Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Nhiều vướng mắc trong công tác chống hàng giả, hàng nhái

2016-05-23 14:41:00.0

Công tác chống hàng giả, gian lận thương mại thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có nhiều vướng mắc từ chính các văn bản hướng dẫn luật.

Hàng giả, hàng nhái có chiều hướng tăng

Đội QLTT số 1 bắt giữ
   Máy tính Casio giả

Hàng giả, hàng nhái tràn lan, chỗ nào cũng có; cứ mặt hàng nào bán chạy, chi phí thấp, lãi nhiều thì có những cá nhân, tổ chức làm ăn bất chính bất chấp quyền lợi người tiêu dùng mà sản xuất, mua bán. Đó chính là nỗi lo của những cơ quan thực thi, doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.

Từ góc độ của cơ quan thực thi, việc “Phát hiện, điều tra và xử lý hàng giả, hàng nhái”: khó khăn trăm bề. 

Thật vậy, hàng giả và hàng thật ngày càng khó phân biệt, chính những chuyên gia kỹ thuật của các nhà sản xuất “chính hãng” cũng khó khăn và kết hợp rất nhiều yếu tố, nhiều chi tiết mới có thể xác định được cái nào thật, cái nào giả. Thậm chí những sàn phẩm có dán tem chống giả thì tem chống giả cũng bị làm giả… Hàng nhái thì thiên biến vạn hóa, mẫu này bị bắt, bị xử lý thì ngày mai lại xuất hiện mẫu khác được chỉnh sửa một chút và tiếp tục gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Sản xuất hàng giả thì chỗ nào cũng làm được, từ những mặt bằng nhỏ hẹp trong nhà trọ, đến nhà máy rộng lớn và sản xuất bất kỳ thời gian nào để tránh sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng.

Khó khăn trong xử lý

Đội QLTT số 2 bắt giữ mỹ phẩm nhái nhãn
                         hiệu Hoa Thiên

Phát hiện, bắt giữ đã khó, xử lý càng khó hơn rất nhiều. Đầu tiên đó chính là việc áp dụng pháp luật để xác định hành vi vi phạm và chế tài đối với hành vi đó. Một hành vi vi phạm về sản xuất, mua bán hàng giả, hàng nhái có thể được giải thích và xử lý khác nhau bởi những văn bản quy phạm pháp luật khác nhau; tất cả đều do Chính phủ ban hành nhưng được tham mưu bởi các bộ, ngành khác nhau. Có vẻ như bộ, ngành nào tham mưu văn bản quy phạm pháp luật cho Chính phủ thì đều có khuynh hướng mở rộng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình so với các bộ, ngành khác… Như vậy, hệ thống pháp luật điều chỉnh liên quan đến hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang trong tình trạng chồng chéo, trùng lắp và chậm sửa đổi.

Khó khăn tiếp theo trong quá trình xử lý (hậu bắt giữ) chính là việc xác minh, giám định để kết luận hành vi vi phạm. Nhiều vụ việc cần thiết phải trưng cầu giám định từ Viện Khoa học sở hữu trí tuệ hoặc xin ý kiến chuyên môn của Cục sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, thời gian trả lời đôi lúc chậm trễ và có cả trường hợp không trả lời từ cơ quan chuyên môn. Chẳng hạn, có một trường hợp được hai cơ quan khẳng định là “vi phạm”, nhưng thanh tra của một Bộ Khoa học và công nghệ lại có ý kiến cho rằng “không vi phạm”, gây bối rối cho các cơ quan thực thi.

Trong khi đó, doanh nghiệp bị vi phạm thì không phải doanh nghiệp nào cũng nhiệt tình tham gia hỗ trợ cho cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý. Thậm chí có trường hợp biết chắc là hàng giả, đã giữ hàng rồi cũng phải trả lại vì chủ sở hữu nhãn hiệu không có đại diện tại Việt Nam. Khi cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin về sản phẩm và cách phân biệt hàng thật, giả thì nhiều doanh nghiệp ngại tham gia vì sợ người tiêu dùng biết sản phẩm bị giả nhiều thì sẽ có sự lựa chọn khác.

Và sau cùng, khó khăn xuất phát từ chính kiến thức, trình độ chuyên môn về hàng giả, về sở hữu trí tuệ của những người thực thi nhiệm vụ. Đa số lực lượng đều mỏng, kiêm nhiệm nên không thể đáp ứng yêu cầu trong công tác này. 

Đẩy mạnh chống hàng giả, gian lận thương mại

Chính vì vậy, trong thời gian tới, để công tác chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả cao hơn, các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan về hàng giả, về sở hữu trí tuệ; không còn chồng chéo, trùng lắp. Các ngành, các cấp cần quan tâm đào tạo kiến thức chuyên môn và trang bị công cụ kỹ thuật chống hàng giả cho những người làm công tác chống hàng giả. Đồng thời huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp với ý thức xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu; sự đoàn kết của các thành viên trong các tổ chức chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền về công tác chống hàng giả; nhất là kỹ năng phân biệt hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng.    

Rất nhiều giải pháp nhưng giải pháp tổng thể chính là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị; sự liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng và cả truyền thông trong công tác chống hàng giả, chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ./.


Lượt xem: 242

Thống kê truy cập

Đang truy cập:611

Tổng truy cập: 18541057