Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu của các địa phương

2019-04-03 14:00:00.0

Gỗ và lâm sản ngoài gỗ là ngành hàng xuất khẩu quan trọng thứ 6 của Việt Nam và liên tục có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt trên 13%/năm trong giai đoạn 2010 - 2018.

Năm 2017 ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu đạt tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 8 tỷ USD; riêng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,66 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2016. Năm 2018 tổng kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt trên 9,38 tỷ USD tăng 15,9% so với năm 2017, chiếm hơn 23% giá trị xuất khẩu của các ngành hàng thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; riêng gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 8,909 tỷ USD, giá trị xuất siêu lâm sản cả năm 2018 đạt trên 7 tỷ USD, chiếm 85% giá trị xuất siêu của toàn ngành.

Sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu đến 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu; chiếm 6% thị phần sản phẩm gỗ toàn cầu và còn nhiều dư địa để phát triển.

Trên cơ sở đó, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ đã thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế quốc dân. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu:

“Trong 10 năm tới, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam; xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ Việt Nam, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu trên thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới. Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ:

Năm 2019 đạt 11 tỷ USD;

Năm 2020 đạt đến 13 tỷ USD;

Năm 2025 đạt 18 đến 20 tỷ USD;

Từng bước tăng tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm được chế biến sâu có thương hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu”.

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn nguyên liệu sản xuất dăm gỗ

Do đó, ngày 28/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Trong đó, các địa phương cần chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Tổ chức tuyên truyền đối với người dân, doanh nghiệp hạn chế khai thác rừng non, thực hiện kinh doanh gỗ lớn để bảo vệ môi trường sinh thái đồng thời tạo được nguồn gỗ có đường kính lớn phục vụ cho sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh doanh rừng trồng.

- Ưu tiên bố trí ngân sách cho các hoạt động hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn.

- Tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư để phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

- Tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về quỹ đất, mặt bằng đầu tư nhà máy, cơ sở sản xuất chế biến gỗ. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết, quy hoạch, hỗ trợ xây dựng hạ tầng nhằm tạo khu vực cung ứng, chế biến gỗ tập trung (bao gồm cả khu công nghiệp dịch vụ hỗ trợ cho chế biến gỗ) trên địa bàn.

- Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tổ chức các hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm và xúc tiến thương mại và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo các quy định hiện hành của pháp luật.

Đối với ngành Công thương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương “Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu; quảng bá sản phẩm, nâng cao thương hiệu gỗ Việt trên thị trường quốc tế; Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án nâng cấp Hội chợ VIFA - EXPO thành hội chợ cấp quốc tế gắn với việc tôn vinh và bầu chọn các thương hiệu uy tín của ngành chế biến gỗ hàng năm và chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính làm việc với các cơ quan liên quan để thống nhất về cơ chế quản lý gỗ nhập khẩu đảm bảo nguồn gốc hợp pháp đối với gỗ nhập khẩu”.

Cụ thể tỉnh Bình Dương được đánh giá là một trong những địa phương hàng đầu của cả nước về xuất khẩu đồ gỗ và đã đóng góp lớn vào sự phát triển của tỉnh.

 

F:\KimBinh\SO CONG THUONG\NAM 2019\TIN BAI\thang 3\g.jpg

Gỗ và các sản phẩm từ gỗ

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến gỗ đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2017, chiếm 12% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh và chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ cả nước. Bình Dương đã trở thành một trong những địa phương được ví như “thủ phủ” của ngành gỗ.

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giữ vững và tiếp tục tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến gỗ tại địa phương.


Lượt xem: 765

Thống kê truy cập

Đang truy cập:548

Tổng truy cập: 18717367