Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Những vấn đề cần lưu ý xuất khẩu hàng dệt may

2017-08-03 16:21:00.0

Những vấn đề cần lưu ý xuất khẩu hàng dệt may

Muốn tận dụng hiệu quả các cơ hội EVFTA mang lại, doanh nghiệp (DN) dệt may cũng cần có những lưu ý để nắm bắt và chuyển hóa những cơ hội đó thành sự đột phá trong kiến tạo giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu.

Khó đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải trong bối cảnh tỉ lệ nội địa hóa thấp. Đây là thách thức lớn nhất, đòi hỏi DN dệt may phải đầu tư lâu dài cho nguồn nguyên phụ liệu sản xuất tại Việt Nam và có chiến lược nhà cung cấp phù hợp với quy tắc xuất xứ. Ngành dệt may vẫn phải chứng kiến lệch pha về cung và cầu của lĩnh vực sợi, chủ yếu liên quan đến vấn đề chất lượng và sự đứt gãy trong chuỗi giá trị dệt may với hoạt động chủ yếu là gia công.

Công nghiệp phụ trợ kém phát triển khiến Việt Nam phải nhập khẩu lượng lớn nguyên phụ liệu cho ngành may: Ngoài vải, Việt Nam phải nhập khẩu thêm các vật liệu dựng khác như cúc, khuy, khóa kéo, chỉ may… để hoàn chỉnh sản phẩm. Việc đầu tư chưa đúng mức vào sản xuất nội địa nguyên phụ liệu ngành may cũng như tính chất gia công của khâu may (mua nguyên phụ liệu theo sự chỉ định của khách hàng) là nguyên nhân chính khiến ngành dệt may phụ thuộc lớn vào nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu.

Sức ép cạnh tranh gia tăng trên thị trường nội địa. Với EVFTA, hàng hóa của EU sẽ vào Việt Nam dễ dàng hơn và giảm giá mạnh do không phải chịu thuế nhập khẩu. Vì vậy, việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước tại thị trường nội địa sẽ gặp khó khăn. Sức ép cạnh tranh đến từ các DN FDI liên quan đến tiềm lực về vốn, trình độ khoa học - công nghệ, các chính sách ưu đãi của Nhà nước, vấn đề tuyển dụng lao động. Về vốn, các DN FDI sang Việt Nam thường có lượng vốn lớn để cạnh tranh trong dài hạn. Đồng thời, DN FDI khi đầu tư mang theo dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao cho năng suất lao động gấp nhiều lần so với sản xuất gia công của các DN Việt Nam. DN trong nước cũng gặp thách thức trong tuyển dụng so với các DN FDI do chênh lệch về mức thu nhập với cùng thời gian lao động.

Những rào cản thương mại ngày càng tăng từ các thị trường với yêu cầu khắt khe về trách nhiệm xã hội, nhãn sinh thái, bảo vệ môi trường… Để được nhập khẩu vào EU, sản phẩm dệt may Việt Nam phải tuân thủ một loạt quy định về quy chuẩn cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn sản phẩm, dán nhãn hướng dẫn sử dụng và nước xuất xứ, sử dụng hóa chất, tên xơ dệt và nhãn thành phần xơ dệt, bao bì và chất thải từ bao bì, thiết kế, thiết bị bảo hộ... một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, sự khác biệt giữa hai hệ thống quản lý quy chuẩn và tiêu chuẩn giữa Việt Nam và các nước EU cũng là khó khăn mà DN xuất khẩu dệt may trong nước đang phải đối mặt. Thêm nữa, năng lực kiểm định sản phẩm dệt may của các tổ chức trong nước còn hạn chế.

Sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới. EU là thị trường truyền thống và tiềm năng của hàng dệt may Việt Nam với nhiều thị trường ngách, nhu cầu hàng dệt may rất đa dạng từ hàng có phẩm cấp thấp đến hàng có chất lượng cao. Thị trường EU rất phù hợp năng lực sản xuất và đặc điểm của ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với hàng dệt may từ Trung Quốc do chế độ hạn ngạch mà EU áp dụng đối với hàng dệt may Trung Quốc được xóa bỏ. Hàng dệt may Trung Quốc có năng lực cạnh tranh lớn do chủ động được nguyên phụ liệu và có khả năng đáp ứng nhiều chủng loại hàng hóa. Ngoài ra, Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh lớn từ các nước như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Srilanka với nguồn nhân công dồi dào và chi phí lao động cạnh tranh.

Năng suất lao động ngành dệt may và giá trị gia tăng của sản phẩm thấp. Năng suất lao động trung bình của ngành dệt may chỉ bằng 1/4 so với Trung Quốc, 1/8 so với Hàn Quốc. Tính riêng với ngành dệt thì chỉ bằng 90% của Trung Quốc, 85% của Thái Lan. Đây là thách thức không nhỏ đối với DN vì ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm khi sức ép về chi phí nhân công ngày càng tăng trong khi năng suất lao động không tăng tương ứng.

Thêm nữa, ngành dệt may của Việt Nam chủ yếu là hoạt động gia công xuất khẩu (trên 90%) và xuất khẩu qua nước thứ 3 và chỉ tham gia vào phần thứ 3 trong chuỗi cung ứng dệt may là cắt và may - công đoạn tạo giá trị thấp nhất trong chuỗi giá trị của ngành. Các khâu thiết kế, marketing và phân phối sản phẩm thường tạo ra giá trị gia tăng cao nhất thì phần lớn DN dệt may Việt Nam không đảm nhiệm được, chưa kể còn bị động và yếu kém trong hoạt động thiết kế và xây dựng thương hiệu.

Chất lượng nhân lực ngành dệt may còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhất là các kỹ sư, kỹ thuật viên có tay nghề cao đã qua đào tạo. Đặc biệt, các ngành cơ khí, sản xuất máy móc, trang thiết bị và các phụ kiện dệt may; các công đoạn nhuộm, in, hoàn tất vải thiếu trầm trọng các chuyên gia, công nhân lành nghề có trình độ cao. Tầm nhìn, năng lực trong quản trị tài chính, marketing, phân tích thị trường, chi phí - lợi nhuận, xây dựng chiến lược kinh doanh tại các DN dệt may còn bộc lộ nhiều hạn chế.


Lượt xem: 153

Thống kê truy cập

Đang truy cập:321

Tổng truy cập: 18724618