Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Quản lý thị trường: Tiếp tục giữ vai trò chủ công

2014-01-07 17:03:00.0

Đó là khẳng định của ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT- Bộ Công Thương) trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường năm 2014.

Đó là khẳng định của ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT- Bộ Công Thương) trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường năm 2014.

Xử lý quyết liệt các vi phạm

Ông Đỗ Thanh Lam cho biết: Năm 2013, các mặt hàng vi phạm ngày càng đa dạng, phức tạp. Các đối tượng vi phạm áp dụng công nghệ hiện đại, hình thành những đường dây liên tỉnh, xuyên quốc gia; liên tục thay đổi phương thức hoạt động, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị bắt giữ hàng hóa.

Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127 Trung ương, Cục QLTT đã tham mưu, chỉ đạo các lực lượng chức năng và Ban Chỉ đạo 127 các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong nhiều lĩnh vực như xăng dầu, LPG, thuốc lá; kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ, than khoáng sản, mũ bảo hiểm… Theo ông Lam, các vấn đề phát sinh, nổi cộm trên thị trường được lực lượng QLTT cả nước xử lý, điển hình như phối hợp với các lực lượng chức năng ngăn chặn xử lý 1.691 vụ vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép; phạt hành chính 2.839 triệu đồng. Đối với mặt hàng mũ bảo hiểm, đã kiểm tra 4.539 cơ sở; xử lý 2.232 vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm nhập lậu, kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ hoặc vi phạm các quy định về ghi nhãn hàng hóa; xử phạt hành chính hơn 2,1 tỷ đồng; tịch thu, xử lý 68.145 mũ; ngăn chặn đưa ra thị trường hàng chục ngàn mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng của một số cơ sở sản xuất.

Nhiều bất cập nảy sinh

Ông Lam cho rằng, còn rất nhiều bất cập trong công tác kiểm tra, kiểm soát ảnh hưởng tới kết quả kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT. Tuy là lực lượng chuyên trách kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại…, nhưng lại không có chức năng khởi tố hình sự, nên thẩm quyền của lực lượng QLTT bị hạn chế. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm tra, kiểm soát mỏng là một trong những điểm yếu hiện nay. “Chỉ tính riêng lực lượng QLTT, nhiều địa phương phải ghép một đội QLTT phụ trách nhiều huyện khiến sự gắn kết với cấp ủy, chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, không phối hợp thường xuyên với lực lượng chức năng khác ở tuyến huyện” – ông Lam nhìn nhận.

Vấn đề gây khó khăn nhất hiện nay là chức năng, quyền hạn của lực lượng QLTT  ngày càng bị thu hẹp. Theo ông Lam, mặc dù vai trò của QLTT đã được Chính phủ ghi nhận và khẳng định là lực lượng chủ công kiểm soát thị trường nhưng ngay trong văn bản mới đây là Nghị định 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp đã “bỏ sót” vai trò và thẩm quyền xử phạt của QLTT.

Lực lượng “chủ công” quản lý thị trường năm 2014

Năm 2014, thị trường hàng hóa vẫn còn nhiều biến động, hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là hàng buôn lậu, trốn thuế sẽ tiếp tục gia tăng.… Nhằm kiểm soát tốt thị trường năm 2014, lực lượng QLTT sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng nóng, các khu vực tập trung hàng hóa nhạy cảm. Đặc biệt sẽ lập chuyên án để “đánh” vào các đường dây, ổ nhóm.

Để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thị trường, ông Lam cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế phối hợp, đảm bảo huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành. Các nghị định xử phạt hành chính phải thống nhất với Luật xử phạt vi phạm hành chính làm cơ sở cho các lực lượng chức năng thực hiện kiểm soát tốt thị trường, tránh tình trạng “luật một đằng, nghị định một nẻo”.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục cho phép các lực lượng chức năng tiếp tục trích một phần kinh phí từ nguồn thu phạt hành chính và tịch thu hàng hóa vi phạm để hỗ trợ các lực lượng chống buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu.

Năm 2013, lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý gần 80 nghìn vụ vi phạm, với tổng giá trị trên 350 tỷ đồng. So với năm 2012, số vụ vi phạm ít hơn, tuy nhiên giá trị lại có chiều hướng tăng (năm 2012, kiểm tra 181.653 trường hợp, xử lý 91.519 vụ vi phạm, tổng số thu 399 tỷ đồng).


Lượt xem: 161

Thống kê truy cập

Đang truy cập:1107

Tổng truy cập: 18466134