Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Ngành Công thương hoàn thành chỉ tiêu năm 2020

2020-12-30 08:55:00.0

CMSC Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch covid-19 bùng phát, lây lan và ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại Bình Dương, tình hình công nghiệp – thương mại trong 6 tháng đầu năm cũng gặp không ít khó khăn.

Công nghiệp – Thương mại đối mặt khó khăn

Nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh như thiếu hụt nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất; đơn hàng xuất khẩu ít nên nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động hoặc cắt giảm quy mô sản xuất (từ 30%-60% công suất); chuyên gia, lao động nước ngoài không nhập cảnh được để điều hành hoạt động sản xuất; hàng hoá sản xuất ra không xuất khẩu được, lượng hàng tồn kho lớn nên thiếu nguồn vốn để tái đầu tư. Kết quả chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức tăng thấp nhất trong những năm qua.

Cũng như sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng kép từ cả 2 phía cung cầu hàng hóa (nguyên liệu đầu vào và thị trường xuất khẩu bị gián đoạn). Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đơn hàng xuất khẩu giảm từ 20% - 30% so với năm 2019.

Mặt khác, do tâm lý hạn chế đến nơi đông người và thực hiện chính sách giãn cách xã hội làm cho nhu cầu mua sắm của người dân cũng có giảm. Doanh thu của các cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm giảm từ 15%-20%. Các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài phải tạm hoãn, cũng phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển thương mại của tỉnh.

Kinh tế phục hồi và phát triển ổn định

Trong 2 quý cuối năm 2020, tình hình kinh tế tỉnh Bình Dương có sự phục hồi tốt hơn so với dự báo. Các chỉ số phát triển kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2020 (IIP) của tỉnh ước tăng 8,02% tuy tăng thấp hơn so với kế hoạch (9,6%) và so với cùng kỳ năm 2019 (9,86%), nhưng vẫn khá cao so với mặt bằng chung của cả nước (cả nước 11 tháng, chỉ số IIP đạt tăng 3,1%)

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu ước tăng 8,5% tương đương 27,4 tỷ USD của Bình Dương hiện chiếm gần 10% xuất khẩu của cả nước (ước đạt 280 tỷ USD) và đang đứng thứ 3 về giá trị xuất khẩu hàng hóa sau thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bắc Ninh. Nhập khẩu ước đạt 21 tỷ 456 triệu đô la Mỹ, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất siêu đạt gần 6 tỷ USD. Trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gỗ, dệt may, da giày, sản phẩm điện tử,… có sự phục hồi khá tốt so với dự kiến (đạt mức tăng trưởng lần lượt là gỗ tăng 14,1%; dệt may tăng 4%; da giày tăng 1,1%). Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 252.889 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ 2019.

Qua đó, có thể thấy được nguồn lực và khả năng thích nghi, ứng phó tốt của các doanh nghiệp trong tỉnh trong giai đoạn khó khăn, cũng như chủ động xây dựng chiến lược tái khởi động hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới sau đại dịch. Đến nay, Bình Dương cơ bản đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Thủ Tướng Chính phủ./.


Diệu Hằng – Phòng KH-TC-TH

Lượt xem: 9906

Thống kê truy cập

Đang truy cập:369

Tổng truy cập: 18651619