Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Sở Công Thương Bình Dương tham dự Hội nghị sơ kết Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2014-2018

2019-05-03 10:40:00.0

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được coi là nhiệm vụ mang tính chiến lược nhằm tạo tiền đề vững chắc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Hoạt động khuyến công cả nước đã tích cực hướng các nội dung vào góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (cơ sở CNNT) vào thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển. Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 1288/QĐ-TTg (2014-2018), Chương trình khuyến công quốc gia đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. 

Hội nghị sơ kết Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2014-2018

Nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia (KCQG) giai đoạn 2014 - 2018, từ đó xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nâng cao hiệu quả thực hiện, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của Chương trình, đồng thời đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ các nội dung cần thực hiện đối với Chương trình KCQG giai đoạn tiếp theo, ngày 24/4/2019 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Bộ Công Thương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Chương trình khuyến công giai đoạn 2014 – 2018.
Tham dự Hội nghị có sự tham dự của Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản; cùng đại diện một số Bộ, Ban, ngành Trung ương; đại diện của 63 Sở Công Thương vàcác Trung tâm Khuyến công trên cả nước; các Hiệp hội; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn...

Khuyến công – Gam màu sáng cho phát triển công nghiệp nông thôn

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị đã khẳng định, từ năm 2014, Chương trình khuyến công quốc gia theo Quyết định số 1288 của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp, từ công tác chỉ đạo đến hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện, mang lại gam màu mới cho phát triển công nghiệp nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hoạt động khuyến công đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhận kinh tế quốc tế.
Bộ trưởng đánh giá, sau 5 năm, hoạt động khuyến công đã huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động và góp phần xây dựng nông thôn mới, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơntại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường sức khỏe của con người. 

Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị

Ở Trung ương,  Cục Công Thương địa phương là cơ quan chuyên môn giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công và thành lập Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 trực thuộc Cục CTĐP để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án KCQG hàng năm tại khu vực phía Bắc; Hệ thống quản lý khuyến công tại địa phương thời gian qua cũng được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị... Các vấn đề về chuyên môn trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 1288 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã được quan tâm để tạo điều kiện thuận lợi. Đến nay, tại 63/63 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có các đơn vị sự nghiệp trực thuộc (Trung tâm) thực hiện công tác khuyến công với tổng số 1048 người (trung bình 17 người mỗi trung tâm khuyến công); trong đó có 32 Trung tâm triển khai hoạt động khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp; 24 Trung tâm triển khai hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại; các Trung tâm còn lại thực hiện nhiệm vụ chính về hoạt động khuyến công gắn với triển khai các nhiệm vụ khác. Hoạt động khuyến công là cầu nối hiệu quả để tạo nên sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở công nghiệp nông thôn với các cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
