Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi

2013-09-04 22:46:00.0

8 tháng đầu năm 2013, sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi, đặc biệt công nghiệp chế tạo, chế biến là “điểm sáng” trong bức tranh sản xuất công nghiệp với tốc độ tăng được duy trì đều đặn sau từng tháng.

8 tháng đầu năm 2013, sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi, đặc biệt công nghiệp chế tạo, chế biến là “điểm sáng” trong bức tranh sản xuất công nghiệp với tốc độ tăng được duy trì đều đặn sau từng tháng.

Công nghiệp chế biến là “điểm sáng” trong sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm

Tháng 8, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,9%

Thống kê của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 ước tăng 4,4% so với cùng kỳ, trong đó: công nghiệp khai khoáng giảm 5,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,9%; cản xuất và phân phối điện tăng 8,4%; cung cấp nước, xử lý nước thải tăng 9,5%. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,3%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,4%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 9,3%.

Như vậy, sau 8 tháng, sản xuất công nghiệp vẫn tiếp đà phục hồi, đặc biệt là chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng (quý I tăng 4,6%; quý II tăng 6%; 8 tháng tăng 6,9%). Các ngành có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ gồm dệt tăng 13,2%; sản xuất trang phục tăng 11,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 12,9%...

Bên cạnh việc duy trì tốc độ sản xuất, chỉ số tiêu thụ toàn ngành chế biến, chế tạo tháng 7 tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 14,1% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng, chỉ số tiêu thụ tăng 9,2% so với cùng kỳ, trong đó một số ngành tiếp tục có tốc độ tăng ổn định như sản xuất xe có động cơ tăng 34,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 23,4%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 51,6%... Ngoài ra, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/8/2013 tăng 9%. Theo các chuyên gia, tồn kho ở mức 8-10% là bình thường. “Mức độ tồn kho thể hiện rõ nhất sự tăng trưởng của sản xuất. Việc chỉ số tồn kho đang dần giảm về mức bình thường trong những tháng gần đây thể hiện rằng những nỗ lực không ngừng của các bộ, ngành trong việc thúc đẩy sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho DN đang tiếp tục phát huy tác dụng” – Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định.

Đặc biệt, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đà tăng cũng có nguyên nhân do xuất khẩu của nhóm hàng này tiếp tục tăng và giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu chung. Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành công nghiệp chế biến ước đạt trên 59 tỷ USD, tăng 25,6% và chiếm tỷ trọng khoảng 69,6%. Các ngành xuất khẩu chủ lực như điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dệt may, da giày... vẫn tiếp tục giữ vững được vị trí của mình trong xuất khẩu.

“Gỡ khó” cho sản xuất công nghiệp

Nếu như những tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng thì ngành công nghiệp khai khoáng lại gặp rất nhiều khó khăn khi tốc độ tăng trưởng giảm 5,2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân của tình trạng này là do tình hình tiêu thụ, xuất khẩu một số sản phẩm, đặc biệt là than gặp rất nhiều khó khăn. Vì lẽ đó, để tháo gỡ khó khăn cho DN, đầu tháng 9, Bộ Tài chính đã quyết định giảm thuế xuất khẩu than từ 13% xuống còn 10%, bằng với mức thuế xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm. Ông Nguyễn Văn Biên – Phó Giám đốc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam chia sẻ, với mức điều chỉnh thuế xuất khẩu này, hy vọng thời gian tới, tình hình sản xuất và tiêu thụ than sẽ khởi sắc hơn.

Ngoài ngành than, Bộ Công Thương cũng đang tích cực tháo gỡ khó khăn cho ngành thép bằng cách ban hành quy chuẩn đối với mặt hàng thép hợp kim nhập khẩu. Trước đó, bằng cách đưa vào một lượng kim loại Bo nhất định, toàn bộ thép xây dựng nhập khẩu từ Trung Quốc đã được “phù phép” thành thép hợp kim, chỉ chịu mức thuế nhập khẩu 0%, sau đó được bán dưới dạng thép xây dựng với mức giá thấp hơn so với giá thép xây dựng trong nước. Ông Nguyễn Phú Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công Thương cho biết, dự kiến, trong tháng 9, Bộ Công Thương sẽ ban hành quy chuẩn này. Quy chuẩn được các DN thép kỳ vọng sẽ giúp gỡ khó cho DN, đặc biệt trong hoàn cảnh công suất thép trong nước đang dư thừa như hiện nay.
Về phía các địa phương, các giải pháp hỗ trợ DN vẫn tiếp tục được triển khai mạnh. Ông Nguyễn Phương Đông – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, thời gian qua, thành phố đã tăng cường hoạt động kết nối DN với ngân hàng nhằm trợ giúp DN tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi. Sau 8 tháng đầu năm, thành phố đã giúp DN tiếp cận được với 4.200 tỷ đồng vốn vay ưu đãi nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất. Theo đó, sau 8 tháng, TP.HCM đã có mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp cao hơn mức tăng trung bình của cả nước với 5,5%.

Cùng với những giải pháp từ các cơ quan quản lý, Bộ Công Thương khuyến nghị các DN nên chủ động những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đầu tư công nghệ nhằm giảm giá thành... từ đó tăng sức cạnh tranh, duy trì sản xuất cho những tháng còn lại./.


Lượt xem: 194

Thống kê truy cập

Đang truy cập:395

Tổng truy cập: 18650854