Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Quy hoạch phát triển ngành kỹ nghệ thực phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

2014-01-22 16:33:00.0

Ngày 08/01/2014, Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 202/QĐ-BCT về phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngày 08/01/2014, Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 202/QĐ-BCT về phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 

Phát triển ngành kỹ nghệ thực phẩm với quan điểm: khai thác lợi thế về nguồn nguyên liệu và tăng cường liên kết giữa các vùng miền để đảm bảo cung cấp đầy đủ nguyên liệu cho ngành kỹ nghệ thực phẩm; đa dạng hóa chủng loại, mẫu mã kết hợp với nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời gắn sản xuất với tiêu dùng, đặc biệt là thị trường nội địa; phát triển ngành kỹ nghệ thực phẩm đi đôi với  đổi mới công nghệ, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thiểu tối đa đến môi trường sinh thái.

Mục tiêu phấn đấu tỷ trọng giá trị sản xuất ngành kỹ nghệ thực phẩm năm 2015 chiếm khoảng 1,67%, đến năm 2020 chiếm khoảng 1,85% trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu các nhóm sản phẩm kỹ nghệ thực phẩm theo hướng tăng tỷ trọng các nhóm sản phẩm bánh kẹo và nhóm sản phẩm ăn liền, giảm dần tỷ trọng nhóm sản phẩm bột ngọt. Mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng các nhóm sản phẩm bánh kẹo khoảng 40,43%, nhóm sản phẩm ăn liền khoảng 34,74% và bột ngọt khoảng 24,83%.

Theo Quy hoạch, sẽ nâng công suất các cơ sở sản xuất bánh kẹo tăng thêm sản lượng khoảng 400.000 tấn/năm; đầu tư xây dựng mới 01 nhà máy sản xuất bánh kẹo công suất từ 20.000 – 40.000 tấn/năm tại mỗi khu vực: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Quảng Ninh hoặc Hải Phòng), khu vực miền Trung (Quảng Ngãi hoặc Bình Định), khu vực phía Nam (Cần Thơ hoặc Bến Tre và Đồng Nai hoặc Tây Ninh).

Đối với nhóm sản phẩm ăn liền, sẽ đầu tư mở rộng sản xuất ở các nhà máy lớn hiện có để tăng thêm sản lượng 50.000 tấn/năm; đầu tư xây dựng mới nhà máy sản xuất mì, phở, bún, cháo ăn liền tại vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; phấn đấu đến năm 2020 sẽ đáp ứng 100% nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu.

Đối với ngành sản xuất bột ngọt, sẽ đầu tư mới 01 nhà máy tại Phú Thọ, 01 nhà máy tại Quảng Ngãi và 01 nhà máy tại Đồng Nai với tổng công suất xây dựng mới khoảng 100.000 tấn; đến năm 2030 sẽ đầu tư chiều sâu và mở rộng một số dự án với công nghệ tiên tiến, hiện đại hơn, sản xuất xanh, sạch, có giá trị gia tăng cao.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã đề ra một số giải pháp để thực hiện quy hoạch như: giải pháp về thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu, giải pháp đối với doanh nghiệp ngành kỹ nghệ thực phẩm, giải pháp vể phát triển nguồn nguyên liệu, giải pháp về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực.


Lượt xem: 582

Thống kê truy cập

Đang truy cập:422

Tổng truy cập: 18625285