Thông qua hoạt động khuyến công vai trò vị trí của các cơ quan quản lý nhà nước về Công Thương địa phương được nâng cao một bước, tạo sự gắn kết chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, kết nối thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Toàn quốc có 54 huyện có hệ thống mạng lưới cộng tác viên cấp huyện (quận, huyện, thị xã, thành phố) và 413 xã có cộng tác viên cấp xã.
Tổng kế hoạch kinh phí khuyến công giai đoạn 2014-2018 của cả nước đã được phê duyệt là 1.186,193 tỷ đồng. Trong đó: Kinh phí KCQG là 481,407 tỷ đồng, chiếm 40,58% tổng kinh phí, đạt 39,72% so với kinh phí KCQG dự kiến theo kế hoạch tại Quyết định số 1288/QĐ-TTg; Kinh phí khuyến công địa phương là 704,786 tỷ đồng, chiếm 59,42% tổng kinh phí. Tổng vốn đối ứng của các tổ chức cá nhân tham gia thực hiện và thụ hưởng chương trình trong giai đoạn 2014-2018 là hần 2.300 tỷ đồng.Đây là con số đáng ghi nhận về hiệu quả đầu tư của chương trình, trung bình cứ 01 đồng vốn từ ngân sách nhà  nước thu hút được 4.78 đồng vốn đầu tư của cơ sở CNNT.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thi hành Quyết định vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Thời gian tới, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn thách thức đặt ra đối với ngành Công Thương nói chung và hoạt động khuyến công nói riêng
Bên cạnh đó, mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2030 là chương trình phải được triển khai trên cơ sở kết hợp những kết quả đã đạt được từ giai đoạn trước, các hoạt động khuyến công cần hướng đến cơ cấu hợp lý trong ngành công nghiệp tại địa phương với sự tham gia của các thành phần kinh tế, phát triển công nghiệp gắn với quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung; gắn sản xuất với sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh ổn định và bền vững; hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp, mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp. Hỗ trợ phát triển đồng bộ hạ tầng các cụm công nghiệp, góp phần phân bổ công nghiệp hợp lý tại các khu vực trên cả nước.
Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tiếp tục tập trung hỗ trợ một số nội dung hoạt động hiệu quả của chương trình như xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn kỹ thuật chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng hỗ trợ phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp ưu tiên làm nền tảng cho hiện đại hóa nông thôn, có giá trị tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; tạo nhiều việc làm, gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp; các ngành nghề đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đặc biệt chú trọng các hoạt động sáng tạo, các chỉ số tác động về giá trị gia tăng, tiến bộ về công nghệ, xã hội, môi trường. Tạo mọi điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thuận lợi trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số thông qua chính sách khuyến công. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị chủ động, tích cực đóng góp ý kiến cho báo cáo chung của Bộ Công Thương đồng thời tập trung thảo luận phải trao đổi làm rõ một số nội dung sau:
Một là, đánh giá một cách khách quan các kết quả đạt được của các hoạt động khuyến công; nhìn thẳng vào các hạn chế tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 1288 xác định rõ các nguyên nhân chủ quan khách quan, trong đó tập trung vào các nguyên nhân chủ quan để từ đó xác định các giải pháp khắc phục.
Hai là, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trước mắt để tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động khuyến công.
Ba là, trao đổi những kinh nghiệm bài học có giá trị phổ biến từ thực tiễn tổ chức thực hiện của các Trung tâm Khuyến công, tổ chức dịch vụ khuyến công, thể hiện kết quả, hiệu quả từ sự tương tác giữa chỉ đạo điều hành của cơ quan quản lý chương trình với cách thức triển khai của các đơn vị thực hiện.
Bốn là, thảo luận những giải pháp thiết thực để tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành phối hợp giữa Trung ương và địa phương nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công đề xuất Thủ tướng Chính phủ những chủ trương định hướng giải pháp thực hiện các hoạt động khuyến công giai đoạn 2021 - 2030.

