Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Năm 2017: Ban chỉ đạo 389 tỉnh Bình Dương xử lý 6.970 vụ vi phạm

2018-01-04 15:15:00.0

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, năm 2017, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bình Dương đã kiểm tra 11.139 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó đã xử lý 6.970 vụ vi phạm.

Lực lượng QLTT tỉnh Bình Dương phối hợp liên ngành kiểm tra phát hiện xử lý hàng nhập lậu

Năm 2017: Ban chỉ đạo 389 tỉnh Bình Dương xử lý 6.970 vụ vi phạm

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và UBND tỉnh Bình Dương về việc tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BL,GLTM,HG), năm 2017, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị và thành phố Thủ Dầu Một đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc, phối hợp hiệu quả, đồng bộ và đã đạt được kết quả:

Các sở ngành đã kiểm tra 11.139 vụ (giảm 5,98% so cùng kỳ), phát hiện 6.733 vụ vi phạm (tăng 6,33% so cùng kỳ), xử lý 6.970 vụ (tăng 6,26% so cùng kỳ). Tổng số tiền thu nộp ngân sách 636 tỷ 704 triệu đồng (tăng 6,06% so cùng kỳ), trong đó số tiền xử phạt 197 tỷ 374 triệu đồng (tăng 18,98% so với cùng kỳ), truy thu 436 tỷ 857 triệu đồng (tăng 1,07% so với cùng kỳ), tiền bán hàng hóa tịch thu 02 tỷ 472 triệu đồng; trị giá hàng tịch thu ước tính 20 tỷ 558 triệu đồng.. Hàng hóa tịch thu, xử lý chủ yếu gồm thuốc lá điếu nhập lậu, rượu, thực phẩm, phụ kiện điện thoại, đồ chơi trẻ em, đồ dân dụng, chai gas mini,…

Một số khó khăn tồn tại

- Lực lượng phối hợp còn mỏng nên sự phối hợp chưa thật sự hiệu quả; vai trò của chính quyền cấp cơ sở, các hiệp hội, doanh nghiệp có hàng bị làm giả tuy có chuyển biến nhưng chưa thật sự kiên quyết; phương tiện, công cụ hỗ trợ, cơ sở pháp lý còn nhiều hạn chế, bất cập.

- Tình trạng gian lận về chất lượng xăng dầu tăng cao so với cùng kỳ, một số Quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa được người vi phạm thi hành do số tiền phạt vi phạm hành chính quá lớn, đối tượng chưa có khả năng thực hiện.

- Các đối tượng cố ý vi phạm thường chủ động đối phó với những thủ đoạn và phương thức tinh vi, trong khi các quy định pháp luật và chế tài về việc cơ quan nhà nước được phép yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin còn hạn chế. Tỉnh Bình Dương tập trung nhiều khu công nghiệp lớn, nhiều doanh nghiệp có tổ chức, nhân sự biến động liên tục dẫn đến việc thu thập và cập nhật thông tin không kịp thời, thiếu chính xác; doanh nghiệp chế xuất không có khu chế xuất tập trung nên việc quản lý còn nhiều bất cập.

Kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời hoạt động buôn lậu năm 2018

Năm 2018, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thủ đoạn phương thức ngày càng tinh vi, khó phát hiện hơn cho nên các lực lượng chức năng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Tập trung bám sát, thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác chống BL,GLTM,HG và an toàn thực phẩm:

- Xây dựng Kế hoạch công tác năm 2018 trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 41/NQ-CP, đảm bảo các yêu cầu về định hướng, mục tiêu hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và diễn biến tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương.

- Triển khai thực hiện kế hoạch số 1237/KH-BCĐ389 ngày 11/12/2017 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018; Xây dựng Kế hoạch phối cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2019.

- Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch số 1239/KH-BCĐ389 ngày 13/12/2017 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

- Thực hiện tốt Quy chế phối hợp đã được ký kết giữa các sở, ngành; các Ban chỉ đạo 389 thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát, huyện Dầu Tiếng thực hiện tốt Quy chế phối hợp đã ký kết giữa Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Thủ Dầu Một, Thị xã Bến Cát, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương); huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) và huyện Củ Chi, huyện Hốc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh).

- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng không tham gia và tiếp tay cho BL,GLTM,HG, thực hiện có kế hoạch, chuyên mục, chuyên đề gắn với nội dung cuộc vận động ‘‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’’; phối hợp phản ánh kịp thời, khách quan, trung thực tình hình BL,GLTM,HG trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Làm tốt công tác dự báo, tổng hợp và phân tích tình hình thị trường để chủ động tham mưu cho UBND tỉnh đề ra các biện pháp kiểm tra kiểm soát thị trường phù hợp trong từng thời điểm cụ thể; các sở ngành, địa phương chấp hành nghiêm chỉnh chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất, báo cáo nhanh để có thông tin kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của BCĐ 389/BD.

- Tiếp nhận, xử lý hiệu quả thông tin đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389/BD; Công bố lại số điện thoại đường dây nóng của các đơn vị là thành viên để tiếp nhận thông tin từ người dân kịp thời, chính xác.


Lượt xem: 157

Thống kê truy cập

Đang truy cập:537

Tổng truy cập: 18521740