Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp

2020-09-09 10:41:00.0

Với niềm tin và hy vọng, chỉ sau một thời gian các bộ ngành địa phương tập trung, quyết liệt thực hiện thành công 07 nội dung, giải pháp thì ngành Công nghiệp Việt Nam sẽ được thực hiện tái cơ cấu, tổ chức xây dựng và nâng cao năng lực hệ thống quản lý công nghiệp đồng bộ từ trung ương đến địa phương.

Đây là nội dung chỉ đạo tại Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

       

        Nghị quyết 124/NQ-CP được ban hành ngày 03/9/2020 và có hiệu lực kể từ ngày ký. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp thông qua việc thực hiện quyết liệt các nội dung trọng tâm sau:

        Thứ Nhất, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển công nghiệp trong thời kỳ mới; chấm dứt tình trạng ban hành và thực hiện chính sách thiếu thống nhất giữa trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau. Xử lý nghiêm trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên trong việc ban hành, thực thi các chính sách trái với định hướng phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên tại Nghị quyết số 23-NQ/TW theo các quy định của Đảng và các quy định của pháp luật.

Thứ Hai, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về công nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và thống nhất tại các bộ, ngành, địa phương, đáp ứng yêu cầu quản lý liên ngành, liên vùng tại địa phương và trong phạm vi cả nước. Đẩy mạnh phân công, phân cấp, phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Thứ Ba, chú trọng nâng cao năng lực và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về công nghiệp ở các bộ, ngành và địa phương phù hợp với những yêu cầu, nhiệm vụ mới về phát triển công nghiệp trong bối cảnh hội nhập, hiện đại hóa.

Thứ Tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu trong chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan tới phát triển công nghiệp.

Thứ Năm, xử lý nghiêm, dứt điểm các dự án công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả; các dự án công nghiệp sử dụng vốn nhà nước kinh doanh thua lỗ nhiều năm gây thất thoát vốn nhà nước.

Thứ Sáu, quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ công nghiệp đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Thứ Bảy, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bình chọn, vinh danh các doanh nghiệp công nghiệp.

Với niềm tin và hy vọng, chỉ sau một thời gian các bộ ngành địa phương tập trung, quyết liệt thực hiện thành công 07 nội dung, giải pháp nói trên thì ngành Công nghiệp Việt Nam sẽ được thực hiện tái cơ cấu, tổ chức xây dựng và nâng cao năng lực hệ thống quản lý công nghiệp đồng bộ từ trung ương đến địa phương.


Kim Bình – Văn phòng Sở

Lượt xem: 1386

Thống kê truy cập

Đang truy cập:332

Tổng truy cập: 18670885