Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Nhiều tiềm năng kinh doanh với thị trường Ấn Độ

2011-04-30 17:11:00.0

Ngày 28/4/2011, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á - Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Trung tâm XTTM tỉnh Hải Dương tổ chức Hội thảo giới thiệu về tiềm năng kinh doanh với Thị trường Ấn Độ tại thành phố Hải Dương.

Nhiều tiềm năng kinh doanh với thị trường Ấn Độ

 

 

CôngThương -  Với mục tiêu chuyển tải thông tin về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Ấn Độ và đánh giá tác động, khai thác lợi thế của Hiệp định thương mại tư do FTA ASEAN - Ấn Độ đến các doanh nghiệp Việt Nam, hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 70 doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu của tỉnh.

Thời gian vừa qua, quan hệ thương mại giữa hai nước liên tục có những tiến triển tích cực. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Ấn Độ Quý I/2011 đạt 1 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó xuất khẩu Quý I đạt 292 triệu USD và nhập khẩu đạt 708 triệu USD. Về giá trị hàng xuất khẩu Việt Nam sang Ấn Độ, Quý I/2010 kim ngạch xuất khẩu đã tăng 88,3% so với năm 2010, xuất khẩu nhiều chủng loại hàng hóa như: sắt thép các loại 53,7 triệu USD (tăng 488%), cà phê 11,4 triệu USD (tăng 22,2%), cao su 7,5 triệu USD (tăng 75%), máy móc thiết bị & phụ tùng (tăng 133%), máy vi tính, sản phẩm và linh kiện điện tử (tăng 38,4%), v.v... Về nhập khẩu, nguyên liệu thức ăn gia súc vẫn là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam từ thị trường này trong Quý I/2011, đạt 253 triệu USD, tăng 60%; bông các loại đạt 58,6 triệu USD, tăng 52,6% so với cùng kỳ, v.v...

Hội thảo cũng đã tập trung thảo luận các chủ đề về Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (AITIG) có hiệu lực từ 01/01/2010. Các bài tham luận của đại biểu tham dự Hội nghị đã nêu bật tầm quan trọng của Hiệp định này đối với quan hệ kinh tế thương mại giữa ASEAN - Ấn Độ nói chung và Việt Nam - Ấn Độ nói riêng. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, thời gian qua, nhiều mặt hàng mới của các nhà sản xuất, chế biến Việt Nam đã thâm nhập được vào thị trường Ấn Độ như cao su, phần cứng vi tính và các mặt hàng điện tử, quần áo và dệt may, v.v... Điều này cho thấy cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ đang có chiều hướng thay đổi tích cực và bền vững hơn. Về nhập khẩu, với trên 90% kim ngạch nhập khẩu từ Ấn Độ là các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, việc thực hiện AITIG sẽ giúp các doanh nghiệp, các nhà sản xuất của Việt Nam có cơ hội tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào với chi phí thấp hơn, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Ngoài ra, việc Ấn Độ công nhận Quy chế kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam (MES) hứa hẹn sẽ tạo nền tảng quan trọng giúp các hoạt động thương mại, đầu tư của doanh nghiệp hai nước phát triển bền vững, ổn định.

Ông Trần Quang Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, Bộ Công Thương trình bày tại Hội thảo

Đại diện Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á cũng đã trực tiếp thảo luận với các doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương về các cơ hội và phương thức nhằm đưa những mặt hàng xuất khẩu của Tỉnh đến với các nhà nhập khẩu của thị trường Ấn Độ. Qua đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếp xúc trực tiếp doanh nghiệp với doanh nghiệp, tìm hiểu thị trường một cách hiệu quả qua việc mở văn phòng đại diện, chi nhánh tại Ấn Độ, tích cực đẩy mạnh XTTM sang thị trường này.


Lượt xem: 131

Thống kê truy cập

Đang truy cập:542

Tổng truy cập: 18511287