại diện phía Sở Công thương Long An là đồng chí Nguyễn Anh Việt – Phó Giám đốc Sở; tham dự có đại diện một số sở ngành, điạ phương của tỉnh Bình Dương như Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính, UBND thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, huyện Bắc Tân Uyên và lãnh đạo các phòng ban của Sở Công thương hai tỉnh.

Sở Công thương Bình Dương tiếp và làm việc cùng Sở Công thương Long An

Trong những năm gần đây, UBND tỉnh Bình Dương có chủ trương là phải đầu tư xây dựng chợ bằng hình thức xã hội hóa; Sở Công thương phối hợp cùng các ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư chợ theo hình thức xã hội hóa; phối hợp khảo sát và tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương về địa điểm, quy mô phát triển hạ tầng thương mại đúng theo quy hoạch và phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đến nay, có 80/106 chợ được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp (xã hội hóa).

Hiện nay, trên toàn tỉnh có 106 chợ, trong đó, có: 2 chợ loại I, 15 chợ loại II, 89 Chợ loại III (64 chợ ở khu vực thành thị, 42 chợ ở nông thôn), 26 chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, 80 chợ được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp (xã hội hóa).

Việc giải tỏa điểm tập trung mua bán tự phát: Phía Sở Công thương Long An cũng bày tỏ mối quan tâm đối với công tác quản lý điểm tập trung mua bán tự phát tại tỉnh Bình Dương đã được giải tỏa hoặc sắp xếp vào chợ tạm thời, có sự quản lý của cấp xã, phường để ổn định kinh doanh; hoạt động kinh doanh chợ ngày càng đảm bảo về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và văn minh thương mại.

Do tình hình tập trung dân cư đông đúc, trình độ, ý thức và thói quen tiêu dùng của đại đa số người dân còn chưa cao, người lao động và các tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ từ các nơi đổ về làm công nhân và kinh doanh mua bán hàng lưu động nhiều hàng hóa kinh doanh chủ yếu là hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả và hàng rong....nên hình thành nhiều điểm tập trung mua bán tự phát; Hiên nay trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm nhóm họp chợ tự phát trên nhiều khu vực, tuyến đường vỉa hè...gây mất an ninh trật tự, an toàn toàn giao thông và mỹ quan đô thị, không đảm bảo vệ sinh môi trường, văn minh thương mại và an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.

Để giải quyết vấn đề này, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1347/QĐ-UBND ngày 08/04/2009 về việc bố trí, sắp xếp địa điểm tạm thời cho những người hoạt động thương mại nhỏ, lẻ; Các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm thành lập Ban chỉ đạo giải tỏa chợ tự phát để tổ chức thực hiện, gồm: lắp đặt biển cấm họp chợ; sắp xếp trật tự kinh doanh đối với các chợ có lấn chiếm lòng lề đường; tổ chức chợ tạm thời; giải tỏa các điểm tập trung mua bán tự phát; Trong đó, trách nhiệm của chủ tịch UBND các phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm về chợ tự phát. Kết quả, đến nay tình trạng các điểm mua bán tự phát trên địa bàn tỉnh và việc lấn chiếm lòng lề đường ở các chợ đã được hạn chế nhiều, đã giải tỏa những điểm gây mất trật tự giao thông công cộng.

Về việc thành lập chợ tạm thời: Thực hiện Văn bản số 3940/UBND-KTN của UBND tỉnh về việc hình thành chợ tạm thời và Sở Công thương có văn bản hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố về tổ chức, quản lý chợ tạm để triển khai thực hiện; các huyện, thị xã, thành phố đã xem xét cho thành lập 32 chợ tạm thời nhằm giải quyết địa điểm kinh doanh cho các hộ mua bán nhỏ, góp phần giải tỏa các điểm tập trung tự phát. Các chợ tạm thời được UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức quản lý, sắp xếp trật tự kinh doanh nhằm đảm bảo an ninh trật tự và văn minh thương mại. Sở Công Thương thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các huyện, thị xã, thành phố kêu gọi nhà đầu tư xây dựng chợ theo quy hoạch, sắp xếp trật tự kinh doanh chợ.

Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư chợ

- Chính quyền tỉnh Bình Dương luôn có cơ chế, chính sách thông thoáng tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nhưng phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ với các sở ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc đầu tư. Việc xây dựng phải tuân thủ đúng các cam kết, tránh tình trạng đăng ký đầu tư là chợ, nhưng khi đi vào hoạt động lại thay đổi chức năng.

- Lợi ích trong xã hội hóa đầu tư xây chợ phải đảm bảo hài hòa: Nhà đầu tư có dự án để kinh doanh lâu dài, tiểu thương và người dân có chợ khang trang để mua bán, địa phương có thêm hạ tầng thương mại mới. Để đảm bảo mục tiêu này, ngành chức năng và chính quyền sẽ cùng tích cực hỗ trợ, kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng, kinh doanh chợ xã hội hóa trên cơ sở xây dựng chợ phải bảo đảm 3 yếu tố: Cơ sở hạ tầng xây mới, chính sách quản lý minh bạch, hỗ trợ cho tiểu thương vào kinh doanh.

Đại diện Sở Công Thương Long An tặng quà Sở Công Thương Bình Dương

Kết thúc buổi làm việc, đại diện Sở Công thương Bình Dương đưa đoàn Sở Công thương Long An tham quan mô hình chợ an toàn thực phẩm đang thực hiện tại chợ Tân Thành thuộc thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Đoàn công tác tham quan thực tế tại chợ Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên 


Lượt xem: 340

Thống kê truy cập

Đang truy cập:1386

Tổng truy cập: 18715606