Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Phát triển và quản lý thủy điện: Kiên quyết dừng các công trình vi phạm

2013-11-26 10:54:00.0

Ngày 25/11/2013, Bộ Công Thương đã tiến hành cuộc họp về vấn đề Phát triển thủy điện và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy điện dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Đại diện các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo UBND các tỉnh Trung Bộ và các nhà máy thủy điện đã tham dự cuộc họp.

Ngày 25/11/2013, Bộ Công Thương đã tiến hành cuộc họp về vấn đề Phát triển thủy điện và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy điện dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Đại diện các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo UBND các tỉnh Trung Bộ và các nhà máy thủy điện đã tham dự cuộc họp.

Khai thác tốt các công trình thủy điện


                          Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phát biểu tại cuộc họp
 
Theo báo cáo của Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, hiện nay trên cả nước đã vận hành phát điện 268 dự án thủy điện (14.240,5 MW); đang thi công xây dựng 205 dự án (6.198,8 MW), dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ nay đến năm 2017. Trong đó, khu vực miền Trung Tây Nguyên đã vận hành khai thác 118 dự án (5.978,2 MW); đang thi công xây dựng 75 dự án (1.945,2 MW), dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ nay đến năm 2015. Phát biểu tại cuộc họp, đánh giá hiệu quả của các dự án thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện đã và đang góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của cả nước. Riêng trong năm 2012, các nhà máy thủy điện đã đóng góp tới 48,26% công suất và 43,9% điện lượng (khoảng 53 tỷ kWh) cho hệ thống điện. Đây là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, giá thành rẻ hơn các nguồn điện khác. Việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện cũng đã đóng góp tích cực trong việc tạo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt, các hồ thủy điện chiếm 86% tổng dung tích của các hồ chứa trong cả nước. Đồng thời, việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, một số cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội như điện, đường, trường, trạm y tế, nhà văn hóa…trong các khu vực tái định cư được nâng cấp, xây dựng mới khá đồng bộ và kiên cố, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và văn hóa cho người dân địa phương.
 

 
Cũng tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã đưa ra một số hạn chế và bất cập trong việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện. Theo đó, việc quy hoạch bậc thang thủy điện chủ yếu là các dự án lớn được nghiên cứu phát triển tương đối bài bản, nhưng quy hoạch thủy điện nhỏ còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý chất lượng công trình đối với thủy điện nhỏ chưa được thực hiện đầy đủ. Kết quả diện tích trồng bù rừng rất thấp so với diện tích phải trồng theo yêu cầu. Công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư (đối với các dự án thủy điện lớn) còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết. Đời sống, sản xuất của nhân dân tái định cư còn nhiều khó khăn chưa bền vững, số hộ nghèo còn nhiều, thu nhập và mức sống của nhân dân thấp so với bình quân chung của các tỉnh. Về quản lý an toàn đập thủy điện, đối với các dự án thủy điện nhỏ nhìn chung chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập.

Thực hiện đúng quy trình vận hành



Các đại biểu cũng đã dành nhiều thời gian để đánh giá thực trạng vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung, đặc biệt là trong đợt lũ đầu tháng 11/2013 vừa qua. Tại địa bàn các tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên) hiện có 23 công trình thủy điện đang vận hành. Trong đó có 15 công trình thủy điện lớn với tổng dung tích điều tiết phát điện khoảng 2.440 triệu m3 được vận hành theo quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa. Vừa qua, có một số ý kiến cho rằng, một số nhà máy thủy điện khu vực miền Trung và Tây Nguyên xả lũ gây ngập lụt lớn ở hạ du, theo ý kiến của các đại biểu tham dự, thông tin trên chưa phản ánh đầy đủ khách quan thực trạng. Thực tế, theo số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và báo cáo các chủ đầu tư cho thấy, việc vận hành các hồ chứa thủy điện lớn ở khu vực miền Trung đã thực hiện đúng theo quy trình vận hành liên hồ chứa (đối với hồ chứa trong Quy trình liên hồ) và quy trình của từng hồ đã được phê duyệt, không gây thêm lũ cho hạ du, đã góp phần cắt giảm đỉnh lũ và lượng nước lũ về hạ du trên các sông mặc dù các hồ chứa này không có nhiệm vụ chống lũ.

