Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Quý I, xuất khẩu sang các nước thuộc Nam Á tăng 148,5%

2011-05-18 17:04:00.0

Năm 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang khu vực các nước Nam Á đã có những tăng trưởng đáng khích lệ. Tổng kim ngạch hai chiều đạt 3,365 tỷ USD, tăng 40,8% so với năm 2009 (đạt 2,390 tỷ USD), trong đó xuất khẩu đạt 1,444 tỷ USD tăng 130,3%, nhập khẩu đạt 1,921 tỷ USD tăng 8,9%.


Nông sản là một trong những mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang thị trường Nam Á

Năm 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang khu vực các nước Nam Á đã có những tăng trưởng đáng khích lệ. Tổng kim ngạch hai chiều đạt 3,365 tỷ USD, tăng 40,8% so với năm 2009 (đạt 2,390 tỷ USD), trong đó xuất khẩu đạt 1,444 tỷ USD tăng 130,3%, nhập khẩu đạt 1,921 tỷ USD tăng 8,9%.

 

Tiếp nối đà tăng của năm ngoái, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nam Á quý I/2011 có những bước tiến mới mạnh mẽ hơn, thể hiện qua tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu với các thị trường chính trong khu vực. Cụ thể, trao đổi thương mại hai chiều đạt 1,265 tỷ USD tăng 64,7% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó xuất khẩu đạt 512 triệu USD tăng 148,5% và nhập khẩu đạt 753 triệu USD tăng 34%.

Trong số 8 nước thuộc khu vực Nam Á, Việt Nam có trao đổi thương mại lớn với 4 nước là Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và Sri Lanca. Các nước khác như Afghanistan, Bhutan, Nepal và Maldiver giao dịch xuất nhập khẩu ở mức độ thấp với khối lượng nhỏ.

Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ chiếm tỷ trọng lớn nhất 57,1% trong tổng xuất khẩu với trị giá 292,5 triệu USD, tăng 88,2%. Thị trường Bangladesh có mức tăng trưởng cao nhất là 588,6%, đạt 174,9 triệu USD. Tiếp theo lần lượt là Pakistan đạt 32,5 triệu USD, tăng 92,3% và Sri Lanca đạt 10,5 triệu USD, tăng 32,9%.

Mức tăng trưởng 148,5% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước Nam Á có thể kể đến các nguyên nhân: Nhu cầu đối với các mặt hàng nông sản, lương thực, nguyên phụ liệu phục vụ các ngành công nghiệp như xây dựng, dệt may, chế biến... của các nước Nam Á ngày càng lớn hơn về quy mô, đa dạng về chủng loại, mẫu mã; Các nỗ lực của DN Việt Nam trong việc giới thiệu hàng hóa Việt Nam tới người tiêu dùng thị trường các nước Nam Á đã phát huy hiệu quả; Hiệp định thương mại tự do FTA ASEAN - Ấn Độ có bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6/2010 mang lại cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Ấn Độ; Hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam xuất khẩu sang khu vực Nam Á tăng mạnh về mặt lượng và giá, ví dụ các mặt hàng như: điện thoại di động và linh kiện, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, máy móc thiết bị, phụ tùng ôtô, sắt thép, v.v...

Ngoài các mặt hàng đã xuất khẩu sang thị trường các nước Nam Á thời gian qua như điện thoại di động (đạt 83 triệu USD), sắt thép (60 triệu USD), sợi các loại (25 triệu USD), trong quý I/2011 xuất hiện những mặt hàng mới đạt kim ngạch cao như gạo (đạt 121 triệu USD), clinker (24 triệu USD), tân dược, linh kiện phụ tùng xe máy, nước uống đóng chai,... Đặc biệt mặt hàng gạo và clinker xuất khẩu mạnh sang thị trường Bangladesh từ cuối năm 2010 cho đến nay và có tiềm năng tăng trưởng lớn. Bên cạnh đó, Ấn Độ là thị trường nhập khẩu ngày càng nhiều các mặt hàng như nguyên phụ liệu dệt may và da giày, quế, sản phẩm sắt thép, linh kiện phụ tùng xe máy, hương (nhang), đĩa DVD, hoa hồi. Như vậy, trong cơ cấu hàng hoá xuất khẩu sang Nam Á, Việt Nam đã phần nào khắc phục được tình trạng xuất khẩu nông sản và khoáng sản chiếm tỷ trọng lớn.

Về nhập khẩu, nhập khẩu từ Ấn Độ chiếm tỷ trọng lớn nhất 94% trong tổng nhập khẩu với trị giá 708 triệu USD, tăng 37,7%. Tiếp theo lần lượt là Pakistan đạt 28,6 triệu USD, giảm 22,3%, Bangladesh đạt 11,6 triệu USD, tăng 222,2%.

Các mặt hàng nguyên liệu thức ăn gia súc (đạt 255 triệu USD); ngô hạt (87 triệu USD); bông (62 triệu USD); dược phẩm (57 triệu USD); máy móc; hóa chất; thuốc trừ sâu; các nguyên phụ liệu phục vụ công nghiệp dệt may, da giày, nhựa, dược... vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng nhập khẩu từ Ấn Độ. Một số loại hàng hoá có giá trị gia tăng cao mà Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ cũng là lợi thế của Ấn Độ như dược phẩm và thiết bị y tế, máy móc thiết bị phụ tùng. Bên cạnh đó, những mặt hàng nhập khẩu với kim ngạch tương đối lớn như bao đay, đay tơ, thịt trâu, sữa, các loại đá, lúa mỳ, nhựa phế liệu chủ yếu từ Ấn Độ và Pakistan. Phần lớn các mặt hàng nhập khẩu từ khu vực Nam Á nhằm phục vụ các ngành sản xuất, chế biến, cũng như phục vụ nhu cầu dân sinh, không có nhiều mặt hàng xa xỉ phẩm. Giá cả và chủng loại hàng hóa từ các thị trường này cũng rất cạnh tranh khi so sánh với nhập khẩu từ các khu vực khác (đặc biệt với các mặt hàng khô đậu tương và ngô).

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu giúp cho thâm hụt thương mại của Việt Nam với khu vực Nam Á trong quý I/2011 giảm xuống mức 241 triệu USD so với mức 356 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, việc tiến tới cân bằng cán cân thương mại với khu vực này còn nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp Ấn Độ cũng được hưởng lợi thế từ việc cắt giảm thuế quan của Việt Nam theo Hiệp định FTA ASEAN - Ấn Độ.


Lượt xem: 293

Thống kê truy cập

Đang truy cập:542

Tổng truy cập: 18504954