Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Ngành gỗ vận hội và góc nhìn từ nội lực

2018-07-02 09:47:00.0

Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của Việt Nam lớn nhất trong khu vực ASEAN, đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu đồ gỗ. Do đó, định hướng phát triển ngành gỗ theo hướng bền vững đang là trăn trở của ngành sản xuất và xuất khẩu gỗ cả nước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 5 ước đạt 3,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2018 đạt 15,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,25 tỷ USD, tăng 9,6%; thủy sản 3,12 tỷ USD, tăng 9,7%; các mặt hàng lâm sản chính 3,4 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản đã vượt lên trên thủy sản, tiếp tục trở thành mặt hàng dẫn đầu trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu lâm sản chiếm gần 22% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Ngành gỗ đang có lợi thế là lương nhân công rẻ, thấp hơn 50% so với Trung Quốc, thấp hơn cả Thái Lan, Malaysia. Do vậy, sẽ có sự dịch chuyển về nơi có giá sản phẩm cạnh tranh hơn. Nhưng tới lúc nào đó sự tiệm cận về lượng, yếu tố lợi thế nhân công giá rẻ của ngành gỗ sẽ không còn. Đây là vấn đề rất đáng được quan tâm từ các doanh nghiệp gỗ để có những bước chuẩn bị kỹ càng cho việc củng cố nội lực, huy động mọi nguồn lực cho chiến lược chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu trong tương lai.

Đặc trưng của ngành gỗ cả nước là phát triển tự phát từ 25 năm trở lại đây, nhưng may mắn là đi đúng hướng nên đã thực sự phát triển trở thành một mã hàng đem về kim ngạch xuất khẩu lớn cho cả nước. Nhưng để ngành gỗ thực sự phát triển bền vững, cơ quan quản lý nhà nước cần tác động vào các vấn đề lớn như hỗ trợ thực hiện tiếp thị vì hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam không giỏi tiếp thị và quảng bá sản phẩm; ban hành các chính sách ưu đãi xuất, nhập khẩu.

Mặc dù năm 2017, ngành chế biến gỗ còn một số khó khăn do cạnh tranh thị trường cao, rào cản kỹ thuật từ những thị trường nhập khẩu lớn còn nhiều. Song doanh nghiệp xuất khẩu thuộc ngành gỗ đều khá thành công khi toàn ngành đạt 8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng trên 12% so với năm 2016. Thị trường tiêu thụ nội địa cũng ổn định ở mức 1,47 tỷ USD/năm. Các doanh nghiệp ngành gỗ đang đặt trọng tâm phát triển mạnh thị trường nội địa song song xuất khẩu để hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD tiêu thụ nội địa và 10 tỷ USD xuất khẩu gỗ vào năm 2020.

Ngành gỗ cả nước đang có sự dịch chuyển theo hướng tăng cả chất và lượng. Hoạt động sản xuất, xuất khẩu gỗ trong nước có sự khởi sắc rất đáng kể. Quy mô phát triển tương đối lớn và ngành gỗ đang đứng trước ngưỡng cửa để tạo ra những đột phá mới. Cơ quan quản lý nhà nước đang đóng vai trò chủ đạo trong việc hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết ngành gỗ cũng như định hướng thị trường tạo ra yếu tố quyết định phát triển của ngành. Để tăng sức mạnh nội lực cho ngành gỗ, cần có các cơ chế chính sách khuyến khích hình thành các cơ sở đào tạo nghề chuyên ngành gỗ; đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; chú trọng các loại hình kiến thức và tay nghề tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm gỗ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh cải tiến công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu đầu vào để giảm giá thành sản phẩm.

Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ nội thất trên thế giới tăng trưởng, trong khi đồ nội thất là thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, những thuận lợi về Luật Lâm nghiệp, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mới ký (với châu Âu), sẽ mang đến cơ hội mới cho doanh nghiệp ngành gỗ. Tuy vậy, doanh nghiệp phải chủ động, nhanh chóng nắm bắt tình hình thị trường xuất khẩu. Bởi các nước Indonesia, Malaysia là những đối thủ mạnh, có thể vượt Việt Nam để giành lấy thị trường.

Bên cạnh xuất khẩu, thị trường nội địa hiện cũng được doanh nghiệp ngành gỗ tập trung phát triển đều ở mọi phân khúc tiêu thụ. Bởi thị trường nội địa cũng đang tăng tiêu thụ sản phẩm gỗ theo sự phát triển ổn định trở lại của thị trường bất động sản. Theo đó, các dự án bất động sản (nhà ở xã hội, căn hộ cho thuê, từ bình dân đến cao cấp) có nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ nội ngoại thất tăng dần theo tốc độ xây dựng và tại rất nhiều phân khúc giá cả, tạo nên một thị trường đa dạng và lâu dài.

Khả năng để chúng ta liên kết theo chuỗi gia tăng giá trị bằng việc kéo dài chu kỳ rừng để có gỗ lớn, nâng cao chất lượng gỗ phục vụ chế biến. Chiếm lĩnh được thị trường, phát triển được thị trường về số lượng là tốt, tuy nhiên tôi cho rằng vấn đề cần tiếp tục quan tâm hơn là phải đảm bảo được giá trị gia tăng.

Với nhiều FTA đã được ký kết trong thời gian qua, năm 2018 sẽ là dấu mốc để những FTA này có hiệu lực. Đặc biệt, FTA Việt Nam ký kết với EU sẽ mở ra thị trường rất lớn của 28 quốc gia. Cùng với đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cũng sẽ tác động tích cực tới ngành chế biến, xuất khẩu gỗ.


Lượt xem: 190

Thống kê truy cập

Đang truy cập:552

Tổng truy cập: 18709198