Bên cạnh đó, sự chủ động phối hợp với chính quyền, cơ quan phòng chống lụt bão địa phương trong quá trình xả lũ đã được thực hiện theo quy định đối với các quy chế vận hành hồ chứa và đã được các chủ hồ thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, đối với các công trình quy mô nhỏ và các công trình mới được đưa vào khai thác, cần tiếp tục kiểm tra, đôn đốc giám sát để từng bước đưa công tác này vào quy củ và thống nhất.

Kiên quyết dừng các công trình vi phạm

Bàn về các giải pháp phát triển thủy điện và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy điện, các đại biểu cho rằng, trong điều kiện biến đổi khí hậu, giải pháp triệt để trong việc chống lũ lớn là không khả thi, chiến lược chính vẫn là chủ động phòng tránh, áp dụng các giải pháp công trình và phi công trình để nâng cao mức chống lũ, giảm ngập lụt, trong đó công tác quản lý lưu vực, đặc biệt là vùng hạ lưu các sông cần được tăng cường.



Kết luận và chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, cần đầu tư các hồ chứa, đê bao theo quy hoạch, nghiên cứu tăng cường khả năng thoát lũ, ổn định lòng bãi, bảo vệ các khu dân cư ven sông. Huy động dung tích hợp lý các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang vận hành tham gia điều tiết giảm lũ, trong đó UBND tỉnh chủ động, chỉ đạo trực tiếp việc điều hành các hồ chứa trên cơ sở quy trình vận hành được duyệt để điều tiết giảm lũ cho hạ du. Rà soát và điều chỉnh năng lực thoát nước trên các tuyến giao thông, đặc biệt là các tuyến giao thông lớn vùng trung và hạ du. Đầu tư hạ tầng chống lũ, đường tránh lũ, sắp xếp lại dân cư vùng ngập lũ và vùng bị lũ quét.

Bộ trưởng cũng cho rằng, để phát triển thủy điện vừa cung cấp điện năng cho phát triển kinh tế, vừa đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thì cần phải tiếp tục rà soát quy hoạch, rà soát các công trình đang triển khai xây dựng để đảm bảo chất lượng, an toàn công trình và đáp ứng yêu cầu về môi trường. Bộ trưởng nhấn mạnh, đối với các chủ đầu tư thực hiện không nghiêm túc sẽ kiên quyết yêu cầu dừng thi công để khắc phục. Đồng thời, rà soát các dự án đã được cấp phép nhưng chưa triển khai, nếu năng lực của các chủ đầu tư không đảm bảo theo quy định sẽ đề nghị thu hồi dự án. Với các dự án đã hoàn thành nhưng chưa thực hiện đủ các yêu cầu của pháp luật quy định sẽ không cấp phép hoạt động điện lực. Tiếp tục rà soát quy trình vận hành hồ chứa, đề xuất điều chỉnh bổ sung nếu còn những nội dung không hợp lý. Kiên quyết xử lý những nhà máy thủy điện không thực hiện đúng quy trình vận hành đã được phê duyệt. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ đề nghị chuyển sang cơ quan chức năng để xử lý.



Cuối cùng, Bộ trưởng cũng đề nghị các Bộ ngành và địa phương phối hợp triển khai trong công tác phát triển và quản lý thủy điện. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiểm tra đôn đốc việc trồng bù rừng và xây dựng cơ chế đặc thù cho công tác bồi thường di dân tái định cư, hậu tái định cư các dự án thủy điện. Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành quy trình vận hành liên hồ các lưu vực sông còn lại cả mùa lũ và mùa cạn. Bố trí bổ sung mạng lưới các trạm đo trên các lưu vực sông, tăng độ chính xác của các công tác dự báo mưa, lũ để điều hành chống lũ có hiệu quả hơn. Đề nghị UBND các địa phương quản lý trực tiếp các dự án thủy điện nhỏ, thường xuyên kiểm tra đôn đốc thông qua các sở ngành chức năng, làm tốt hơn công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu đúng và khách quan về thủy điện.


Lượt xem: 218

Thống kê truy cập

Đang truy cập:477

Tổng truy cập: 18615856