Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

NGÀNH CÔNG THƯƠNG BÌNH DƯƠNG TÍCH CỰC HỖ TRỢ KẾT NỐI CUNG CẦU CÁC MẶT HÀNG NÔNG SẢN

2019-10-01 16:21:00.0

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Dương đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, đặc biệt là quy mô phát triển và sản lượng của vườn cây ăn quả, nông sản theo quy trình công nghệ cao

Nông sản đóng vai trò quan trọng trong đời sống và trong sản xuất công nghiệp chế biến. Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,66% mỗi năm, riêng năm 2018 đạt khoảng 3,76%; thị trường nông sản không ngừng mở rộng, xuất khẩu chuyển mạnh sang chính ngạch và hiện nông sản Việt Nam đã có mặt trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Vì vậy, không riêng gì cả nước mà tại Bình Dương, nông sản ngày càng trở nên có chiều hướng tăng trưởng và phát triển tốt. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Dương đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, đặc biệt là quy mô phát triển và sản lượng của vườn cây ăn quả, nông sản theo quy trình công nghệ cao. Thông qua thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng bộ, Bình Dương mong muốn tìm được thị trường tiêu thụ ổn định làm cơ sở để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, cung cấp nông sản an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Việc tìm đầu ra và nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây đặc sản, hướng đến xuất khẩu luôn là mục tiêu quan trọng của tỉnh để thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp phát triển. Do đó, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho lĩnh vực này phát triển.

Từ năm 2011, triển khai chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa gắn với công nghiệp chế biến. Đến nay, tỉnh Bình Dương đã có 04 khu nông nghiệp công nghệ cao (Khu nông nghiệp công nghệ cao Tiến Hùng, huyện Bắc Tân Uyên; Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tân Hiệp và Phước Sang, xã An Thái, huyện Phú Giáo; Khu công nghệ cao tại xã Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên) và nhiều trang trại sản xuất theo mô hình nông nghiệp đô thị. Bên cạnh đó, Bình Dương còn có 3.415,4 ha trồng cây có múi và cây ăn quả chủ lực. Diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt khoảng 2.754,4 ha với các loại cây trồng có giá trị như: rau, nấm, hoa lan, cây cảnh. Diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị khoảng 131,6 ha với các loại cây trồng chủ yếu như: rau thủy canh, rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh và hoa Tết các loại. Trong đó, có Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái do Công ty Cổ phần xây dựng U&I làm chủ đầu tư với diện tích 411,7 ha. Các sản phẩm của Khu nông nghiệp này, đặc biệt là chuối, đã xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất. Ngoài ra, công ty còn ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các siêu thị lớn như: Saigon Coop, Big C, Aeon, Lotte, v.v… Mới đây, đầu tháng 06 năm 2019, sản phẩm bưởi da xanh Tân Mỹ của tỉnh cũng đã xuất lô hàng đầu tiên sang Singapore thông qua một doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Đây tiếp tục là một tín hiệu đáng mừng cho xuất khẩu nông sản của tỉnh.

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa quả đã được nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh áp dụng rộng rãi. Tính tới nay, toàn tỉnh có 95 trang trại, cơ sở sản xuất nông nghiệp chứng nhận VietGap; đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGap với quy mô diện tích 60ha trồng chuối. Cùng với đó, Công ty TNHH Đức Tiến (huyện Bắc Tân Uyên) và Công ty Vinamit Việt Nam tại Bình Dương (huyện Phú Giáo) đạt chứng nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ.          

Đối với ngành Công Thương, công tác xúc tiến thương mại mặt hàng nông sản luôn được quan tâm thực hiện. Trong năm 2017, 2018 Sở Công thương đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia xúc tiến thương mại tại 10 chương trình Hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh thành phố lớn trong cả nước như: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, tỉnh Bến Tre,... Kết quả các Hội nghị có 350 đại biểu tham dự, 35 nhà phân phối, tập đoàn bán lẻ, doanh nghiệp thu mua ký kết được 62 biên bản ghi nhớ và 10 hợp đồng kinh tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của Tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn do biến động của thị trường gắn với hình ảnh "được mùa rớt giá, được giá mất mùa" , thị trường tiêu thụ chưa ổn định; chưa có công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch…Vì vậy, vai trò của ngành Công Thương ngày càng quan trọng, làm sao để đẩy mạnh việc liên kết doanh nghiệp thực hiện chuỗi sản phẩm nông sản là một vấn đề cần được quan tâm thực hiện. Thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tích cực phối hợp các ngành, địa phương triển khai các giải pháp sau:

Thứ nhất, tích cực đẩy mạnh vận động tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp nhận biết việc tham gia chủ trương Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, qua đó nhấn mạnh các doanh nghiệp nên sử dụng sản phẩm doanh nghiệp Việt này là nguồn cung cấp cho doanh nghiệp Việt khác; Người tiêu dùng ưu tiên khi sử dụng sản phẩm hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất; v.v...

Thứ hai, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, HTX; thu hút đầu tư doanh nghiệp tư nhân; xây dựng các mô hình chuỗi; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, các chợ… để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, thúc đẩy tiêu thụ trong nước.

Thứ ba, thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của Tỉnh phát triển thị trường trong nước và thế giới. Tổ chức các Hội nghị, Diễn đàn hợp tác phối hợp giữa các doanh nghiệp, hệ thống phân phối và chủ trang trại, hợp tác xã, nông dân trong việc tạo mối liên kết bền vững đảm bảo nguồn hàng hóa ổn định và tạo vòng quay chu trình sản xuất – phân phối – tiêu thụ.

Thứ tư, đẩy mạnh việc kêu gọi các chủ trang trại, hợp tác xã hợp tác với nhau hoặc doanh nghiệp tạo sự đồng thuận trong khâu sản xuất tập trung, quy mô lớn; xử lý, bảo quản, sơ chế biến sản phẩm tại nguồn, xây dựng mã truy suất nguồn gốc nhằm nâng cao uy tín, độ tin cậy cho sản phẩm nông sản.

            Thứ năm, Sở sẽ tiếp tục phối hợp cùng các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự án mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa, sản phẩm để bảo vệ những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính. Sở Công thương sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản xuất khẩu để tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu về thị trường để đề ra các chính sách xúc tiến thương mại cho mặt hàng nông sản của tỉnh trong năm 2020. Đặc biệt chú trọng tới các sản phẩm truyền thống như chuối, trái cây có múi, dưa lưới, bưởi.

            Hy vọng với các giải pháp tích cực, sự quan tâm, chung tay của các cấp, các ngành, của nhân dân trên địa bàn tỉnh, các mặt hàng nông sản và trái cây của Bình Dương sẽ tìm được thị trường tiêu thụ ổn định; xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, cung cấp nông sản an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.


Lượt xem: 946

Thống kê truy cập

Đang truy cập:904

Tổng truy cập: 18491117