Tăng tốc thực hiện, phấn đấu vượt mục tiêu đề ra

Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung báo cáo kết quả thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia từ 2014 – 2018:
Về hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề đã tổ chức đào tạo cho hơn 18.000 lao động nông thôn. Trong đó: đào tạo nghề, tạo việc làm mới cho hơn 17.900 lao động. Do các đề án đào tạo nghề đều gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), nên hầu hết lao động đều có việc làm ổn định sau đào tạo (tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trung bình đạt trên 90%).     

Đại biểu đại diện tỉnh Bình Dương thực hiện hoạt động khuyến công tham gia tại Hội nghị

Về hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT đã tổ chức các lớp đào tạo nâng cao năng lực cán bộ quản lý, điều hành, đào tạo nâng cao nhận thức và khả năng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng HACCP, ISO 22000 và áp dụng các công cụ nâng cao năng suất chất lượng như 5s, Kaizen.. cho 10.240 học viên.
    Về hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật là chương trình trọng tâm trong hoạt động khuyến công, được nhiều địa phương quan tâm tổ chức thực hiện. Đã hỗ trợ xây dựng 210 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới (tăng 5% so với mục tiêu Quyết định số 1288/QĐ-TTg), hỗ trợ 630 cơ sở CNNT chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất, trung bình tăng khoảng 20% so với mức doanh thu trước khi được hỗ trợ.
Về hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu: Trong giai đoạn 2014 - 2018, Chương trình KCQG đã tổ chức thành công 15 hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu cấp khu vực. Năm 2016, 2018, tổ chức 02 triển lãm, hội chợ hàng CNNT tiêu biểu cấp quốc gia tại Hà Nội. Gắn liền với các hội chợ triển lãm, có 09 cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và 02 cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia vào năm 2015 và 2017. Thông qua đó, Chương trình đã tôn vinh 610 sản phẩm cấp khu vực và 202 sản phẩm cấp quốc gia có chất lượng, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó đã hỗ trợ 48 cơ sở CNNT xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời hỗ trợ 4.363 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm trong nước và ngoài nước (tăng 29% so với mục tiêu tại Quyết định số 1288/QĐ-TTg).
Về hỗ trợ tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT đã hỗ trợ thành lập 186 doanh nghiệp sản xuất và hỗ trợ tư vấn kỹ năng, phương pháp marketing quảng bá sản phẩm cho 5 cơ sở CNNT.
    Về hỗ trợ cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công. Xuất bản 1.200 bản tin Khuyến công, tổ chức thông tin tuyên truyền về hoạt động khuyến công  với hàng trăm tin bài và hình ảnh mỗi năm trên các ấn phẩm Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương, Thông tấn xã Việt Nam..., hỗ trợ xây dựng được 330 website cho các cơ sở CNNT có sản phẩm đạt giải sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia...
    Về hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết và hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) cho 22 địa phương. Tổng số có 45 CCN được hỗ trợ; trong đó có 26 đề án hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, 19 đề án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng. Mặc dù hỗ trợ từ Chương trình trong thời gian qua cho các CCN là chưa nhiều nhưng đã động viên kịp thời đối với các chủ đầu tư CCN, thể hiện được sự quan tâm, cố gắng của Chính phủ và của các Bộ, ngành đối với việc phát triển CCN.
    Ngoài ra, hàng năm, để hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công, chương trình đã tổ chức 03 Hội nghị khuyến công vùng tại 03 khu vực Bắc - Trung - Nam nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, trao đổi kinh nghiệm trong triển khai thực hiện các đề án khuyến công đảm bảo tính thống nhất chặt chẽ và hiệu quả; tăng cường tính liên kết vùng, liên kết giữa các cơ sở CNNT trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
    Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của Chương trình đến năm 2020, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương  khẳng định phấn đấu thực hiện đạt và vượt một số mục tiêu cụ thể đề ra tại Quyết định số 1288/QĐ-TTg; theo đó tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các nội dung: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến cho các cơ sở CNNT. Chú trọng nâng cao năng lực tư vấn phát triển CNNT của các tổ chức dịch vụ công, tạo nền tảng cho hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp trên toàn quốc. Bên cạnh đó, đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền; tăng dần số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích và áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; đặt nền tảng cho hợp tác quốc tế về khuyến công. Đảm bảo xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm đúng thời hạn, có chất lượng; có ít nhất 30% địa phương xây dựng được đề án KCQG điểm, tổ chức thực hiện, hoàn thành 100% các đề án được giao.
    Đề xuất định hướng, mục tiêu thực hiện chương trình giai đoạn tiếp theo 2021 - 2030. Tiếp tục triển khai các hoạt động khuyến công trên cơ sở Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, kế thừa có chọn lọc thành tựu của công tác khuyến công trong giai đoạn trước; bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và các Nghị quyết của Chính phủ, quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và dựa trên những kinh nghiệm về phát triển công nghiệp của các nước trong khu vực và trên thế giới. 
    Tiếp tục hướng đến hỗ trợ đối tượng là các cơ sở CNNT nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp khu vực nông thôn theo cả chiều rộng và chiều sâu, góp phần tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương. 
    Tập trung hỗ trợ một số nội dung hoạt động hiệu quả của chương trình và nhân rộng các mô hình trình diễn kỹ thuật chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa có quy mô, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền, phù hợp với nhu cầu thị trường; giúp các cơ sở CNNT mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
    Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng và chính quyền về vai trò và ý nghĩa của công tác khuyến công trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Tăng cường sự phối hợp hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, các tổ chức, cá nhân nhằm thúc đẩy hoạt động khuyến công.
    Đẩy mạnh các phong trào thi đua trong hoạt động khuyến công, đề xuất hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua nhằm tôn vinh, động viên những tổ chức cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp cho hoạt động khuyến công. 

Một số sản phẩm CNNT tiêu biểu của các địa phương tham gia trưng bày bên lề Hội nghị, trong đó có tỉnh Bình Dương


Lượt xem: 322

Thống kê truy cập

Đang truy cập:339

Tổng truy cập: 18544781